Bằng nhiều giải pháp, tỉnh An Giang đã tạo được thế đứng tương đối vững chắc trong sản xuất lúa gạo và luôn dẫn đầu về sản lượng. Trong những năm qua, An Giang đã có nhiều chương trình, dự án như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,… và đặc biệt là chương trình xã hội hóa giống lúa được thực hiện nhằm phục vụ cho sản xuất và nâng cao năng lực cho người nông dân. Tiến sĩ Lê Thị Dự, Trưởng bộ môn Giống cây trồng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng: “Tỉnh An Giang đã trí thức hóa nông dân một cách thần kỳ”.
Chương trình xã hội hóa giống lúa không những đáp ứng được nhu cầu cần giống lúa sản xuất cho bà con nông dân trong tỉnh mà còn vươn xa hơn qua các tỉnh lân cận, thông qua hệ thống thương mại hóa giống lúa, chương trình đã tác động rất nhiều đến kiến thức, năng lực, thu nhập nâng cao đời sống cho nông dân. Cũng từ chương trình xã hội hóa giống lúa, bằng phương pháp thủ công, nông dân An Giang đã chọn và lai tạo thành công các dòng/giống lúa mới. Đến nay, tỉnh đã có khoảng 43 dòng/giống lúa được nông dân lai - chọn.
Bằng những kiến thức học được từ lớp “Kỹ năng chọn – tạo giống lúa”, nông dân Trần Thanh Hùng xã Núi Voi thấy rằng, giống lúa triển vọng là sự kết hợp các đặc tính tốt của các giống lúa khác mà nên, một giống lúa tốt mà không biết phục tráng thì giống đó sẽ thoái hóa dần theo thời gian và sẽ thể hiện những đặc tính xấu như cây cao cây thấp, lẫn lúa cỏ, hạt lúa có vết bệnh,... do đó sẽ cho năng suất không như mong muốn. Từ những lý do đó, anh thường xuyên chọn lọc những bông lúa đúng giống và nhân cho vụ sau mà không phải cất công đi tìm kiếm giống từ các trạm, trại. Đã thành công trong quá trình phục tráng, anh tiếp tục bắt tay vào chọn lọc dòng thuần và lai tạo giống. Và kết quả sau 9 vụ lúa, đã lai tạo thành công giống lúa mới tên NV1, NV2,… NV8 được Trung tâm Khuyến nông trồng thử nghiệm tại các huyện, thị thành trong tỉnh An Giang, Viện Lúa ĐBSCL. Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL, Trường đại học Cần Thơ tiến hành các đánh giá cơ bản và đăng ký khảo nghiệm giống cấp Quốc gia. Hiện tại, giống NV1 đang được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xét công nhận giống lúa mới. Ngoài ra, nông dân Trần Thanh Hùng được vinh dự đại diện nông dân thời hội nhập tham dự Hội nghị quốc tế tại Nicaragoa với tư cách là đại biểu chính thức để báo cáo thành tích và kinh nghiệm trong quá trình lai tạo giống lúa phục vụ cộng đồng.
Nông dân Nguyễn Tiến Tâm, xã Nhơn Mỹ (Chợ Mới) chia sẻ: “Từ khi tham gia vào chương trình xã hội hóa công tác giống lúa, tôi nhận ra lý do vì sao những năm vừa qua ruộng lúa nhà mình năng suất luôn thấp, lợi nhuận thì kém. Để khắc phục những yếu điểm, tôi đã không ngừng học tập kiến thức qua các khóa tập huấn và luôn rút tỉa kinh nghiệm cho bản thân từ trong quá trình thực hiện. Hiện tại, tôi đã có thể chọn, tạo ra được 8 dòng/giống mới thích nghi với điều kiện địa phương. Tham vọng ban đầu của tôi là sản xuất lúa giống để phục vụ cho bản thân nhằm giảm chi phí đầu tư, nhưng do được sự tín nhiệm của bà con nông dân nên dần dần tiến đến trao đổi giống lúa với cộng đồng và bán giống, hiện tại giá giống bán ra cao hơn giá lúa hàng hóa từ 700 – 1.500đồng/kg nên đã nâng cao thu nhập cho gia đình và góp phần tham gia vào các công trình phúc lợi xã hội, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang hơn”.
Từ những kiến thức học được từ viện, trường, nông dân Nguyễn Tiến Tâm còn tham gia công tác giảng dạy cho các nông dân khác trong và ngoài vùng về các kỹ năng sản xuất giống lúa, kỹ thuật bón phân, chăm sóc, hướng dẫn sinh viên Đại học An Giang thực hành tại ruộng.
Nông dân Danh Văn Dưỡng, huyện Thoại Sơn, lai tạo cho ra giống hạt gạo đỏ có nguồn gốc từ Tàu Binh, qua 4 năm chọn lọc dòng lai đến nay giống đã thuần, do có đặc tính gạo màu hồng nên được gọi là Hồng Ngọc Óc Eo. Giống Hồng Ngọc Óc Eo được trồng thử nghiệm nhiều nơi trên nhiều vùng đất khác nhau trong địa bàn tỉnh An Giang đến một số tỉnh ĐBSCL như Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang,... đều có chung nhận xét Hồng Ngọc Óc Eo có khả năng thích nghi rộng, chống chịu sâu bệnh tốt và cho năng suất cao, hiện tại giống được đưa vào khảo nghiệm cơ bản tại Đại học Cần Thơ.
Xác định là nông dân sống và vươn lên từ nghề trồng lúa nên nông dân Hoa Sĩ Hiền, xã Tân An (thị xã Tân Châu) đã chủ động tham gia tất cả các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa theo tiến bộ khoa học kỹ thuật, các lớp huấn luyện sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và đặc biệt là lớp huấn luyện kỹ năng chọn – tạo giống lúa (FFS). Chuyện nông dân ngồi trước kính hiển vi để nghiên cứu như nông dân Hoa Sĩ Hiền không còn xa lạ đối với các nhà khoa học. Sau nhiều năm tâm huyết, mài mò nghiên cứu, hiện tại nông dân Hoa Sĩ Hiền đã sở hữu được 14 dòng/giống lúa với nhiều cái tên như: TC1, TC2,… TC14, có nhiều ưu điểm như năng suất cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, có phẩm chất gạo ngon cơm, thích nghi với điều kiện địa phương và đã được trồng rộng rãi ở nhiều nơi. Một trong số các giống này đang được khảo nghiệm cấp quốc gia để xin công nhận giống.
Đã thành công trong 14 giống lúa mới, nông dân Hoa Sĩ Hiền tiếp tục thực hiện thử thách khó hơn, đó là chọn – tạo giống thích ứng với biến đổi khí hậu mà cụ thể là chọn giống chống chịu mặn. Biết rằng rất khó khăn nhưng nông dân Hoa Sĩ Hiền “vẫn muốn làm một cái gì đó để mai này có khi còn cần đến”, đó là chia sẻ của anh. Không ngại khó khăn, anh đã tìm đến các tỉnh có biển để lấy nước biển về phục vụ cho công tác lai tạo giống lúa chống chịu mặn, cho dù con đường phía trước còn lắm gian nan, nhưng nhiệt quyết của anh luôn nóng bỏng.
Nông dân An Giang là thế, đã quyết định bám sát cây lúa thì bám đến cùng và ngày càng nâng cao giá trị của nó hơn.