TỔNG THUẬT SÁNG 27/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG (SỬA ĐỔI)

 657 lượt xem
 

Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 27/5/2022, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

          Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp

11h27: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương, có 24 ý kiến phát biểu và 4 ý kiến tranh luận. Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) đã nhiều lần được cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tổ chức xin ý kiến, hôm nay tiếp tục nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện rõ chính kiến của đại biểu Quốc hội, có nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn.

Thay mặt Cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo cụ thể gửi tới các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này

11h15: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội: Đề nghị lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về đối tượng được xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú

Giải trình, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cảm ơn các ý kiến phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, phong phú vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đặc biệt Bộ trưởng Bộ Nội vụ chân thành cảm ơn các đại biểu đã cơ bản thống nhất rất cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã có ghi nhận và đồng tình với dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý một cách nghiêm túc, toàn diện với tinh thần cầu thị, lắng nghe từ sau Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đến nay.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tại phiên thảo luận này, nhiều ý kiến tiếp tục phân tích, đánh giá, chia sẻ, tham gia đóng góp bổ sung những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau và những vấn đề cụ thể, chi tiết rất thiết thực, tâm huyết, xác đáng. Đối với một số đại biểu đăng ký nhưng chưa kịp phát biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các đại biểu tiếp tục gửi về cho Ban thư ký để tổng hợp. Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban Xã hội, với các cơ quan liên để tổng hợp một cách kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua.

Về một số vấn đề chung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 2 đến nay, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan của Quốc hội, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo chuyên gia, các nhà khoa học cũng như các cấp, các ngành và các đối tượng tác động, đặc biệt được sự chỉ đạo rất sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đã gợi mở định hướng sâu sắc. Đến nay, dự án Luật đã được sửa đổi căn bản, toàn diện với 96 điểm, có tới 88 Điều được làm mới, sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý và chỉ còn giữ nguyên 7 Điều.

Làm rõ về chính sách hoàn thiện về hệ thống thi đua, hoàn thiện hệ thống khen thưởng, hoàn thiện về chế định, thẩm quyền phân cấp, hoàn thiện về những quy định, về cải cách hành chính cũng như về hồ sơ thi đua, khen thưởng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bám sát nguyên tắc, yêu cầu sửa đổi, vừa kế thừa, vừa đổi mới để đảm bảo được tính bao quát toàn diện, chính xác, công bằng, bình đẳng và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn khoa đại chúng, đúng với tính chất đặc thù của Luật Thi đua, khen thưởng của nước ta.

Đối với một số vấn đề mới nổi lên được đại biểu Quốc hội nêu tại Hội nghị đại biểu chuyên trách và văn bản đề nghị của Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật cũng như các tổ chức thành viên gửi các cơ quan liên quan của Chính phủ và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội về bổ sung đối tượng được xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang tập trung hướng tới đối tượng là biểu diễn và trình bày tác phẩm và chưa có đối tượng sáng tác từ năm 1984 đến Luật Thi đua khen thưởng từ năm 2003 đến nay.

Với một tinh thần cầu thị, trách nhiệm, nghiêm túc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng và trân trọng ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua khen thưởng theo hai phương án và Quốc hội đã thảo luận sôi nổi tại phiên họp này. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo chủ tọa phiên họp và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để lấy phiếu để đại biểu Quốc hội lựa chọn quyết định phương án cụ thể.

11h11: Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Bổ sung hình thức Thư khen của các đồng chí Lãnh đạo có ý nghĩa động viên rất lớn

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí bày tỏ nhất trí đối với phương án mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) như các đại biểu Quốc hội trước đã phát biểu với những phân tích rất xác đáng. 

Liên quan đến hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang quy định tại Khoản 2, Điều 96 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí bày tỏ đồng tình với việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang vào trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). 

Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến vừa phát biểu về quy định về "Thư khen của Thủ tướng, Thư khen của Chủ tịch nước, Thư khen của Chủ tịch Quốc hội" theo ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân và cho rằng, Thư khen của các đồng chí lãnh đạo hết sức cao quý, sẽ có ý nghĩa động viên rất lớn cho các đối tượng được khen tặng, do vậy nên được bổ sung vào trong dự thảo Luật.

11h08: Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Đề xuất tặng Thư khen sẽ có giá trị động viên rất lớn

Tranh luận làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, Điều 9 của dự thảo Luật đã quy định rõ về hình thức khen thưởng, bao gồm: Huân chương, Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; Kỷ niệm chương; Bằng khen; Giấy khen. 

Đại biểu kiến nghị bổ sung thêm hình thức "Thư khen". Theo đại biểu, đây là hình thức khen thưởng nhanh, thủ tục đơn giản, hiệu quả khích lệ rất lớn, được sử dụng tại nhiều nước, đặc biệt để động viên kịp thời cho các em học sinh, tạo động lực lớn cho người được trao tặng. 

Đại biểu cũng phân tích thêm, ngay tại Quốc hội, nếu như trong một kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp rất nhiều trí tuệ hoặc là đưa ra những sáng kiến hiệu quả mà được Chủ tịch Quốc hội gửi thư khen sẽ là một điều rất trân trọng. Do đó, đại biểu đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước tích cực và thường xuyên sử dụng hình thức khen thưởng này.

11h06: Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Đề nghị bổ sung thêm trường hợp được truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang

Đăng ký phát biểu tranh luận, trao đổi lại với ý kiến của một số đại biểu còn băn khoăn về khen thưởng, tổng kết thành tích kháng chiến, đại biểu Phan Thái Bình chỉ rõ: Tại khoản 2, Điều 96 dự thảo Luật đã quy định rõ thực hiện tặng và truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang đối với thâm niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, có thời gian tại ngũ liên tục 2 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng. Quy định như vậy có nghĩa rằng, nếu còn sống thì phong tặng, nếu đã từ trần thì truy tặng. Khoản 2 Điều 96 dự thảo Luật đã quy định rõ như vậy, đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị phải bổ sung thêm nội dung trong điều khoản này quy định: thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. 

11h03. Đại biểu Phan Văn Xựng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Bổ sung hình thức khen thưởng cấp nhà nước đối với dân quân tự vệ

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phan Văn Xựng cho biết, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo tính thống nhất, toàn bộ, phù hợp với thực tiễn. 

Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, về thẩm quyền đề nghị khen thưởng đối với dân quân tự vệ, đại biểu Phan Văn Xựng chỉ ra rằng, theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, Bộ Quốc phòng và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức là đơn vị thành lập, giải thể, quản lý, chỉ huy, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động dân quân tự vệ, đảm bảo chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ khi được điều động thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Bộ Quốc phòng được giao quản lý nhà nước về dân quân tự vệ và hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung chưa có quy định về thẩm quyền đề nghị khen thưởng cấp nhà nước đối với dân quân tự vệ. Trong khi đó, lực lượng dân quân tự vệ khoảng 1,45 % dân số toàn quốc.

Để tôn vinh, khen thưởng đúng thành tích, kết quả, sự hy sinh của dân quân tự vệ, đồng thời kịp thời động viên cũng như phát huy vai trò dân quân, tự vệ trong huy động thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đại biểu Phan Văn Xựng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào dự thảo Luật thẩm quyền, trình hình thức khen thưởng cấp nhà nước đối với dân quân tự vệ.

10h59: Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai: Đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ trong văn bản pháp luật

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nêu rõ, khoản 4 Điều 24 của dự thảo Luật quy định, Bộ, ban, ngành, tỉnh hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” cho cá nhân trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý. Trong khi đó, khoản 6 Điều 24 quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Đại biểu đề nghị cần xem xét, chỉnh sửa, tránh chồng chéo, chồng lấn, đảm bảo tính nhất quán, đồng thời, nên sử dụng cụm từ “quy định cụ thể” thay vì “hướng dẫn cụ thể” để đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ trong văn bản pháp luật.

Về tiêu chuẩn tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định tiêu chuẩn khen thưởng có hiệu lực tương đương để không ảnh hưởng đến quá trình phấn đầu của cá nhân và phù hợp với thực tế.

10h54: Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đáp ứng đông đảo nguyện vọng mong đợi của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà

Tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Anh kỳ vọng khi thông qua Luật Thi đua, khen thưởng sẽ tạo ra những động lực và xung lực to lớn trong toàn xã hội, khuyến khích, động viên các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân và toàn dân phát huy hơn nữa lòng yêu nước, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đoàn kết, hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Góp ý về quy định các loại hình khen thưởng tại Điều 8 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị viết lại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật theo hướng: “Khen thưởng công trạng là khen thưởng cho cá nhân, tập thể thường xuyên, liên tục có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để đảm bảo phản ánh đúng, đủ sự phấn đấu, nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của các tập thể, cá nhân khi xét thưởng công trạng”.

