CẦN TĂNG CƯỜNG LỒNG GHÉP VỀ GIỚI TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

 85 lượt xem
 

Ngày 16/12, tại Tp.Đà Nẵng, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Hội thảo khu vực miền Trung về “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và lấy ý kiến dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

         Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội thảo

Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: Nguyễn Thị Kim Thúy, Đặng Thuần Phong và Nguyễn Hoàng Mai đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự có: đại diện Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh Miền Trung; Trưởng Ban Phát triển xã hội bền vững Vùng Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới Susan Shen tại điểm cầu Mỹ; và một số điểm cầu tại các địa phương như Bình Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai.

Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, bình đẳng giới vừa là mục tiêu quốc gia, yếu tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là thước đo quan trọng để đánh giá sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Đây là 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và nếu không đạt được Việt Nam sẽ không thực hiện được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 như đã cam kết.

Hơn 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đạt được những tiến bộ liên quan đến bình đẳng giới. Báo cáo về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 cho thấy: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 được đánh giá là đã đơn giản hóa với các mục tiêu khả thi, có các hướng dẫn về thu tập dữ liệu và báo cáo. Chất lượng lồng ghép bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật ngày càng nâng cao, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực… thể hiện qua việc không chỉ bổ sung quy định mang tính nguyên tắc chung mà nhiều luật đã quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống trong thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là dưới sự tác động của Covid-19 nhiều quy định về bình đẳng giới đã không còn phù hợp và không ít vấn đề mới về bình đẳng giới phát sinh. Do đó, để giải quyết các khoảng trống về giới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiếp cận bình đẳng giới toàn diện; xóa bỏ bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới…

                                                  Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản thống nhất, nước ta đã và đang duy trì uy tín  là một quốc gia có tỉ lệ phụ nữ được hưởng bình đẳng chính thức theo luật pháp, phụ nữ tham gia lực lượng lao động và có khả năng tiếp cận cơ hội kinh tế tương đối cao, đồng thời sức khỏe ngày càng cải thiện và trình độ học vấn ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách về giới đang tồn tại, như là tỷ số giới tính khi sinh gia tăng; khuôn mẫu,định kiến ​​về chọn các ngành học phù hợp với giới và phân luồng vào một số ngành nghề hẹp; việc làm dễ bị tổn thương, không được bảo vệ và bị trả lương thấp; định kiến với phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo; phụ nữ phải chịu trách nhiệm thực hiện các công việc chăm sóc không được trả công; tỷ lệ bạo lực do chồng, bạn tình gây ra cao, cùng với sự thiếu hụt của các dịch vụ hỗ trợ…

Để tăng cường thực hiện các cam kết hiện có về bình đẳng giới, các đại biểu đề nghị, huy động và mở rộng đầy đủ nguồn tài chính công để thực hiện tất cả các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; tăng cường lồng ghép giới trong việc xây dựng pháp luật… Để giải quyết các rào cản căn bản đối với bình đẳng giới, cần xây dựng và thực hiện một chiến lược truyền thông quốc gia để giải quyết các chuẩn mực xã hội mang tính định kiến về giới, thu hút nam giới tham gia tích cực; tăng cường  công tác tạo nguồn để bảo đảm  tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo tăng lên, bao gồm trong chính trị, hành chính công, các doanh nghiệp khu vực tư nhân, hòa bình và an ninh, và các hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt là ở các vị trí điều hành và lãnh đạo cao cấp./.

                                                                                                                                                                                         Nguyễn Hùng

https://quochoi.vn/uybanvecacvandexahoi/lapphap/Pages/home.aspx?ItemID=1624

 
Ý kiến của bạn