Trăn trở trước cảnh người nông dân cặm cụi ngày đêm thái sắn với chiếc máy thủ công, vừa tốn sức vừa nguy hiểm ... 6 năm cặm cụi nghiên cứu anh nông dân Đinh Tiến Dũng, bản Noong Phụ, xã Chiềng Mung (Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã đưa ra thị trường chiếc máy thái sắn chạy bằng động cơ có năng suất gấp trăm lần máy thái sắn trên thị trường.
Anh Đinh Tiến Dũng bên những sản phẩm sáng tạo của mình.
“Có công mài sắt...
Sinh ra trên quê hương Đan Phượng, TP Hà Nội. Cũng bởi vùng quê anh nghèo, đất nông nghiệp ngày một ít đi, trong khi xuất thân từ một gia đình nông dân, đông anh em nên anh ngược lên Tây Bắc làm bốc vác ngô, thái sắn thuê... Và rồi, không hiểu duyên phận thế nào anh đã “bén rễ” với mảnh đất Sơn La, khi anh quyết định vừa đi làm thuê vừa đi học thêm nghề gò hàn tại trường Dạy nghề Sơn La để hoàn thành ước mơ của mình “mở một xưởng chuyên gò, hàn, sửa chữa máy móc”...
Anh Dũng kể: Năm 1997, sau khi học xong nghề gò hàn, tôi thuê đất mở một xưởng nhỏ tại bản Noong Phụ phát huy nghề gò hàn đã học. Ngày đầu, xưởng thi thoảng mới có khách là bà con trong bản mang đồ tới sửa hay đặt làm vài thứ lặt vặt. Cũng trong khoảng thời gian này, ngoài cái tiếng là ông chủ của một xưởng cơ khí nhỏ vào vụ sắn hay vụ ngô vẫn phải đi làm thuê... Cũng chính những lần đi làm thuê đó, thấy bà con vất vả khi phải dùng những chiếc máy thủ công để thái sắn, có rất nhiều người bị mất ngón tay hay bị lưỡi thái sắn xén chảy máu. 3 đến 4 người thay nhau làm cật lực cũng chỉ thái được khoảng hơn tấn sắn/ngày. Trong khi sắn không thái kịp để phơi nắng coi như là hỏng, giá bán không được như ý...
Sau lần suýt mất ngón tay với chiếc máy thái sắn thủ công, anh Dũng đã mang về cải tiến từ bằng gỗ sang bằng sắt và chạy bằng điện... Cứ vậy, từ năm 2004, anh chàng thợ cơ khí chuyên nghề gò hàn một mình lủi thủi ở xưởng nghiên cứu, thiết kế chiếc máy thái sắn, nhiều lúc đang đêm, chợt nghĩ ra một ý tưởng mới, anh lại bật dậy lao về phía góc xưởng với đống dụng cụ mà chỉ có anh mới biết dùng để làm gì... Cứ như vậy, 1 năm, 2 năm và rồi 3 năm, những mô hình ban đầu anh thiết kế ra vẫn không phù hợp với thực tế. Đến năm thứ 4, tưởng rằng đã thành công khi mô hình đầu tiên chạy thử với lát sắn thái đều. Tuy nhiên, dùng được một thời gian, máy bị gẫy trục chuyển hướng của hộp số và cũng phải 2 năm sau anh mới tìm được nguyên nhân.
Cũng trong khoảng thời gian “đóng vai nhà khoa học”, anh đã bị mọi người gán cái tên “Dũng gàn”. Có những người bạn thân cùng nghề đã đến tận nhà khuyên anh nên dành thời gian đó phát huy cái nghề gò hàn hiện tại. Ngay cả vợ anh cũng thấy nản mỗi khi thấy chồng vò đầu, trân mắt nhìn vào “đống sắt vụn”. Nhiều đêm nằm bên cạnh thủ thỉ khuyên chồng từ bỏ ý tưởng “làm nhà khoa học” nhưng anh vẫn “cứng đầu” quyết tâm theo đuổi đến cùng...
...Có ngày nên kim”
Sau sự cố chiếc máy mô hình đầu tiên chạy một thời gian bị gẫy trục chuyển hướng hộp số và phải 2 năm sau đó, anh Dũng mới tìm ra nguyên nhân sự cố trên thì cũng là lúc việc nghiên cứu 6 năm của anh được đền đáp - chiếc máy thái sắn chính thức được người nông dân tiếp nhận.
Với anh Đinh Tiến Dũng, cái ngày 10-9-2010 sẽ mãi không bao giờ quên. Vì đó chính là thời khắc 40 chiếc máy thái sắn đầu tiên của anh xuất xưởng và được đưa vào sử dụng trên những cánh đồng sắn của bà con nông dân. Ngay khi 40 chiếc máy thái sắn được hoàn tất, chỉ sau đó 3 ngày, thậm chí sơn còn chưa kịp khô, bà con đã đến tận xưởng đặt mua. Nhiều người, từ các huyện trong tỉnh, thậm chí cả tỉnh Điện Biên, Lai Châu sau khi ra đồng chứng kiến những chiếc máy thái sắn của anh Dũng vận hành còn đặt trước 100% tiền mua máy mà không cần mặc cả, hay có người đến chậm không mua được máy còn buồn ra mặt... Anh Quàng Văn Thành, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) nói: Năm ngoái, do xuống chậm không mua được máy nên phải thuê lại máy của một người trong huyện cũng mua của anh Dũng để thái sắn. Với chiếc máy này, 1 tiếng mất 1 lít dầu thái được 5 tấn sắn. Máy có thể chạy bằng điện hoặc máy nổ nên công sức bỏ ra chỉ bằng 1/10 so với trước. Do vậy, với chiếc máy này, một ngày có thể thái được 60 đến 70 tấn sắn, tương đương với 3 ha sắn.
Hôm chúng tôi tới, thấy trong xưởng có 10 chiếc máy thái sắn, cái đã hoàn tất, cái đang phun sơn, cái đang lắp đường băng chuyền, anh Dũng khoe: Năm nay đơn đặt hàng là gần 100 chiếc, nhưng với khả năng hiện tại thì anh chỉ dám nhận 50 chiếc, trong đó đã xuất xưởng tới các huyện Sông Mã, Thuận Châu, Phù Yên và tỉnh Điện Biên... 40 chiếc từ tháng 10.
Theo như lời anh Dũng thì cái khó nhất khi chế tạo là phần chế tạo hộp số, con lăn, quả lô... Với chiếc máy thái sắn này, trừ nguyên liệu sắt, vòng bi và lốp xe phải mua, còn lại từ kiểu dáng, cấu tạo máy cùng các bộ phận khác đều do anh tự mày mò làm ra. Anh Lưu Đức Lợi, Công ty TNHH Kiên Sơn (Mai Sơn), đơn vị chuyên thu mua hàng nông sản, trong đó sắn là mặt hàng lớn của công ty khẳng định: Kể từ khi có chiếc máy thái sắn của anh Dũng, sản phẩm sắn tươi của Công ty luôn được chế biến kịp thời. Sử dụng loại máy thái sắn này, ngoài việc tiết kiệm được thời gian, tiền thuê nhân công, còn tránh được tai nạn lao động như dùng loại máy thủ công trước đây...
Trước khi chia tay, anh Dũng còn thông tin: Chiếc máy này chưa phải là cuối cùng. Anh sẽ tiếp tục nghiên cứu để hiệu quả thái sắn của máy không chỉ là 5 tấn sắn/giờ... Và anh cũng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ.