Khởi nghiệp từ giấc mơ làm nông nghiệp sạch

 136 lượt xem
(BTĐKT) - 5 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thanh niên Như Cố (HTX thanh niên Như Cố) đã trở nên quen thuộc với các bạn trẻ và bà con huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Do Đoàn thanh niên xã Như Cố thành lập, quản lý, tổ chức và định hướng hoạt động, HTX là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn, tập trung sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ, vừa bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, vừa nâng cao thu nhập cho các thành viên và bà con nhân dân, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất khó 

Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, mong muốn góp sức mình xây dựng quê hương giàu đẹp đã thôi thúc chàng trai dân tộc Tày Lường Đình Hùng trở về công tác tại địa phương. Năng động, nhiệt tình, đầy sáng tạo, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Như Cố.
Như Cố là địa phương có truyền thống trồng cây dưa các loại, trong đó có dưa hấu, dưa lê, dưa chuột và mới đây là cây thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, trước đây, các hộ chỉ sản xuất đơn lẻ, quy mô nhỏ, thiếu kỹ thuật và phần lớn người dân sử dụng phân bón hóa học trong khâu chăm sóc nên khiến đất cằn cỗi, bạc màu, cây kém phát triển, giá trị kinh tế không cao.
 
Anh Lường Đình Hùng kiểm tra tình hình phát triển của ruộng cà chua
Phát hiện ra quê hương mình có nhiều tiềm năng nhưng chưa ai biết cách khai thác hiệu quả, Hùng mạnh dạn sáng lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thanh niên Như Cố, dấn thân vào con đường mới lạ với nhiều thuận lợi và không ít thử thách.  
Với 9 thành viên ban đầu, tổ hợp tác thí điểm chuyển đổi 6.000 m2 đất ruộng sang trồng rau tại thôn Nà Chào, xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Sau khi trồng thành công các loại rau, HTX trồng thêm các loại dưa truyền thống của địa phương: dưa hấu, dưa lê, dưa chuột và thanh long ruột đỏ.
Để mở rộng vùng nguyên liệu, HTX đã chủ động liên kết với bà con qua phương thức người dân góp đất, góp nhân công; HTX hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chuẩn trồng cây hiệu quả, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chính nhờ mối liên kết sản xuất, tiêu thụ khép kín này mà những sản phẩm của HTX luôn duy trì chất lượng theo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân có nguồn thu nhập ổn định. Theo đó, doanh thu năm 2020 của HTX đạt gần 3 tỷ đồng, thu nhập của mỗi thành viên đạt trung bình 5 triệu đồng/tháng. 
Bên cạnh đó, để mở rộng quy mô, HTX đã tiến hành xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng chuyên canh, đa dạng hóa các loại cây trồng, từng bước tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại, HTX có một nhà lưới công nghệ cao với quy mô khoảng 2.000 m2 chuyên trồng sản phẩm dưa lưới, đạt doanh thu 200 triệu đồng/vụ. Đối với cây chè, HTX cam kết thu mua chè của người dân xã Như Cố và xử lý tại xưởng chế biến rộng 320 m2, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn phát triển thêm 1ha mướp đắng rừng, 2,55 ha thanh long ruột đỏ... Không chỉ sản xuất rau màu, củ, quả, HTX còn phát triển các mô hình chăn nuôi như: Nuôi gà với quy mô 10.000 con/lứa, nuôi ong lấy mật... Đến nay, HTX đã có 4 sản phẩm là trà mướp đắng rừng, chè Như Cố, bún khô và mật ong đạt OCOP 3 sao.
Nói “không” với hóa chất 
Ngay từ buổi đầu, HTX đã kiên định phát triển theo hướng hữu cơ, nói “không” với hóa chất để có sản phẩm an toàn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Quá trình sản xuất, các thành viên trong HTX thực hiện rất nghiêm túc quy trình an toàn, ghi chép đầy đủ các bước chăm sóc, thu hoạch. Các sản phẩm của HTX đều được sản xuất tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. HTX Như Cố là doanh nghiệp đầu tiên ở vùng Chợ Mới áp dụng mô hình nhà lưới công nghệ cao để trồng trọt.
 
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới công nghệ cao

Anh Hùng cho biết: HTX sử dụng rượu, gừng, tỏi, ớt để pha chế thuốc trừ sâu thảo dược cho rau, củ, quả. Loại thuốc trừ sâu tự chế này vừa diệt sâu hại hiệu quả mà lại tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Với dưa lê, cứ 3 - 5 ngày, phải phun đuổi côn trùng 1 lần.
Để xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm đến được với đông đảo người tiêu dùng, Hùng và các thành viên trong HTX nghiên cứu, thiết kế logo, nhãn mác cho sản phẩm; đồng thời xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm: rau, củ, quả (dưa lê, dưa hấu Như Cố, rau bò khai), chè sạch Như Cố, trà mướp đắng rừng, bún khô, mật ong hoa rừng, rượu men lá Khuổi Chù. Đến nay, tất cả các sản phẩm này khi bán ra thị trường đều được gắn mã truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng.
Đặc biệt, HTX tận dụng tốt việc bán hàng qua mạng xã hội, khai thác triệt để công nghệ thông tin trong việc bán hàng, quảng cáo thương hiệu. HTX đã xây dựng trang facebook mang tên "Đoàn xã Như Cố" để bán các sản phẩm nông sản của HTX trên mạng.
Ngoài kênh bán hàng trực tuyến qua mạng, HTX còn liên kết với đơn vị cung ứng và bao tiêu sản phẩm cây dược liệu cà gai leo. Đồng thời, chủ động liên kết với các tổ chức, cá nhân ở một số tỉnh, thành phố để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm. 
Bền bỉ xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng sản phẩm, đến thời điểm này, một số sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng.  Mô hình khởi nghiệp của HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố vừa thể hiện ý chí vượt khó vươn lên làm giàu tại quê nhà, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến đông đảo thanh niên; vừa góp phần khẳng định vai trò của thanh niên nông thôn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
                                                                                                                                                                               Thu Huệ
 

 
Ý kiến của bạn