Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

 445 lượt xem
 

Ngày 28/12, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021), đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng thưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và cá nhân Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng thưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ảnh Vân Anh/VPCTN

 Bày tỏ xúc động khi đến dự Lễ mít tinh Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và Đại hội điển hình tiên tiến “Vì nạn nhân chất độc da cam” lần thứ 4, Phó Chủ tịch nước khẳng định, đây là sự kiện quan trọng, là dịp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam, đồng thời gửi lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm đặc biệt và sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc  đến toàn thể nạn nhân chất độc da cam trong cả nước .

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, đã hơn 60 năm qua, nhưng cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam vẫn để lại hậu quả nặng nề, dai dẳng đối với môi trường và sức khỏe của nhân dân ta. Hơn 4,8 triệu đồng bào ở nhiều nơi trên đất nước ta bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó hàng trăm nghìn người, hầu hết là bộ đội, cán bộ kháng chiến, thanh niên xung phong đã chết do bị ung thư, các bệnh nan y hoặc đang phải vật lộn với khổ đau, bệnh tật. Đau xót hơn là tác hại của chất độc da cam đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta, hàng vạn trẻ em Việt Nam được sinh ra trong hoà bình những vẫn mang trên mình nhiều di tật bẩm sinh; nhiều thanh niên cả trai và gái không thể tự đứng trên đôi chân của mình; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm mẹ; nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, đau khổ triền miên...

Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục hậu quả chất độc da cam. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ra đời cách đây 18 năm, đến nay đã phát triển ở cả bốn cấp tại 63/63 tỉnh, thành, với hơn 400.000 hội viên, hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các cấp hội đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực cho những đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh là nạn nhân chất độc da cam, không để ai phải rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn.

Thăm gian trưng bày về thảm họa chất độc da cam tại Việt Nam. Ảnh Vân Anh/VPCTN

Phó chủ tịch nước chúc mừng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp cả vật chất và tinh thần, đầy tình thương và trách nhiệm trong việc chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam; đặc biệt biểu dương những tấm gương vượt khó, vươn lên hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân chất độc da cam.

Khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Làm tốt công tác này cũng chính là thể hiện truyền thống "Tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời là một hành động thiết thực để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển, cùng tiến bộ, không có vũ khí hóa học. Phó chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 43- CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam, từ đó tích cực tham gia hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” bằng nhiều việc làm cụ thể, với tinh thần “không để nạn chất độc nhân da cam nào bị bỏ lại ở phía sau”.

                Phó Chủ tịch nước phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh Vân Anh/VPCTN

Bên cạnh đó, có nhiều hoạt động thiết thực hơn để chăm sóc sức khỏe, đời sống, việc làm của nạn nhân và gia đình người bị nhiễm chất độc da cam. Quan tâm giúp đỡ người dân vùng bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thông qua các chương trình an sinh xã hội, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, nâng cao hiệu quả hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tham mưu đề xuất và huy động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam với những hình thức và bước đi phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cùng với hệ thống chính trị, toàn xã hội và bạn bè quốc tế chung tay, góp sức xoa dịu và từng bước làm cho "nỗi đau da cam" thực sự lùi xa khỏi đời sống của nhân dân ta.

 Trong diễn văn tại lễ mít tinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh chia sẻ: Từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, gây hậu quả nặng nề, lâu dài đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả chất độc da cam/dioxin, nỗi đau da cam vẫn hiện hữu và còn kéo dài. Di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4... Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới.

                                                                                                                                                  Vân Anh/VPCTN

https://vpctn.gov.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-pho-chu-tich-nuoc/pho-chu-tich-nuoc-vo-thi-anh-xuan-du-mit-tinh-ky-niem-60-nam-tham-hoa-da-cam-o-viet-nam..html

 
Ý kiến của bạn