TP Hà Nội: Đẩy mạnh Chương trình số 04-CTr/TU nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân

 233 lượt xem
Xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại... Đó là một trong những mục tiêu lớn của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xâydựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. 

 
Bộ mặt các xã xây dựng nông thôn mới đã có nhiều đổi thay
    Với ba mục tiêu lớn về xây dựng nông thôn mới, về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, về phát triển kinh tế nông thônvà mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
    Cụ thể, đối với xây dựng nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò then chốt, từ đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.
    Cùng với đó, rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bảo đảm phù hợp với quy hoạchvà Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị. Trọng tâm là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng nông thôn mới theo hướng tiêu chí đô thị, nhất là với các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ phát triển lên quận giai đoạn 2021-2025 và các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh... lên quận vào giai đoạn 2026 - 2030. Đặc biệt, tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện Chương trìnhsố 04-CTr/TU giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020), trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư là 83.700 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước (doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và nguồn khác...) là 8.980 tỷ đồng.
    Đối với nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Chương trình số 04-CTr/TU chỉ ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, việc cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất sẽ tập trung quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp... Đặc biệt, Chương trình 04-CTr/TU đã chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
    Về phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như: Mỗi năm thành lập mới từ 70 hợp tác xã trở lên, hỗ trợ ít nhất từ 50 hợp tác xã trở lên thực hiện Quyết định số1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; triển khai chính sách thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, trên đại học về làm việc tại các hợp tác xã... Mặt khác, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn thông qua việc hỗ trợ thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn; đồng thời, đầu tư xây dựng mới và cải tạo các chợ đầu mối, chợ dân sinh nông thôn.
    Về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, Hà Nội triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội, xây dựng miền quê đáng sống; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm xã hội...
    Mặc dù mới bắt đầu triển khai nhưng Chương trình số 04-CTr/TU đã bước đầu đem lại hiệu quả. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức bủa vây bởi đại dịch Covid-19, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII), phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục được đẩy mạnh ở khắp các địa phương và đạt được những kết quả tích cực. 
    Đến nay, thành phố đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong số 6 huyện chưa về đích, hiện nay, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020, trình Hội đồng Thẩm định trung ương xem xét, thẩm định. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Hai huyện Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Toàn thành phố đã có 368/382 xã đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 14 xã chưa hoàn thành NTM, có 2 xã (Vân Hòa, Ba Vì) thuộc huyện Ba Vì đã đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận đạt chuẩn. Còn lại 12 xã của các huyện Mỹ Đức, Ba Vì đều đạt 15-18 tiêu chí, trình thành phố đánh giá.
    Có thể nói, những kết quả đạt được không chỉ góp phần ổn định kinh tế - xã hội cho khu vực nông thôn, mà còn sẵn sàng bứt phá cho nấc thang phát triển vươn tầm NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Hà Nội trong giai đoạn mới.
                                                                                                                                                Tố Quyên


 

 
Ý kiến của bạn