Người chắp cánh ước mơ cho các em nhỏ vùng cao

 157 lượt xem
(BTĐKT) - Nhắc đến Tẩn Thị Shu, nhiều người đã không còn xa lạ với cô gái Mông với đôi mắt một mí đáng yêu, cùng quyết tâm mạnh mẽ nhằm phát triển du lịch Sapa, tạo công ăn việc làm cho những bạn trẻ người dân tộc thông qua dự án du lịch cộng đồng Sapa O’ Chau của mình. Tất cả nguồn thu từ du lịch đều được Tẩn Thị Shu sử dụng hết vào việc hỗ trợ các em nhỏ dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn, để các em yên tâm đi học. 


Làm du lịch để lan tỏa yêu thương
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại bản Lao Chải, thị trấn Sa Pa, Lào Cai, cha bị bệnh nặng đau ốm liên miên, nên khi học đến lớp 3, Tẩn Thị Shu đã phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. 12 tuổi Shu đã bán vải dệt thổ cẩm tại bản. Một năm sau, Shu cũng giống như những bạn bè đồng trang lứa ở bản lên thị trấn Sa Pa bán hàng cho khách du lịch.
Mỗi ngày, Shu đi bộ cả chục km từ nhà ra thị trấn bán hàng cho du khách nước ngoài. Những ngày lang thang theo chân khách du lịch, Shu luôn bị đói, lạnh, có lúc mệt lại không có nơi nghỉ đành phải nằm ngủ ngoài đường. “Chính những khó khăn, khổ cực đó đã thôi thúc tôi rằng mình phải làm một cái gì đó để thay đổi cuộc đời mình và giúp đỡ người dân địa phương” - Shu chia sẻ - “Tôi bắt đầu mơ ước về một cửa hàng riêng bán đồ thổ cẩm, muốn một nhà hàng bán những sản phẩm, những món ăn đặc sản của chính mình”. 
 
Tẩn Thị Shu là cô gái người Mông đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh
Tiếng Kinh chỉ bập bẹ, tiếng Mông nói thì khách du lịch không hiểu, Tẩn Thị Shu bắt đầu học lỏm những tiếng Anh từ khách nước ngoài. Rồi cô dành dụm từng đồng tiền bán hàng để hằng ngày dành vài tiếng vào quán Internet – một thứ rất xa lạ với bạn bè của chị và những người Mông vào thời điểm những năm 2000 – để học tiếng Anh. Khi nói ngoại ngữ tốt hơn, Shu dần từ bỏ công việc bán hàng để làm người hướng dẫn bản địa cho khách du lịch nước ngoài. Rồi Shu thấy biết một ngoại ngữ chưa đủ, chị tự học thêm tiếng Pháp, tiếng Trung.
Năm 2007, khi bước vào tuổi 21, kiếm được tiền nuôi mình và giúp đỡ gia đình, cô gái trẻ bắt đầu nảy ra ý tưởng làm gì đó để những đứa trẻ vùng cao cũng được thay đổi cuộc đời và có một nghề ổn định.
Nói là làm, Shu bắt đầu động viên bạn bè của mình thành lập một dự án cộng đồng mang tên Sapa O’Chau – vừa làm du lịch vừa đào tạo văn hóa về nghề hướng dẫn viên cho trẻ vùng cao.
“O’ Chau” trong tiếng Mông có nghĩa là “cảm ơn”. Tẩn Thị Shu cho biết, cô muốn thực hiện dự án này và tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng như một lời cảm ơn chân thành nhất: Cảm ơn vùng đất Sapa đẹp đẽ - thiên đường du lịch tuyệt vời, cảm ơn những tháng ngày cơ cực đã nung nấu ý chí vươn lên của cô gái nghèo, cảm ơn những mối duyên lành đã cho cô được tiếp tục truyền ngọn lửa cảm hứng đầy ắp trong mình đến mọi người xung quanh… 
Dự án khởi đầu bằng việc mở homestay đầu tiên của người Mông ở xã Lao Chải, Sa Pa. Sau đó, Shu chính thức thành lập công ty năm 2013 và mở rộng kinh doanh các loại hình du lịch khác như cà phê, tour và khách sạn. Đến nay, công ty của cô gái Mông có hơn 50 nhân viên, có cả chi nhánh tại phố Hàng Muối, Hà Nội và mỗi năm hỗ trợ khoảng 100 em đi học, đi làm.
Với cô, du lịch như một thứ gì đó đã ăn sâu trong tiềm thức, là cuộc trải nghiệm về giáo dục, là cơ hội cho những người dẫn tour bản địa tiếp xúc, hiểu thêm nhiều điều về những vùng đất mới qua những lần trò chuyện cùng du khách. Hơn hết, du lịch còn là sự kết nối, xóa bỏ những rào cản về màu da, màu tóc..., cùng nhau kiến tạo giá trị mới để mỗi người trưởng thành lên từng ngày.
Mô hình hoạt động của Sapa O’Chau thúc đẩy sự bền vững, đa dạng và hòa nhập một cách tối đa: Homestay doanh nghiệp xã hội tại Sapa với lợi nhuận góp vào quỹ cho người nghèo, các tour du lịch khám phá Sapa với hướng dẫn viên chính là người bản địa Sapa, giới thiệu và bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc tại Sapa qua những sản phẩm thủ công… 
Mái nhà chung ươm mầm ước mơ
Shu mong muốn Sapa O’Chau không chỉ mang lại giá trị về du lịch, mà còn giúp kiến tạo sinh kế cho cộng đồng người dân tộc sinh sống tại Sapa, kiến tạo giá trị về giáo dục, nhất là cho các trẻ em gái và phụ nữ. Bởi vậy, tạo công ăn việc làm, cơ hội học tập cho trẻ em người Mông, Dao bản địa là một trong những mục tiêu xuyên suốt của Sapa O' Chau từ khi hình thành đến nay. 
Tại đây, các em nhỏ không chỉ được dạy văn hóa mà còn cả tiếng Anh miễn phí. Bằng cách liên kết với những tình nguyện viên nước ngoài, vốn là du khách đến Sa Pa, Shu đã mang đến vốn kiến thức thực tiễn cho chính những người làm du lịch tương lai và cả trải nghiệm quý báu cho du khách.
 
