Thanh Hóa: Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

 150 lượt xem
Vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, dự kiến các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện giai đoạn 2020-2025. 

Theo báo cáo, Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 2,9%; tổng sản lượng lương thực bình quân ước đạt hơn 1,5 triệu tấn/năm; cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển theo hướng giảm nông nghiệp và tăng lâm nghiệp, thủy sản. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 ước đạt 53,46%, vượt 0,43%. Thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận đạt khoảng 26,11%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt 34,44 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2014; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2020 ước đạt 95,5%.
Trong xây dựng NTM đã có 14/19 tiêu chí đạt và vượt kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện, 367 xã, 917 thôn, bản đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 16,7 tiêu chí. Ngoài ra, trong giai đoạn qua, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong xây dựng NTM được tăng cường; các ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai ở nhiều địa phương…
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả… Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 2,7%; sản lượng lương thực có hạt hàng năm ổn định 1,5 triệu tấn/năm; thu nhập bình quân đầu người nông thôn đến năm 2025 gấp 1,8 lần so với năm 2020. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 12 huyện, 84% số xã, 50% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, 20% tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5% tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bình quân toàn tỉnh đạt 18,5 tiêu chí/xã.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan đã tham gia thảo luận, góp ý để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung, hoàn thiện vào báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, cũng như mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn tới.
Việc đánh giá kết quả thực hiện các nội dung của ngành nông nghiệp phải bám sát theo Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đối với kết quả và mục tiêu về xây dựng NTM cần đánh giá theo 2 mốc, từ 2016 đến năm 2019 theo số liệu xã cũ và đánh giá riêng của năm 2020, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập các xã, thị trấn theo Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mục tiêu và kết quả của năm 2020 sẽ làm căn cứ để xây dựng kế hoạch, mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: báo Thanh Hóa)
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM của tỉnh còn tồn tại nhiều hạn chế. Do đó, đồng chí yêu cầu đơn vị xây dựng báo cáo phải nêu rõ những tồn tại, hạn chế; đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để đề ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tới.
Đối với nội dung dự kiến các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện giai đoạn 2020-2025, đồng chí lưu ý Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng được lộ trình thực hiện để tạo được bước đột phá về tổ chức sản xuất, năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đột phá về chất lượng sản phẩm.
                                                                                                                                                                                       Song Linh

 
Ý kiến của bạn