Mô hình liên kết giữa Hội Nông dân và các cơ sở sản xuất ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang để đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã khẳng định sự hiệu quả khi tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.
Anh Thịnh Văn Thiện đang học nghề gò hàn.
Là huyện thuần nông, 70% số lao động ở Lạng Giang làm nghề nông. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều công ty may, các xưởng gia công cơ khí, mộc... nên tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề là điều không tránh khỏi.
Học đến đâu, thực hành đến đó
Nhận thấy thực tế đó, Hội nông dân huyện đã nhanh chóng liên kết với các cơ sở mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ông Hà Ngọc Tuân- Chủ tịch Hội ND huyện Lạng Giang cho biết: Chúng tôi dạy theo phương pháp học đến đâu, thực hành đến đấy. Địa điểm mở lớp chủ yếu ở các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Từ đầu năm 2011 đến nay, Hội ND huyện đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề Hội ND tỉnh và Tỉnh đoàn mở 10 lớp dạy nghề theo phương thức này cho hơn 300 học viên.
Lớp học nghề hàn mở tại xưởng hàn, lớp học nghề mộc mở tại xưởng mộc; lớp học may mở tại cơ sở may; lớp học trồng trọt, chăn nuôi mở tại các gia đình đang chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả...
Ông Tuân thông tin thêm, học viên đi học không phải đóng tiền học mà còn nhận được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Những sản phẩm do bà con làm ra trong quá trình học được sử dụng cho chính gia đình mình. Sau khi học nghề xong, học viên được Hội giúp tìm việc làm, tiêu thụ sản phẩm.
Dạy theo nhu cầu
Ông Tuân cho biết, theo điều tra, toàn huyện có khoảng 90% số học viên sau khi học nghề đã có việc làm, với thu nhập từ 2,2-2,5 triệu đồng/tháng. Nghề may, gò hàn, chăn nuôi là những nghề thu hút nhiều lao động nhất.
Anh Trịnh Văn Thiện - học viên lớp nghề cơ khí tại xưởng gò hàn xã Tân Thanh cho biết: "Nghề hàn đòi hỏi học viên phải có sẵn tay nghề từ trước. Đi học, chúng tôi được đào tạo nghề một cách bài bản hơn. Đầu tiên, chúng tôi được học gò hàn những vật dụng đơn giản nhất trong gia đình mình như: Xoong nồi, cuốc, chậu... Sau đó học làm những vật dụng khó hơn như: Cổng, xe đạp, cửa sổ... Ngay sau khi tốt nghiệp, chúng tôi được chủ xưởng gò hàn nơi học việc nhận vào làm".
Cũng là nghề thu hút nhiều lao động, nghề chăn nuôi đã đem lại thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương. Theo ông Tuân, rất nhiều ND SXKD giỏi trên địa bàn toàn huyện trưởng thành từ lớp học nghề do Hội ND mở.
Chị Ngô Thị Xuyến ở xã Tân Thanh - học viên lớp chăn nuôi chia sẻ: "Ngày trước, nhà tôi nuôi nhím nhưng đàn nhím hay bị bệnh. Từ khi đi học, tôi hiểu biết kỹ thuật hơn nên đàn nhím nhà tôi không bị bệnh nữa".
Trước đây, gia đình chị chỉ nuôi 20-30 đôi nhím, học xong, chị đã tự tin đầu tư nuôi 100 đôi nhím. Với giá bán nhím thương phẩm từ 350.000-400.000 đồng/kg, nhím giống 17 triệu đồng/đôi, từ đầu năm đến nay, gia đình chị đã thu về hơn 400 triệu đồng. Chị Xuyến phấn khởi: "Có kiến thức, vợ chồng tôi yên tâm đầu tư sản xuất. Chúng tôi mong các lớp dạy nghề được mở thường xuyên tại địa phương...".