Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), diện mạo nông thôn của tỉnh Kiên Giang đã thay đổi căn bản bộ mặt khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nhằm rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Những kết quả nổi bật
Sau gần 10 năm, tỉnh Kiên Giang đã đạt được những kết quả rất ấn tượng.
Kiên Giang là 1 trong 4 tỉnh vùng ĐBSCL đã đạt vượt mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới (NTM), với 64/117 xã và huyện Tân Hiệp được công nhận đạt chuẩn, có 107 xã hoàn thành tiêu chí thu nhập, bình quân đạt 46,2 triệu đồng/người/năm.
Công tác tuyên truyền, vận động đã được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động bằng nhiều hình thức thiết thực, phong trào thi đua đã hình thành nhiều mô hình mới, cách làm hay. Phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, xuất hiện nhiều tập thể, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM.
Các xã đều có sự chuyển biến đáng kể về các tiêu chí, đều đạt từ 9 tiêu chí trở lên, vượt so với kế hoạch của tỉnh và cao hơn so với mức hoàn thành của cả nước và vùng ĐBSCL. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây mới đã cơ bản hoàn chỉnh và đồng bộ. Đến nay hệ thống thuỷ lợi của tỉnh cơ bản phục vụ được nhiệm vụ tưới tiêu, kiểm soát lũ, nước mặn xâm nhập, từng bước đáp ứng yêu cầu nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp của hai huyện Kiên Lương, Giang Thành.
Đã xây dựng 117 hệ thống cống trên đê, 2.704 km kênh mương được kiên cố hóa, 609 công trình thủy lợi nội đồng được cải tạo, nâng cấp và có 1.252 trạm bơm trong đó 240 trạm bơm điện vừa và nhỏ được xây mới. Hệ thống kênh thoát lũ, dẫn ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên và tây Sông Hậu đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, ngăn mặn để sản xuất 2 vụ lúa ổn định, có trên 90.000 ha có khả năng sản xuất 3 vụ/năm.
Cơ giới hóa nâng cao hiệu quả sản xuất (ảnh: internet).
Hệ thống điện được đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp, đã có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt cho vùng lõm, vùng sâu, vùng xa, đảo Phú Quốc, Kiên Hải và xây dựng các trạm phát điện trên các đảo, nâng số xã có điện sinh hoạt đạt 100%.
Ngành giáo dục quyết tâm xây dựng trường lớp học tại các xã, để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong việc dạy và học. Tỉnh Kiên Giang cũng có nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Đồng thời, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn liền với nhiều thành quả đạt được từ thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Công tác ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh, các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tăng cường áp dụng.
Huy động tổng thể mọi nguồn lực
Xây dựng NTM là chương trình lớn, tác động toàn diện đến đời sống, kinh tế, xã hội ở nông thôn, cần huy động tổng thể các nguồn lực thực hiện.
Do đó, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở giai đoạn đầu (2011-2015), phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều đáng mừng là trong 10 năm qua, trên địa bàn Kiên Giang không có địa phương nào để nợ đọng trong xây dựng NTM.
Tròn 10 năm, tỉnh Kiên Giang đã huy động được là 29.186 tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM, trong đó, vốn Trung ương 1.023 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2.179 tỷ đồng, huy động doanh nghiệp 1.965 tỷ đồng, còn lại là vốn vay tín dụng và các nguồn khác.
Nông thôn mới góp phần thay đổi diện mạo nông thôn (ảnh: internet)
Từ những nguồn lực trên, các xã đã cơ sở hạ tầng, xây dựng hoàn thành các tiêu chí NTM. Đến nay, đã có 64/117 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 54,7%), cao hơn bình quân chung của cả nước (50,8%) và vùng ĐBSCL (43,78%). Bình quân toàn tỉnh đạt 16,8 tiêu chí/xã (tăng 11,3 tiêu chí/xã so với năm 2011), cao hơn so với bình quân chung toàn vùng và cả nước.
Chương trình xây dựng NTM đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân nâng lên, thay đổi được tập quán, phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, thu nhập dần cải thiện. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền chưa đồng đều, có nơi còn thiếu quyết liệt. Nguồn vốn đầu tư cho chương trình chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, một số nơi sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả.
Giai đoạn tới, các địa phương phải phấn đấu đạt được kế hoạch đã đề ra, nhất là những huyện NTM. Phải xây dựng kế hoạch thực hiện sát với thực tế địa phương, có lộ trình thực hiện và phải có kiểm tra, giám sát, đánh giá. Có kế hoạch phân bổ vốn đúng lộ trình để các địa phương thực hiện có hiệu quả. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM rồi lại bị rớt tiêu chí.
Hoài Thanh