Về Chi Lăng hôm nay nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi nhanh chóng của địa phương. Đó là những con đường mới kiên cố, rộng rãi; là hội trường trung tâm văn hóa xã được đầu tư xây dựng khang trang để người dân có nơi hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ; là những cổng làng sừng sững, uy nghiêm; là chợ trung tâm được đầu tư xây mới; là những khu vườn sai trĩu quả hứa hẹn một vụ mùa bội thu... Chính sự chung tay, góp sức của người dân đã góp phần không nhỏ vào việc từng bước hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn xã.
Chi Lăng là một xã miền núi nằm ở phía Tây Nam của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Nhân dân trong xã chủ yếu là người dân tộc thiểu số và sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các loại cây ăn quả cho thu nhập cao như na, vải thiều, cam, bưởi…. trong đó, cây na là một trong những cây chủ lực xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Ông Lành Văn Lôi (bên phải ảnh) cùng cán bộ Ban điều phối NTM của tỉnh Lạng Sơn trao đổi về mô hình chuyển đổi trên vườn bưởi, cam của gia đình tại xã Chi Lăng
Với đặc thù của một xã miền núi, hạ tầng chưa phát triển, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân các dân tộc xã Chi Lăng nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Ban chấp hành Đảng bộ xã, UBND xã Chi Lăng đã tích cực vận động nhân dân chung sức đồng lòng, góp công, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hoàn thành các tiêu chí NTM. Năm 2014, xã Chi Lăng đã được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM và tiếp tục bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao.
Từ sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, toàn xã đã làm được hơn 30 km đường giao thông nông thôn và 5 cây cầu bê tông bắc qua sông Thương trên địa bàn xã, mỗi cây cầu trị giá từ 200 đến 600 triệu đồng, đảm bảo giao thông thuận lợi cho nhân dân, giúp trẻ em đến trường an toàn. Hệ thống thủy lợi của xã gồm hơn 10 km mương bê tông đã đáp ứng tốt việc tưới tiêu cho cây trồng; 100% các hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; cả 3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia. Một trạm y tế mới khang trang, có đầy đủ máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân đã đi vào hoạt động và xã Chi Lăng được công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Người dân Chi Lăng phấn khởi, vui mừng khi được chăm sóc sức khỏe kịp thời và chất lượng tốt hơn trước.
Ngoài việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo đó, trên địa bàn xã hiện có 100 ha trồng vải thiều cho thu nhập từ 6 đến 10 tỷ đồng mỗi năm; có 10 ha trồng cam, mỗi ha cho lãi khoảng 350 triệu đồng; có 85 ha trồng bưởi, mang lại thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Với cây chủ lực là cây na, toàn xã có 415 ha trồng na, trong đó na trồng trên núi đá là 375 ha, đất ruộng 30 ha, đất đồi rừng 10 ha; có 120 ha na đã được sản xuất theo quy trình VietGaP, GlobalGAP. Nhiều hộ dân đã tìm tòi, nghiên cứu trồng thêm giống na mới cho quả to, mẫu mã đẹp và giá bán cao hơn.
Đời sống kinh tế của người dân được nâng lên rõ rệt, các hoạt động văn hóa - xã hội cũng phát triển theo, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 85%. Năm 2019, xã Chi Lăng đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và đang tiếp tục thực hiện các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những thành quả rất đáng biểu dương của cán bộ và nhân dân xã Chi Lăng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Ông Lăng Văn Thạch - Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết, thời gian tới, xã sẽ chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập cho nhân dân gắn với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nhân rộng thêm các mô hình kiểu mẫu; chú trọng thực hiện công tác giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội... Đồng thời, tiếp tục giữ và củng cố các tiêu chí NTM nâng cao đã đạt được trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Diệp Hương