Sóc Trăng: Những thành tựu đáng tự hào trong xây dựng nông thôn mới

 95 lượt xem
 

Từ một trong những tỉnh nghèo so với khu vực, Sóc Trăng bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với sự quyết tâm cao độ và đã đạt được những thành tựu to lớn. Sau hơn 10 năm, diện mạo nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã có những đổi thay rõ nét, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

         Đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp

Trong xây dựng NTM, tỉnh Sóc Trăng đã linh hoạt,sáng tạo để khơi dậy và phát huy tốt nguồn lực trong dân; mạnh dạn thực hiện cơ chế “Nhà nước hỗ trợ 50% ngân sách nếu các địa phương vận động nhân dân, doanh nghiệp nghiệp đóng góp 50% phần còn lại”. Từ đó, xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp, được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp công lao động, hiến đất làm cầu đường, đóng góp tiền,vật liệu xây dựng...

Tính đến hết năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016- 2020. Toàn tỉnh có 50/80 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 62,5%; trong đó có 1 xã NTM nâng cao, các xã còn lại đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Riêng thị xã Ngã Năm và huyện Mỹ Xuyên là hai đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đáng chú ý, Sóc Trăng đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao. Hiện Sóc Trăng có trên 330 ha trồng lúa theo hướng VietGAP, 963 ha trồng lúa theo hướng hữu cơ. Trên địa bàn tỉnh có 107 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm từ đầu vụ/tổng diện tích gần 37.000 ha.Về sản xuất rau màu, có 129 nhà lưới, nhà màng, áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm với diện tích 8,4 ha. Cây ăn trái phát triển theo hướng nâng cao chất lượng với 14 vùng trồng được cấp 44 mã code, diện tích 420 ha/420 hộ. Tỉnh xây dựng được 4 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây vú sữa, xoài, bưởi, nhãn. Sản xuất VietGAP được duy trì với diện tích gần 435 ha. Đặc biệt đã liên kết tiêu thụ được trên 711 tấn cây ăn trái.

Trong chương trình OCOP, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận được 99 sản phẩm, trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao, 75 sản phẩm đạt 3 sao của 53 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thống nhất trình Trung ương công nhận 8 sản phẩm đạt 5 sao.

Với sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, đời sống vật chất của nhân dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm, tăng hai lần so với năm 2010; toàn tỉnh chỉ còn gần 3% số hộ nghèo, giảm gần 19% so với năm 2011; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; hơn 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đủ nước tưới và sử dụng nước chủ động; hơn 99% số hộ dân có điện sử dụng,…

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được các địa phương chú trọng đầu tư xây dựng mới và nâng cấp. Hạ tầng giao thông nông thôn đã phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng; hệ thống thủy lợi phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; nhà văn hóa, trường học, trạm y tế... đã được đầu tư xây dựng mới khang trang, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.

Chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng lên, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Công tác bảo vệ môi trường đã có chuyển biến đáng kể, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; vị thế của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng hoàn toàn có thể tự hào với những thành tựu đã đạt được. Bởi từ trong gian khó, với xuất phát điểm thấp, toàn tỉnh đã tạo lập được những giá trị to lớn.

Xác định rõ xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, không có điểm dừng, trong thời gian tới tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình theo hướng phát triển thêm nhiều nội dung ở mức cao và bền vững hơn như NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đẩy mạnh nhiều chương trình lồng ghép vào Chương trình xây dựng NTM như Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng NTM, Chương trình hỗ trợ ấp đặc biệt khó khăn vùng ven biển, hải đảo, Chương trình nước sạch cho các xã đảo...Đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Ông Tô Ngọc Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Sóc Trăng cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Sóc Trăng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo chiều sâu, trong đó tập trung thực hiện các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; phong trào “5 không, 3 sạch” và các phong trào khác của các tổ chức hội, đoàn thể. Đặc biệt là tuyên truyền để người dân tiếp tục phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Sóc Trăng tiếp tục kiên định mục tiêu xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.

                                                                                                                                                                                                         Tố Quyên

 
Ý kiến của bạn