Cò Chịa: “Dân vận khéo” - Dân thoát nghèo

 9747 lượt xem
Thời gian qua, chi bộ bản Cò Chịa, xã Yên Sơn (huyện Yên Châu tỉnh Sơn La) đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể xã làm tốt công tác vận động quần chúng, nhờ đó, Cò Chịa đang từng ngày đổi thay, cuộc sống của bà con từng bước được cải thiện. 

Cò Chịa có tiềm lực phát triển tương đối đồng đều trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Ban chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” xã Yên Sơn đã lựa chọn để xây dựng mô hình bản trở thành mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu. Đến nay, 100% số hộ trong bản đã đăng ký, triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Bản đã lựa chọn xây dựng 3 mô hình điển hình “Dân vận khéo” về phát triển kinh tế.  Nhiều năm về trước, cuộc sống của bà con ở bản Cò Chịa chỉ dựa vào diện tích lúa 2 vụ và ngô; sau khi thu hoạch nhiều diện tích đất bị bỏ hoang chờ vụ sau. Trước tình hình đó, xã Yên Sơn đã tập trung chỉ đạo tìm giải pháp để phát triển kinh tế, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là phát triển mô hình VAC trên những diện tích đất chưa phát huy hiệu quả. Ông Lò Văn Lẻ, Bí thư Chi bộ bản cho biết: Bước đầu vận động bà con áp dụng mô hình VAC, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế, bản đã phối hợp với các cấp chính quyền xã đưa bà con đi tham quan, tổ chức tập huấn đầu bờ tại một số mô hình hiệu quả của một số địa phương khác. Đồng thời, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ con giống cho bà con. Từ đó, nhiều hộ đã chuyển đổi cách làm, tăng thu nhập và vươn lên khá giả. Điển hình có hộ ông Lò Văn Èo, Lò Văn Lẻ, Lò Văn Ngôn, Nguyễn Hữu Ổn, Lò Văn Chinh, Lò Văn Lửa... 

Là hộ được đánh giá áp dụng mô hình VAC hiệu quả nhất, 3 năm trở lại đây gia đình ông Lò Văn Ngôn có thu nhập từ 180 đến 200 triệu đồng. Ông Ngôn tâm sự: Nhờ có cán bộ xã cùng với bản đến vận động gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tận dụng những diện tích đất bỏ hoang để phát triển kinh tế. Gia đình tôi đã trồng mận, hồng không hạt, xoài, ngô, mía trên diện tích 2ha; ngoài ra, còn tận dụng thân cây ngô và lá mía sau thu hoạch để chăn nuôi trâu, bò và dê. Đến nay, gia đình tôi đã có cuộc sống khá giả, mua sắm được nhiều đồ dùng, tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Cách làm của ông Ngôn đã được nhiều hộ trong bản áp dụng và nhân rộng. Đến nay, bản Cò Chịa có 15 ha cây ăn quả các loại, 2 ha cà phê, 78 ha ngô, 20 ha sắn, 8ha lúa. Không chỉ chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà chăn nuôi cũng từng bước phát triển. Hiện cả bản có 260 con trâu, bò; 350 con dê; 650 con lợn; trên 3.000 con gia cầm và 4.000m2 ao thả cá. Bà con không để đất hoang hóa, vụ kế vụ, góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn. 

Giờ đây, cả bản có 10 hộ có thu nhập từ 50 đến 200 triệu đồng, 65 hộ khá lên nhờ mô hình VAC, 100% số hộ được ngói hóa, 100% hộ được dùng điện lưới... 

Có thể nói, việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở Cò Chịa đã mang lại hiệu quả KT-XH đáng kể, bà con có điều kiện lo cho con em học hành chu đáo, xây dựng nhà cửa khang trang hơn... Việc nhân rộng mô hình kinh tế và xây dựng đường giao thông nông thôn cũng đang được người dân tích cực hưởng ứng, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc./.

 
 
Ý kiến của bạn