Ngay từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Hồng Phong (Đông Triều tỉnh Quảng Ninh) đã xác định, đây là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội là cuộc vận động toàn diện trên mọi lĩnh vực. Chính vì vậy trong thời gian qua Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Phong đã đoàn kết, thống nhất, tập trung sức người, sức của, nỗ lực phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
Đường trục xã Hồng Phong được bê tông hóa tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.
Hiện nay, toàn xã có 2.367 nhà ở dân cư nông thôn, trong đó nhà kiên cố và bán kiên cố là 1.846 nhà, không có nhà tạm, dột nát.
Với diện tích tự nhiên 731,86ha, dân số bao gồm 2.367 hộ với 8.104 nhân khẩu, được phân bố thành 7 thôn, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của xã. Được đánh giá là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của huyện Đông Triều, nên xây dựng NTM càng quan trọng hơn đối với chiến lược phát triển của địa phương. Đảng bộ, chính quyền xã Hồng Phong quán triệt quan điểm, xây dựng NTM phải được dân biết, dân bàn, dân tham gia và dân được hưởng thành quả. Vì vậy khi triển khai xây dựng NTM, xã Hồng Phong đã thực hiện tuyên truyền sâu rộng để cán bộ và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung xây dựng NTM, qua đó chủ động, tự giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Xã đã hoàn thành lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi đánh giá hiện trạng theo các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM quốc gia. Kết quả đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội xã Hồng Phong đã đạt chuẩn 13/19 tiêu chí, 33/39 chỉ tiêu trong đề án. Đồng chí Nguyễn Tiến Hồng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Hồng Phong cho biết: “Trong thời gian qua xã đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới như: Điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi… Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân”. Hiện nay toàn xã có 2.367 nhà ở dân cư nông thôn, trong đó nhà kiên cố và bán kiên cố là 1.846 nhà, không có nhà tạm, dột nát. Xã có chủ trương khuyến khích, động viên người dân hiến đất làm đường giao thông, được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, người hiến đất, người góp của, người góp công mở mang cho con đường đi lại.
Hiện nay đường giao thông trục xã, liên thôn dài 2,3km đã được bê tông hóa, đường thôn 22,3km trong đó 21,4km đã được bê tông hóa, đường xóm dài 14,2km đã bê tông hoá tạo điều kiện đi lại thuận tiện. Kênh mương trên địa bàn xã với tổng chiều dài 21,6km, đã kiên cố 11,68km đáp ứng yêu cầu phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã được thực hiện tốt, có 6,6ha diện tích ruộng kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang các mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Hiện tại, tổng số gia trại trên địa bàn là 294 hộ, chủ yếu theo mô hình nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương và vận động nhân dân tham gia vào các loại hình kinh doanh dịch vụ. Trên địa bàn có một số doanh nghiệp như: Công ty CP Xây dựng Viglacera Đông Triều 1, Công ty TNHH Ánh Tuyết... tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Cơ sở vật chất trong xã được đầu tư hoàn thiện, các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trong xã đều đảm bảo tiêu chuẩn, phục vụ tốt cho công tác dạy và học, giữ vững được phổ cập giáo dục trung học và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo có đủ túi thuốc, dụng cụ y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân trong xã. Bên cạnh đó, vấn đề anh ninh - quốc phòng, chính trị trong xã luôn được giữ vững, đảm bảo cho người dân yên tâm sản xuất, phát triển.
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình xây dựng NTM của Hồng Phong vẫn còn những hạn chế nhất định. Là một xã thuần nông nên các vấn đề về việc làm, đời sống, môi trường nông thôn còn nhiều bất cập. Đặc biệt vấn đề lớn nhất của xã là thu nhập bình quân của người dân tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn ở mức thấp 15,9 triệu đồng/người/năm, đạt 0,8 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh. Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết thêm: “Để từng bước giải quyết những khó khăn, nhiệm vụ trọng tâm của xã trong thời gian tới là thực hiện các biện pháp đồng bộ hiệu quả, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó, từng bước hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2013”.