Tại khoản 4 Điều 8 dự thảo Luật về khen thưởng quá trình cống hiến, đại biểu đề nghị điều chỉnh phần quy định về các cơ quan thuộc nhóm được khen thưởng, cống hiến tại khoản này đảm bảo sự thống nhất, đầy đủ, toàn diện. Theo đó, đề nghị viết lại theo hướng: “Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động lâu dài trong các giai đoạn cách mạng hoặc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập có công lao, thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”.

Liên quan đến quy định về danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú quy định tại Điều 66, đại biểu tán thành với phương án 1 bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các soạn giả trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Đại biểu cho rằng quy định này sẽ thể hiện sự quan tâm, trân trọng sự đánh giá và nhìn nhận đầy đủ, đúng đắn và toàn diện những nỗ lực cống hiến, đóng góp, hy sinh và vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động ở tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật, kể cả nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và giao Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng đảm bảo không bỏ sót, phù hợp với xu thế của tình hình mới và đáp ứng đông đảo nguyện vọng mong đợi của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà.

Ngoài ra, để tiếp tục hiện thực hóa những quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, khuyến khích, động viên và tôn vinh các nhà khoa học đang ngày đêm miệt mài, thầm lặng cống hiến cho đất nước, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung danh hiệu nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú vào nhóm danh hiệu vinh dự nhà nước tại Khoản 2, Điều 59 và bổ sung quy định cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn, thời gian xét tặng; giao Chính phủ quy định chi tiết việc xét tặng danh hiệu này nhằm vinh danh các nhà khoa học tài năng, đức độ hết lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân có những đóng góp đặc biệt xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

10h48: Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: Sẽ là công bằng và hợp lý nếu các nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả cũng được xét tặng danh hiệu vinh dự của nhà nước.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động của Luật và dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, đến thời điểm này, dự thảo Luật đã tương đối hoàn thiện và đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Đại biểu nhận thấy, nhiều nội dung mới của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện. Việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong công tác thi đua, khen thưởng hoặc là những quy định đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở gắn với lợi ích trực tiếp của người tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong việc thi đua như bỏ đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua, bổ sung trách nhiệm người đứng đầu, bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu.

Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cũng chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp quan tâm khen thưởng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Đặc biệt, dự thảo đã giải quyết căn bản vướng mắc trong khen thưởng khu vực ngoài nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân. Dự thảo Luật đã chỉnh lý tối đa trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang và những nội dung khác.

Góp ý vào nội dung còn có ý kiến khác nhau trong lĩnh vực xét danh hiệu vinh dự nhà nước nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết vẫn còn có ý kiến khác nhau liên quan đến lĩnh vực kiến trúc. Đại biểu ủng hộ với phương án 1 là phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất.

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa không nên quá cứng nhắc trong việc quy định điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đối với những đối tượng nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả. Bởi lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học là những lĩnh vực có tính sáng tạo nghệ thuật cao. Họ không chỉ đơn thuần là người sáng tác mà còn là những nghệ sĩ đích thực với những tác phẩm không thể nào quên trong lòng khán giả. Đặc thù của những tác phẩm nhiếp ảnh, kiến trúc, tác phẩm văn học là không có việc trình diễn tác phẩm bởi các nghệ sĩ, diễn viên mà các khán giả, độc giả, người xem chỉ được biết đến tác phẩm khi tác phẩm đó được trưng bày, được xây dựng, được xuất bản.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, sẽ là công bằng và hợp lý hơn nếu các nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả cũng được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú khi tác phẩm của họ đủ điều kiện và đưa tới công chúng. Ngoài ra, quy định này cũng góp phần ghi nhận, động viên, khích lệ đối với người hoạt động trong lĩnh vực này, như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn khen thưởng phải chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc, có vậy mới có tác dụng cổ vũ tinh thần thi đua.

10h43: Đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Không quy định thời gian đối với trường hợp thương binh nặng

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim bày tỏ ủng hộ quy định mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên tại Điều 66 của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) như các đại biểu Quốc hội trước đã phát biểu với những lý giải hết sức thuyết phục.  