Những câu chuyện về hành trình của mình được Tẩn Thị Shu (thứ hai từ phải sang) chia sẻ tại các diễn đàn luôn truyền cảm hứng đặc biệt cho các bạn trẻ

Cô chia sẻ: Quá trình xây dựng mô hình hoạt động đã khó, nhưng quá trình vận động và thay đổi cộng đồng, giúp trẻ em gái tại Sapa có cơ hội tiếp cận giáo dục còn chông gai hơn nhiều. Khoảng 10 năm trước, quan niệm “con gái chỉ cần ở nhà lấy chồng làm nương” vẫn in sâu trong tâm lý ba mẹ các em. Dù ước ao được đến trường, biết đọc biết viết là vô cùng mãnh liệt, nhưng các em và cả tôi vẫn ngậm ngùi và xót xa, chẳng còn cách nào ngoài bảo “Thôi em cứ về quê một thời gian, gia đình ổn hơn lại đi học tiếp.”
Một điều may mắn là từ sau 2010 đến nay, sau khi nhiều chị em phụ nữ đi học, tham gia vào ngành du lịch và kiếm thêm thu nhập, suy nghĩ của nhiều gia đình và cộng đồng đã có bước chuyển tích cực. Vai trò kinh tế của phụ nữ được công nhận, không ít người chồng sẵn lòng trông con và lo việc nhà để vợ yên tâm đi làm. Các gia đình cũng bắt đầu ưu tiên cho con cháu đi học, lấy cái nghề cho tương lai. Shu kể, có ông bố từng lên gặp Shu nhắn nhủ: “Cô cứ cho con gái tôi ở đây, đi theo các chị để học nhiều hơn, biết nhiều hơn”. Quá trình vận động của Shu đã được mọi người công nhận - một minh chứng rõ ràng cho hành trình kiến tạo giá trị tích cực lên cộng đồng, dù có mất bao lâu đi nữa, thì quả ngọt giá trị vẫn sẽ tạo được dấu ấn cho cộng đồng này.
Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng, Tẩn Thị Shu trở thành người Mông đầu tiên được Forbes Vietnam vinh danh là 1 trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi có nhiều thành tựu nổi bật trong sự nghiệp. 
                                                                                                                                                                                  Phương Linh
 

 
Ý kiến của bạn