Cà Mau: Gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

 10229 lượt xem
Trong các bước triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới thì công tác quy hoạch có vai trò “tiên phong”, tạo tiền đề cho đầu tư xây dựng theo từng phân khu, từng vùng và tạo bộ mặt mới toàn diện cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau hiện công tác quy hoạch vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn. 

Đến nay, 8 huyện, thành phố đã và đang tiến hành các bước triển khai lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho tất cả các xã trong tỉnh, trong đó ưu tiên cho 22 xã chọn làm điểm chỉ đạo của toàn tỉnh. 

Tuy nhiên, chỉ có 13 xã đã xây dựng xong đồ án và đang trình thẩm định, phê duyệt, còn lại phần lớn công tác quy hoạch mới chỉ dừng lại ở việc hoàn thành đề cương nhiệm vụ quy hoạch và khảo sát, đánh giá thực trạng.
 
Quy hoạch chậm
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh sau chuyến kiểm tra vào tháng 10/2011, công tác quy hoạch triển khai còn chậm. Đến nay chưa có xã nào phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và phân bố sản xuất.
 
 
Nhờ tăng cường đầu tư hạ tầng, bộ mặt nông thôn xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời ngày càng khởi sắc.       
 
Điều đáng nói là việc đánh giá hiện trạng xây dựng nông thôn mới, công tác lập đồ án quy hoạch ở một số địa phương chưa bảo đảm đúng trình tự như hướng dẫn. Do vậy, việc đánh giá thực trạng, xây dựng dự thảo đồ án chưa sát với thực tế. 
 
Một số huyện chưa tiến hành phân cấp, giao nhiệm vụ cho xã để trực tiếp tổ chức lập đồ án quy hoạch và đề án xây dựng mà giao cho các phòng ban của huyện thực hiện như: Huyện Phú Tân, Đầm Dơi… dẫn đến tình trạng lúng túng, bị động của chính quyền xã. 
 
Ông Lê Thanh Nghị, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, bức xúc: “Giá như huyện giao cho chủ tịch xã tự quyết định trong việc chọn lựa đơn vị tư vấn để lập quy hoạch thì có lẽ đến thời điểm này xã đã hoàn thành tiêu chí quy hoạch”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai lập đồ án quy hoạch chậm là do chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng nông thôn mới. 
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi, hầu hết các địa phương chưa xác định trách nhiệm của mình là chính mà còn trông chờ, ỷ lại vào đơn vị tư vấn. Một số xã giao cho Chủ tịch UBND các huyện tổ chức lập quy hoạch, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, dẫn đến phải điều chỉnh đầu tư, làm chậm tiến độ thực hiện.
 
Bên cạnh đó, một số xã đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch nhưng chưa bảo đảm đúng theo quy định về nội dung, trình tự, chưa lấy ý kiến của nhân dân về nội dung nhiệm vụ quy hoạch, cũng chưa được HĐND xã thông qua bằng nghị quyết theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT.
  
Nhiệm vụ của chính quyền cơ sở
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi, nhiệm vụ chính trong chương trình xây dựng nông thôn mới là của cơ sở, mà chịu trách nhiệm chính là chủ tịch UBND xã. Ngay như công tác lập quy hoạch cũng phải thực hiện trên cơ sở đánh giá thực trạng, nhu cầu, nguyện vọng của người dân tại chỗ. Từ đó, các đơn vị tư vấn giúp xã hoàn chỉnh thành đồ án quy hoạch chung và dựa trên thực tế để lập quy hoạch chi tiết, phân từng khu chức năng.
 
Quy hoạch nông thôn mới là loại quy hoạch tổng thể, lồng ghép của 3 loại quy hoạch gồm quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất, hàng hóa tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Tuy nhiên, một số địa phương chưa hiểu hết tinh thần Thông tư liên tịch số 26/2011 của 3 Bộ và Công văn số 25/BCĐ ngày 26/8/2011 của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh nên giao hẳn nhiệm vụ quy hoạch cho đơn vị tư vấn, từ đó giá thuê mướn tăng cao gấp nhiều lần. 
 
Trong khi kinh phí bố trí cho quy hoạch xây dựng NTM là 12 tỷ 300 triệu đồng đã được phân bổ đủ cho 82 xã, mỗi xã 150 triệu đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo từ các huyện thì sau khi lập quy hoạch giá đội lên từ 400 đến 500 triệu đồng/xã/quy hoạch. 
 
Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, bức xúc: “Thậm chí đơn vị tư vấn còn chưa hiểu rõ về đặc thù của địa bàn. Trong quy hoạch tổng thể cho xã Trí Phải lại đưa cả mô hình nuôi sò, nghêu của vùng ven biển vào đây”.
 
Nông dân huyện Cái Nước xây dựng lộ GTNT, góp phần cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc.          
                                                                                                 
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến hết tháng 12/2011, phải hoàn thành công tác lập quy hoạch chung tại 22 xã điểm và trong năm 2012 hoàn thành toàn bộ 60 xã còn lại. Đây thực sự là một nhiệm vụ nặng nề bởi khối lượng công việc và sự thúc ép về thời gian. 
 
Trên thực tế, theo đánh giá của Sở Xây dựng, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề kinh phí. Kinh phí vượt dự toán nên tiến độ chậm là đương nhiên. Hiện tại hầu hết các xã điểm mới đang tiến hành khâu đánh giá hiện trạng, lập đề cương cho công tác lập quy hoạch; thậm chí có xã còn chưa đánh giá xong hiện trạng thực tế.
 
“Vấn đề quan trọng nhất trong quá trình lập quy hoạch nông thôn mới là người dân phải được tham gia ngay từ đầu; cán bộ xã, ấp phải chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên tinh thần tiết kiệm tối đa, huy động sự vào cuộc của nhân dân để đẩy nhanh công tác lập quy hoạch chung, để làm căn cứ từng bước lập quy hoạch chi tiết, xây dựng từng khu chức năng như khu trung tâm xã, các điểm dân cư, các công trình hạ tầng (chợ, giao thông, thủy lợi…) khu sản xuất cũng như triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi nhấn mạnh tại cuộc đánh giá sơ kết công tác xây dựng nông thôn mới tỉnh vừa qua.
 

 

 
Ý kiến của bạn