Đầu tàu gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới

 76 lượt xem
 

 “Hạnh phúc lớn nhất của người cán bộ, đảng viên không gì hơn là giúp đời sống nhân dân ngày một nâng cao” - Với suy nghĩ ấy, chị Lê Thị Lụa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) luôn gương mẫu đi đầu, không quản ngại mưa nắng, sẵn sàng xắn quần lội ruộng, cuốc đất, cùng dân giải phóng mặt bằng, đổ đường bê tông… vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Bằng bản lĩnh quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, chị đã dẫn dắt Việt Thành đi từ thành công này tới thành công khác.

Chị Lê Thị Lụa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái phát biểu trao đổi về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới

Chị Lê Thị Lụa gắn bó với công tác xã hội, đoàn thể tại thôn, xã từ sau khi tốt nghiệp THPT. Trải qua nhiều cương vị khác nhau như: Tổ trưởng phụ nữ, chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình, Phó Chủ tịch HĐND - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã, từ năm 2015 đến nay, chị được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành.

Những năm trước đây, khi chưa có chương trình xây dựng nông thôn mới, Việt Thành là một xã còn nhiều khó khăn. Toàn xã mới cứng hóa được trên 2km đường giao thông, còn lại là đường đất lầy lội vào mùa mưa. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị cây trồng, vật nuôi còn thấp. Cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thu nhập bình quân đầu người thấp. Đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Việt Thành xác định đây là một chương trình tổng thể mang tính dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng ở nông thôn. Bởi vậy, xã đã chủ động đổi mới cách làm, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới đến mọi người dân với tinh thần: Chương trình nông thôn mới chỉ thực sự thành công, có ý nghĩa khi nó đi vào từng thôn xóm, từng hộ gia đình và phải bắt nguồn từ sự thay đổi trong tư duy của mỗi cán bộ và mỗi người dân, để mỗi người không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà tự giác tham gia chương trình.

“Khi triển khai, thực hiện chương trình trước hết, cán bộ phải học, hiểu rõ, nắm chắc nội dung yêu cầu, quy định của từng tiêu chí, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, sau đó mới triển khai trong nhân dân để nhân dân được biết, được bàn và quyết định các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân.Từ việc được nghiên cứu, học tập, được tuyên truyền, vận động. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được thay đổi vượt bậc cả về nhận thức, tư duy và hành động.” – Chị Lê Thị Lụa chia sẻ.

Bằng sự năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Thị Lụa đã lãnh đạo Việt Thành xây dựng thành công nông thôn mới. Chỉ sau 5 năm, xã đã chuyển mình đổi thay nhanh chóng. Đến nay, các tuyến đường cơ bản đã được bê tông hóa, cứng hóa, nhiều nhà cao tầng mọc lên, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng vào năm 2018. Xã liên tục nhiều năm liền được các cấp tặng giấy khen, bằng khen và cờ thi đua.

Để giúp nâng cao đời sống cho nhân dân, chị đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền quy hoạch xã thành 3 vùng phát triển kinh tế tập trung. Vùng Đồng Phúc nhiều đồi rừng được quy hoạch trồng rừng kinh tế, cây quế là cây chủ lực với diện tích trên 500 ha. Vùng Phú Thọ là khu trung tâm, được quy hoạch phát triển mạnh về thương mại dịch vụ kết hợp phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung. Vùng Lan Đình là vùng có đất đai màu mỡ được quy hoạch trồng dâu, nuôi tằm với diện tích 130 ha.

Chị cho biết: “Việt Thành xác định được 3 vùng phát triển kinh tế tập trung rồi, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều đêm không ngủ được, tôi đã trăn trở, để tìm ra các giải pháp tháo gỡ và xác định làm đường giao thông nông thôn là phải đi trước một bước, gắn với việc cán bộ phải vào cuộc, gương mẫu cùng làm với dân. Thậm chí, có hôm trời mưa, cán bộ vẫn đi gặt lúa giúp dân để kịp bàn giao mặt bằng, đi đào đất, trồng dâu, trồng hoa, vận chuyển vật liệu cùng dân, việc gì cũng làm…”

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, mới đầu xã còn thiếu 4 nhà văn hóa thôn, thời gian dự kiến đề nghị công nhận chỉ còn 4 tháng, nhà nước không có sự hỗ trợ, có thôn chưa có đất. Chị đã tham mưu cho Ban chấp hành (BCH) Đảng ủy xã phân công trực tiếp những đồng chí có năng lực vượt trội xuống phụ trách từng thôn để chỉ đạo thực hiện thành công 4 nhà văn hóa với thời gian xong sớm nhất. Đặc biệt có thôn rất khó khăn, đất chưa có, đồng chí trưởng thôn vợ thì ốm nặng, đã xin nghỉ thời gian dài để chăm sóc vợ. Chị đề xuất với BCH để chị vừa phụ trách vừa trực tiếp thay trưởng thôn từ việc vận động hiến đất và triển khai huy động đóng góp xây dựng. Được sự đồng thuận của nhân dân, chỉ trong 61 ngày,chị đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nhà văn hóa thôn với tổng trị giá 135 triệu đồng.

Trước sự gương mẫu, nhiệt tình của chị, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có thay đổi vượt bậc cả về nhận thức, tư duy và hành động. Nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đóng góp tiền của, công sức, tự nguyện hiến trên 57.000m2 đất để làm các công trình.

Sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, chị Lụa cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Việt Thành tiếp tục tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhằm phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2019. Cụ thể, đã chủ động rà soát lại việc thực hiện tiêu chí quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch về sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật. Trước mắt, tập trung vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa thực hiện khép kín 100% diện tích đất màu, đất soi bãi và diện tích đất lúa kém hiệu quả theo quy hoạch sang trồng dâu nuôi tằm, giá trị đạt trên 40 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người vào năm 2020. Thành lập 2 Hợp tác xã “dâu tằm tơ và hợp tác xã nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản” theo chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và 19 tổ hợp tác thực hiện có hiệu quả.

Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, ngay từ ngày đầu năm 2019, xã đã xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ từng nội dung theo các tiêu chí đã được rà soát, có trọng tâm, trọng điểm về xây dựng “nhà kiểu mẫu, thôn kiểu mẫu, xã kiểu mẫu”. Đến cuối năm 2020, xã đã có 1 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu; có 7/8 thôn có hệ thống đường điện chiếu sáng và trồng hoa 2 ven đường, đảm bảo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Những cống hiến của chị Lê Thị Lụa đã đưa Việt Thành từ một xã nghèo, khó khăn trở thành điểm sáng xây dựng NTM của huyện Trấn Yên. Năm 2019, chị Lụa được Ban Tuyên giáo Trung ương mời dự giao lưu và tôn vinh điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; dự triển lãm, tôn vinh “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Hà Nội; được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 60 năm Bác hồ về thăm Yên Bái và được tỉnh tặng 12 Bằng khen.

                                                                                                                                                                                                    Diệp Hương

 
Ý kiến của bạn