Huyện Lạc Sơn: Phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng NTM

 8985 lượt xem
Xác định nông, lâm nghiệp vẫn là nền kinh tế chủ chốt của huyện, trong những năm qua, Đảng bộ huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 17% số xã đạt chuẩn NTM. 
 
  
Trường tiểu học xã Quý Hòa (Lạc Sơn) được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong xã.
 
 Để tạo bước phát triển mới trong xây dựng NTM, Lạc Sơn đã tập trung rà soát, đánh giá lại thực trạng hạ tầng cơ sở, KT-XH, AN-QP. Theo đó, trong những năm qua, huyện chú trọng chuyển đổi cơ cấu theo hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Sản lượng lương thực bình quân đạt gần 60 ngàn tấn; độ che phủ của rừng đạt 55%. Kết cấu hạ tầng được xây dựng, đến nay có 100% số xã và trên 95% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; hệ thống giao thông đã đến tất cả các thôn, xóm với tổng chiều dài 151km đường liên xã, 467 km đường liên xóm, 101km đường nội thị đã được bê tông hóa. 100% trong học được xây dựng từ cấp 4 trở lên (trong đó có 60/96 trường học có nhà cao tầng). 11/29 trạm y tế được xây dựng kiên cố với đầy đủ các trang, thiết bị y tế. 25/29 trụ sở xã, thị trấn được xây dựng kiên cố. 90% số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 57 km kênh mương được kiên cố hóa, chủ động tưới cho gần 3.900 ha diện tích canh tác. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20%...
 
Cụ thể hóa chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Lạc Sơn đề ra chủ trương phát triển gắn với kinh tế nông, lâm nghiệp. Trong đó từng bước thực hiện dồn điền, đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp để nông dân có điều kiện áp dụng các tiến bộ KHKT, thâm canh tăng năng suất cây trồng; đảm bảo an ninh lương thực, quan tâm giải quyết các vấn đề nông dân, nông thôn. Sản lượng lương thực hàng năm đạt 60.000 tấn, tỷ trọng kinh tế nông, lâm nghiệp chiếm 47% trong cơ cấu kinh tế, giữ độ che phủ rừng ổn định hàng năm đạt 55%, phấn đấu đến năm 2015 có 17% số xã đạt chuẩn NTM. Nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình đã đề ra, huyện tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn gắn với thực hiện Đề án “xây dựng NTM” theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quan tâm đến đào tạo nghề cho nông dân, phát triển ngành, nghề nông thôn, chuyển dần một bộ phận lao động nông thôn sang sản xuất CN-TTCN, dịch vụ và du lịch. Tiếp tục  chương trình nâng cao chất lượng chăn nuôi đàn lợn theo hướng nạc hóa; xây dựng thí điểm một số mô hình nuôi lợn địa phương theo mô hình trang trại, phấn đấu đến năm 2015 có tổng đàn lợn đạt 95.000 con, đến năm 2020 có 110.000 con; xây dựng các dự án phát triển đàn lợn tập trung theo hướng nuôi công nghiệp tại các mô hình gia đình, HTX. Đẩy mạnh thâm canh cây lương thực, tăng vụ trên một đơn vị diện tích; hình thành vùng chuyên canh lúa, ngô, sắn… hàng hóa chất lượng, năng suất cao tại các xã có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, phù hợp. Phát triển sản xuất các loại rau, màu có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường như: Mướp đắng, dưa chuột, dưa hấu, bí xanh, su su lấy ngọn… Chủ động sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; tăng cường KN- KL, từng bước nâng cao nhận thức, khả năng áp dụng tiến bộ KHKT nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả lao động cho nông dân. Thực hiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại sản xuất hàng hóa; khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế hộ và kinh tế trang trại phát triển; thực hiện việc liên doanh, liên kết để đưa nhanh tiến bộ KHCH vào sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Tăng cường các biện pháp bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào lâm nghiệp, nhất là trồng rừng nguyên liệu và chế biến lâm sản; nghiên cứu xây dựng điểm phát triển một số loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như: Lim, lát, dổi… Trên địa bàn huyện kết hợp bảo tồn, phát triển rừng lồng ghép với các hoạt động du lịch sinh thái.
 
Từ những chủ trương đúng đắn, phù hợp, Đảng bộ huyện Lạc Sơn đang tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ từ nhiều nguồn lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh như: Lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, dịch vụ, du lịch… Tạo bước đột phá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quyết tâm thoát nghèo vào năm 2015 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXV đã đề ra.
 
 
Ý kiến của bạn