Tính đến cuối năm 2018, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) có 36/36 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Năm 2019 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn NTM. Thành tích xây dựng NTM của Thọ Xuân là kết quả của một quá trình phấn đấu bền bỉ, kiên trì và đầy quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân địa phương trong những năm qua. Xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trên phạm vi toàn huyện, nơi hội tụ của ý Đảng, lòng dân từ những công việc nhỏ nhất.
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân
Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện về kinh tế - xã hội; chất lượng của cuộc sống được nâng cao; môi trường, cảnh quan có nhiều chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,08 (2015) đến nay đạt 45,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,53% (2011) xuống còn 1,74% (2019), năm 2020 giảm xuống còn 1,47%. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, dân sinh; hệ thống công trình thủy lợi của huyện đã được đầu tư khá hoàn chỉnh và đồng bộ, từ kênh liên xã đến mặt ruộng, đáp ứng tốt nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Huyện đã xây mới 28 trụ sở UBND xã; 22 Trung tâm Văn hóa xã và 10 sân vận động thuộc khu Trung tâm Văn hóa - thể thao. Đến nay hạ tầng cơ sở vật chất văn hóa của các xã trên địa bàn huyện đã đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, huyện đã cải tạo, nâng cấp 8.583 nhà tạm, nhà dột nát đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Xây dựng; 100% số xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chí nhà ở dân cư.
Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là gốc rễ trong quá trình xây dựng NTM, thời gian qua, toàn huyện đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên cùng đơn vị canh tác.
Quá trình áp dụng cơ giới hóa, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và đẩy nhanh phong trào xây dựng NTM trên địa bàn. Tiêu biểu là mô hình trồng bưởi Diễn, cam Vinh tại các xã Xuân Thành, Xuân Trường, Bắc Lương, Thọ Diên cho thu nhập bình quân từ 300 - 500 triệu đồng/ha; trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Xuân Khánh, Xuân Bái, Xuân Châu, … thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha; mô hình trồng cây lá gai cung cấp nguyên liệu cho làng nghề truyền thống làm bánh gai và dệt vải sợi, thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm.
Xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, ngay sau khi được công nhận Huyện đạt chuẩn NTM, trên cơ sở phân tích, đánh giá những mặt được, mặt còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã và đang tích cực xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu, tiến tới đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Theo kế hoạch, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thọ Xuân phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 36/36 xã; số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là 7 xã. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến năm 2025 đạt trên 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu đến năm 2025 giảm còn 0%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt trên 100%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đến năm 2025 đạt 90%. Mục tiêu dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, huyện Thọ Xuân phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến năm 2030 đạt khoảng 100 triệu đồng/người/năm; huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện giàu có và thịnh vượng, giai đoạn mới, với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chắc chắn rằng Thọ Xuân sẽ tiếp tục gặt hái được thành công.
Diệu Anh