TP Tuyên Quang: Chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

 101 lượt xem
 

Hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, với quyết tâm cao, nỗ lực vượt bậc, chủ động phát huy nội lực, thành phố Tuyên Quang đã có bước phát triển khá toàn tiện và đạt được nhữngkết quả tích cực. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ.

Thành phố Tuyên Quang có 15 đơn vị hành chính, gồm 10 phường và 5 xã. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố đã chọn xã An Khang thực hiện chỉ đạo điểm (trong quá trình thực hiện đã bổ sung thêm xã Tràng Đà); đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp, phân công thành viên phụ trách từng tiêu chí, ban hành kế hoạch, lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới từng năm và kế hoạch nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo từng giai đoạn.

               Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ

Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, thành phố đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đạt trên 570 tỷ đồng. Cùng với các chương trình dự án của nhà nước, TP Tuyên Quang còn huy động sức dân đóng góp, hiến trên 3 nghìn mét vuông đất để xây dựng hạ tầng nông thôn.

Bằng sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, sau hơn 10 năm, thành phố Tuyên Quang đã đạt được những kết quả nổi bật. 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa; 91,6% hệ thống kênh mương được kiên cố; 100% các thôn, xóm có nhà văn hóa, khu thể thao; 92,5% hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn. Hiện 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

                                Người dân tích cực tham gia xây dựng NTM

Thành phố cũng đã tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên 96% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch, tạo thành các vùng sản xuất tập trung, cho hiệu quả kinh tế cao, với lợi nhuận từ 200 - 400 triệu/ha/năm. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng. Trên địa bàn đã hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, như: mật ong Tuyên Quang, chè Ngọc thúy, bưởi Thái Long…

Đặc biệt, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay thành phố có 8 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 và 4 sao cấp tỉnh. Từ đó, đã giúp cho đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tại 5 xã nông thôn mới đạt trên 40 triệu đồng/người, gấp 4 - 5 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo từ 2,63% giảm xuống còn 0,66% năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh. 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, 14/17 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đạt trên 96%, tăng 43,9% so với năm 2010.

Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. Quốc phòng an ninh ở nông thôn tiếp tục được củng cố, giữ vững và ổn định.

Với những thành quả ấy, ngày 5/10/2021, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Xác định xây dựng nông thôn mới tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài, là quá trình có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, TP Tuyên Quang đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 5/5 xã hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã Kim Phú, Tràng Đà hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa, quy hoạch sắp xếp lại dân cư nông thôn, hình thành và phát triển đô thị, tạo tiền đề phát triển kinh tế- xã hội theo hướng nhanh và bền vững.

                                                                                                                                                                                                       Hữu Dũng

 
Ý kiến của bạn