Ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2017, huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng huyện NTM kiểu mẫu.
Huyện Kim Bảng đón bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhưng trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Kim Bảng luôn nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Từ những năm đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Kim Bảng được giao lựa chọn một xã làm điểm xây dựng NTM của tỉnh Hà Nam. Huyện chọn xã Thi Sơn làm điểm xây dựng NTM của tỉnh và xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2013. Rút kinh nghiệm từ công tác chỉ đạo và thực hiện tại xã điểm Thi Sơn, từ năm 2014 đến 2017, mỗi năm huyện Kim Bảng hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 2 đến 6 xã hoàn thành xây dựng NTM. Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, có những xã mới đạt 5 trong số 19 tiêu chí, song từ sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện, đến cuối năm 2017 cùng với việc phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM ở bốn xã còn lại, Kim Bảng cũng đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM.
Để hoàn thành mục tiêu đó, Kim Bảng đã huy động đầu tư tới gần 2.000 tỷ đồng cho xây dựng các tiêu chí từ xã đến huyện, không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Việc sử dụng nguồn vốn trong xây dựng NTM được huyện triển khai bảo đảm công khai, dân chủ và minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Huyện đã đầu tư làm mới được 131,58 km đường thôn, xóm bằng bê-tông với kinh phí 100,8 tỷ đồng; cứng hóa 142,793 km đường trục chính nội đồng, kinh phí 67,8 tỷ đồng, toàn bộ các tuyến đường có chiều rộng nền đường đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Hệ thống các trường học được quan tâm đầu tư khang trang với toàn bộ 58 trường học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được xây dựng mới và nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn hạng ba. 17 trong số 18 xã, thị trấn được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Nếp sống văn minh, ý thức vệ sinh môi trường trong thu gom rác thải, môi trường nông thôn được chú trọng. Phong trào trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan môi trường ngày càng được nhân rộng. Nhờ đó, Kim Bảng hôm nay đã có một diện mạo hoàn toàn đổi mới, khang trang, sạch đẹp.
Cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân đã chú trọng trang bị kiến thức và được hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, đẩy mạnh sản xuất trên cánh đồng mẫu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tích tụ ruộng đất sản xuất nông sản sạch nhằm nâng cao thu nhập. Năm 2017, toàn huyện đã tích tụ được255,7 ha đất nông nghiệp để sản xuất nông sản sạch; xây dựng và thực hiện được 18 mô hình cánh đồng mẫu ở 14 xã, diện tích 569ha để sản xuất hàng hóa, có liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững theo chuỗi giá trị cao gấp hai đến ba lần so với sản xuất thông thường.
Do nông dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch, giảm tối đa các chi phí sản xuất đầu vào, nâng cao độ đồng đều, hiệu quả kinh tế của các cánh đồng lớn tăng thêm từ 10 đến 12 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Cây dưa cho thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/sào, trừ chi phí thu lãi từ 8 đến 10 triệu đồng/sào.
Để đồng hành cùng người dân trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hướng đến nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã chỉ đạo các xã chuyển đổi hợp tác xã (HTX) theo Luật HTX năm 2012 và có ba HTX kiểu mới ít xã viên hoạt động đạt hiệu quả tốt. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện từng bước phát triển. Các làng nghề truyền thống, làng có nghề được duy trì và phát triển. Nhiều sản phẩm của làng nghề đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và nước ngoài như túi thổ cẩm, gốm sứ, khảm trai sơn mài, mộc dân dụng..., mang lại giá trị ước đạt 889,74 tỷ đồng. Nhờ vậy, đời sống và thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, năm 2017 đạt 54,8 triệu đồng/người/năm.
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt. Huyện đã huy động được nhiều nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu ở địa phương, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đến hết năm 2017, Kim Bảng có 100% số xã đạt chuẩn NTM; huyện hoàn thành các tiêu chí NTM cấp huyện theo quy định của Trung ương. Ngày 24/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1069/QĐ-TTg công nhận huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đạt chuẩn NTM năm 2017.
Ngay sau khi hoàn thành huyện NTM, Kim Bảng đã triển khai ngay việc xây dựng xã, huyện NTM kiểu mẫu, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch, tạo đà đến năm 2020, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 80 triệu đồng/người/năm. Kim Bảng phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 5 xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện đạt tiêu chí đô thị loại 4 và trở thành thị xã Kim Bảng.
Thực hiện mục tiêu này, Kim Bảng đã và đang tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí; nhất là củng cố và nâng cao cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn, xây dựng và phát triển nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả, phát triển nhanh kinh tế nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Hữu Dũng