Huyện Hải Hậu (Nam Định): Đi tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

 138 lượt xem
 

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015, huyện anh hùng Hải Hậu được Trung ương lựa chọn là một trong 3 huyện tiến lên xây dựng NTM kiểu mẫu. Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm của mỗi người dân Hải Hậu. Ý thức được điều đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đang từng ngày miệt mài xây dựng quê hương Hải Hậu sớm trở thành huyện NTM kiểu mẫu.

Xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên

Hải Hậu là huyện đồng bằng ven biển thuộc châu thổ sông Hồng, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Nam Định. Trải qua hơn 130 năm thành lập, Hải Hậu đã ghi nhiều dấu ấn trong toàn cảnh phát triển tỉnh Nam Định và dấu ấn rõ nét nhất trong những năm gần đây là xây dựng thành công nông thôn mới.

                                      Khu vực trung tâm huyện Hải Hậu

Mặc dù là huyện sớm đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2010 - 2015, song với tinh thần chủ động, cùng phương châm xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm dừng nên ngay sau khi đạt chuẩn NTM, huyện Hải Hậu và các xã, thị trấn đã bắt tay ngay vào việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo Chương trình xây dựng NTM bền vững và phát triển.

Vinh dự khi được Trung ương lựa chọn làm huyện điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, ngay sau khi xây dựng và phê duyệt Đề án NTM kiểu mẫu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Hậu đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung theo Đề án. Đến nay, Hải Hậu đã cơ bản hình thành được một số mô hình NTM kiểu mẫu cấp xóm và cấp xã, từ đó tiếp tục rút kinh nghiệm để nhanh chóng nhân ra diện rộng.

Diện mạo mới tươi sáng

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Hải Hậu đã thay đổi rõ rệt và toàn diện, nhất là kết cấu hạ tầng, cảnh quan, môi trường. Hệ thống giao thông nay đã đồng bộ, kết nối thông suốt giữa các lộ, các tuyến và các cấp đường từ xã, thị trấn từ đường dong xóm, trục xóm, liên xóm, trục xã, liên xã đến các tuyến đường huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ. Hệ thống thủy lợi được cải tạo, nâng cấp hàng năm, đến nay huyện có 174,1 km kênh được kiên cố hóa.

Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên đạt 100%. Huyện đã đầu tư xây dựng mới 11.672 cột đèn chiếu sáng riêng biệt tại các khu dân cư, trong đó có 8.527 cột đúc kim loại, đèn led, dây điện ngầm. Cơ bản tất cả các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường xã và đường thôn/xóm đã có điện chiếu sáng về đêm. Hệ thống trường học, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, chợ nông thôn, trạm y tế được đầu tư nâng cấp.

Ngoài ra, huyện đã đầu tư xây dựng 35 khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ lò đốt rác bằng khí tự nhiên, đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh thường xuyên trên địa bàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xây dựng được 81.990 giếng UNICEF, 2 nhà máy nước sạch...

                          Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại

Kinh tế nông thôn phát triển khá với nhiều mô hình và hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ, hiệu quả. Trong trồng trọt đã hình thành được hàng chục vùng sản xuất hàng hóa tập trung “cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp” cho hiệu quả kinh tế cao, chuyển đổi cơ bản bộ giống theo hướng chất lượng, giá trị; thực hiện cơ giới hóa toàn bộ khâu làm đất và cơ bản khâu thu hoạch lúa. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ để thay thế cho chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ. Khai thác, nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển mạnh, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi tôm thẻ chân trắng (bình quân giá trị 1,5 tỷ đồng/ha/năm), mô hình nuôi cá diêu hồng (đạt gần 600 triệu đồng/ha/năm),...

Các HTX cũ trước đây đều được giải thể thành lập HTX mới và HTX chuyên ngành hoạt động theo Luật HTX 2012, tính đến nay huyện đã thành lập mới được 51 HTX. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn phát triển khá. Trên địa bàn huyện hiện có 3 cụm công nghiệp, 44 làng nghề với trên 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm và thu nhập cho trên 33.000 lao động nông thôn. Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2018 đạt 7.180,9 tỷ đồng, chiếm gần 40% cơ cấu giá trị sản xuất.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện. Hải Hậu thường xuyên là huyện đứng trong tốp đầu tỉnh về cả ba lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục. Toàn huyện có 109/109 trường học ở cả ba cấp đạt chuẩn Quốc gia và có 94 trường đạt chuẩn “xanh - sạch - đẹp - an toàn”. 35/35 xã đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã từ năm 2015; giai đoạn 2016 - 2019, chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; tỷ lệ bao phủ BHYT toàn huyện đạt 89,25%, tăng 24,25% so với năm 2015.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM” đi vào chiều sâu, được nâng cao về mặt chất lượng. Đến hết năm 2018, Hải Hậu có 546/546 xóm đạt chuẩn văn hóa, trên 50% số xóm duy trì chuẩn nếp sống văn hóa 5 năm liền; có 92,4% gia đình văn hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sống được đảm bảo hơn, thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2018 tăng hơn 4,3 lần so với năm 2010 và ngày càng được hưởng thụ nhiều hơn tiện ích, dịch vụ công và được chăm lo cuộc sống ngày càng tốt hơn. Người dân Hải Hậu ngày càng thêm yêu và gắn bó xây dựng quê hương.

Dưới sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện nông thôn mới Hải Hậu hôm nay đã trở thành một vùng quê đáng sống. Song chưa tự bằng lòng với những thành quả đạt được, mỗi người con Hải Hậu vẫn sẽ không ngừng củng cố, nâng chất toàn diện các tiêu chí NTM để huyện sớm đạt chuẩn NTM nâng cao; nhân rộng, nhanh các mô hình NTM kiểu mẫu, đảm bảo đến năm 2025 Hải Hậu trở thành huyện NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”.

                                                                                                                                                                                                       Tố Quyên

 
Ý kiến của bạn