Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đặc biệt chú trọng tạo việc làm cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế như phát triển kinh tế rừng, nông nghiệp, dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, tạo sự công bằng xã hội.
Sinh viên trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ Tuyên Quang thực hành sửa chữa điện.
Ông Lê Văn Háu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tạo việc làm cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được ngành phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, UBND các huyện triển khai thực hiện hiệu quả. Các nguồn vốn 120, vốn Chương trình 135, 134 và nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng và tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động dân tộc thiểu số. Trung bình mỗi năm, tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động, trong đó tạo việc làm cho lao động thiểu số chiếm hơn 60%.
Nhiều lao động được tạo việc làm, được hỗ trợ vốn, vươn lên trở thành điển hình trong phong trào thi đua lao động giỏi ở cơ sở. Anh Ma Văn Sơn, dân tộc Tày, ở thôn Bản Ba, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) là tấm gương để mọi người noi theo. Ngày trước, gia đình anh nghèo vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm làm ăn nhưng mấy năm qua được các tổ chức tín dụng hỗ trợ vay vốn, vợ chồng đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn, mở cửa hàng tạp hóa, đời sống ngày càng được cải thiện. Anh đã có cửa cao nhà rộng, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn.
Các mô hình kinh tế rừng, trồng mía, chăn nuôi thủy sản đã giúp các hộ dân tộc nghèo vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no. Anh Trần Ngọc Thái, dân tộc Dao, ở xã Lương Thiện (Sơn Dương) nổi tiếng với mô hình kinh tế R-VAC. Anh được xã giao hơn 20 ha rừng trồng keo, nay đã đến kỳ khai thác. Anh tận dụng nguồn nước từ các khe suối đắp đập làm ao thả cá; đầu tư chăn nuôi lợn, vịt, ngan, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Mô hình kinh tế của gia đình anh tạo việc làm cho 20 lao động. UBND huyện Nà Hang đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi thủy sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang; phát triển cây ăn quả ở xã Hồng Thái, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, trên hồ thủy điện có 4 hợp tác xã đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và hàng trăm hộ làm nghề đánh bắt thủy sản, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình trồng lê, mận, hồng ở xã Hồng Thái đã tạo việc làm cho 200 lao động, có thu nhập khá. Anh Đặng Văn Cường, ở bản Khau Tràng cho biết, gia đình anh trồng hơn 200 cây mận, lê, mỗi năm thu lãi gần 30 triệu đồng. Anh cho biết, ở vùng nông thôn, nhất là ở vùng cao như Hồng Thái “kiếm” được từng ấy tiền một năm chả khác gì nằm mơ.
Trong gần 3 năm qua, việc tuyển dụng lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp trong nước là hướng đi quan trọng trong tạo việc làm cho lao động dân tộc thiểu số. Riêng năm 2011 đã tuyển dụng hơn 6.000 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, chủ yếu là lao động vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đoàn đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh mở các lớp dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Chiêm Hóa, Nà Hang... góp phần nâng cao chất lượng chương trình lao động việc làm của tỉnh. Bình quân thu nhập của lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hà Đức Thọ, dân tộc Tày ở xã Bình Phú (Chiêm Hóa) làm việc tại một xưởng chế biến lâm sản của tỉnh Bình Dương, có mức lương 5 triệu đồng/tháng, mỗi tháng anh gửi về cho gia đình gần 2 triệu đồng. Bà Ngôn Thị Ngần, mẹ anh Thọ cho biết, từ đồng vốn con bà gửi về đã đầu tư nuôi trâu và làm được các công trình vệ sinh đủ tiêu chuẩn.
Nhiều biện pháp tạo việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.