Gia Lâm: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

 52 lượt xem
 

Với vị trí quan trọng ở cửa ngõ phía đông Thủ đô, thời gian qua, huyện Gia Lâm đã tận dụng tốt lợi thế để phát triển kinh tế, hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM). Ngay sau đó, huyện đã bắt tay ngay vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao gắn với phát triển đô thị.

Sau 10 năm nỗ lực bền bỉ, 100% số xã của huyện Gia Lâm đã được thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và ngày 13/9/2019 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018. Diện mạo của một huyện nông thôn mới được minh chứng rõ nét qua kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ với những con đường giao thông nông thôn bê tông hóa rộng rãi, thông thoáng; những ngôi trường khang trang, sạch đẹp, hiện đại; công sở và trạm y tế các xã được xây mới, cải tạo đáp ứng nhu cầu công việc ở địa phương… Dọc theo những cánh bãi sông Hồng, sông Đuống, trước đây vốn chỉ được trồng toàn ngô, khoai, đậu với giá trị kinh tế không cao, nay được khoác tấm áo mới với những vùng cây ăn quả ngút ngàn, những vùng chuyên canh rau trù phú.

   Tham quan mô hình sản xuất rau  theo hướng hữu cơ tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm

Nhiều nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao như:100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, dải nhựa apphal; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng; 100% tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó có 92,96% hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn QCVN02); 100% các thôn, tổ dân phố các xã đều có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng; 100% các xã có nhà ở dân cư đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng; không còn nhà tạm, dột nát...

Trong 9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới huyện Gia Lâm đã hoàn thành, tiêu chí số 6 về sản xuất là một điểm nổi bật với rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Theo đó, trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2016 huyện đã triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2016- 2020 và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 tại 20 xã, thị trấn. Từ năm 2016 đến tháng 12/2018, huyện đã thực hiện hỗ trợ 105.421 triệu đồng đầu tư hạ tầng nông nghiệp (đường điện, kênh mương, giao thông nội đồng 6 xã) và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Kết quả đã chuyển đổi theo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đạt 1.295,38 ha; góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp/1 ha canh tác, đạt 306 triệu đồng/ha năm 2018 (tăng 198 triệu đồng/ha so với năm 2010). Giá trị sản xuất tại các vùng rau, quả chuyên canh tại xã Văn Đức, Đặng Xá, Đa Tốn... đạt 500-700 triệu đồng/ha. Một số mô hình thu nhập hàng tỷ đồng/ha, như mô hình: cam Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ; hoa ly, xã Lệ Chi; hoa - cây cảnh, xã Phù Đổng...

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo quy hoạch vùng sản xuất đã thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm: rau, quả, sữa bò tươi. Trong đó, diện tích rau an toàn 407 ha tập trung tại 6 xã (Văn Đức, Đặng Xá, Cổ Bi, Yên Thường, Yên Viên, Lệ Chi) với tổng sản lượng khoảng 90.169 tấn/năm, liên kết và ký kết tiêu thụ đạt 18.040 tấn/năm, chiếm 20% sản lượng. Diện tích quả an toàn 1.312,63 ha với tổng sản lượng cam đạt 2.243 tấn/năm; sản lượng chuối đạt 6.043 tấn/năm; sản lượng ổi đạt 5690 tấn/năm; sản lượng bưởi đạt 845 tấn/năm…; trong đó liên kết và ký kết tiêu thụ đạt khoảng 20-22%. Quy mô đàn bò sữa tập trung tại các xã Phù Đổng, Dương Hà, Trung Mầu… với sản lượng sữa bò tươi bình quân đạt 10.000 tấn/năm, trong đó liên kết và ký kết tiêu thụ đạt 8.000 tấn/năm, chiếm 80% sản lượng.

Trên địa bàn huyện đã hình thành 22 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo quy hoạch vùng sản xuất rau, cây ăn quả an toàn các loại, sữa bò tươi... Trong đó, 100% các xã đều có mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các HTX trên địa bàn với các doanh nghiệp, HTX khác trên địa bàn huyện và thành phố. Điển hình là mô hình liên kết chuỗi khép kín trong sản xuất nông nghiệp tại xã Phù Đổng; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi tại vùng rau xã Văn Đức; mô hình sản xuất rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao xã Đa Tốn...

Trở thành huyện nông thôn mới là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân huyện Gia Lâm. Trong niềm phấn khởi, tự hào đó, huyện cũng xác định rõ mục tiêu trọng tâm thời gian tới là: Duy trì tiêu chí huyện nông thôn mới theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng khung, xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; đồng thời thực hiện các giải pháp để đạt các chỉ số về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đáp ứng tiêu chuẩn đơn vị hành chính quận theo lộ trình Đề án đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2022.

                                                                                                                                                                                                  Tố Quyên

 
Ý kiến của bạn