Liên quan đến quy định khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến tại Điều 96 mà một số đại còn băn khoăn, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã quy định thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, có thời gian tại ngũ liên tục từ 02 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng. Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Đại biểu cho rằng quy định như vậy là cũng phù hợp. Bởi đối với những đơn vị thực hiện theo nhiệm kỳ của đơn vị thanh niên xung phong tập trung ở miền Bắc thường là 3 năm,  có khi 4, 5 năm hoặc nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam từ Quảng Trị trở vào Cà Mau, số thanh niên xung phong thường số thời gian ít, nên có thể sẽ bị lọt. Đối với thanh niên xung phong cơ sở miền Nam, quy định về thời gian 2 năm thực tế rất khó thực hiện. Cho nên việc quy định truy tặng, khen thưởng cho thanh niên xung phong đã hy sinh như dự thảo Luật là phù hợp. Ngoài ra, các trường hợp là thương binh nặng, đại biểu cho rằng cũng không nên quy định điều kiện về thời gian tại ngũ.

10h39: Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Ghi nhận, trân trọng công lao to lớn của lực lượng thanh xung phong

Phát biểu hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu Xã, Phường, Thị trấn tiêu biểu như trong dự thảo Luật đã đảm bảo phân cấp, phân quyền, phù hợp tình hình thực tiễn ở mỗi tỉnh, thành phố. Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định giao cơ quan trung ương hướng dẫn tiêu chuẩn chung mang tính định hướng việc xét tặng danh hiệu Xã, Phường, Thị trấn tiêu biểu để thống nhất thực hiện trên cả nước. 

Về danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, đại biểu bày tỏ nhất trí với Phương án 1, danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” được xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên.

Về danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu, Điều 29, Khoản 2 quy định giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn việc xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu.

Về hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong, đại biểu bày tỏ đồng tình cao về việc bổ sung, tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Đó là sự ghi nhận, trân trọng công lao to lớn của Đảng, Nhà nước, của dân tộc ta đối với lực lượng thanh xung phong đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng; thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta và có nghĩa giáo dục rất sâu sắc.

Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn khen thưởng thanh niên xung phong vẻ vang với người có thời gian tại ngũ 2 năm trở lên là phù hợp với đề xuất của Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu, việc xác minh hồ sơ gốc gặp nhiều khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định hồ sơ, thủ tục cho phù hợp, tạo điều kiện cho các Thanh niên xung phong được nhận danh hiệu cao quý này.

10h33: Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế: Bổ sung quy định ưu tiên khen thưởng với đối tượng yếu thế

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ sự tán thành với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). 

Theo đại biểu, 8 điểm mới chủ yếu của dự thảo Luật tạo được sức bật đổi mới, hoàn thiện luật pháp về thi đua, khen thưởng của quốc gia, thể hiện rõ nguyên tắc thi đua và khen thưởng phong trào thi đua thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị, khen thưởng cụ thể, tổng thể và toàn diện về quy mô lẫn đối tượng thích hợp.

Khen thưởng trong lực lượng vũ trang, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân nước ngoài, người nước ngoài có đóng góp cho đất nước Việt Nam phân cấp, phân quyền mạnh, minh, gắn chặt với trách nhiệm tổ chức, cá nhân và có tính đến yếu tố thực tiễn vùng, miền, ngành nghề xây dựng cụ thể cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung một điều mới, về có hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang. Tuy nhiên, về tiêu chí thời gian tại ngũ, đối tượng, về xét khen địa biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc giảm thời gian, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng đối tượng thanh niên xung phong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc quy định chặt chẽ để bảo đảm ý nghĩa của hình thức khen thưởng.

Về nguyên tắc khen thưởng, đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ thống nhất việc cụ thể hóa, tuy nhiên đại biểu cho rằng cần việc cụ thể hóa bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng. Trong nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ, đại biểu đề nghị cần được quy định chặt chẽ ở cả phương diện thi đua, khen thưởng. Đồng thời bổ sung quy định ưu tiên khen thưởng đối với lực lượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật khi có cùng thành tích, cùng công trạng đạt được nhằm tạo động lực, sức bật cho mọi đối tượng, thành phần xã hội và tạo dựng, tôn vinh diện mạo thi đua, khen thưởng của chế độ Việt Nam.

10h28: Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Quy định rõ hơn quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong xác định tên kỷ niệm chương, đối tượng và tiêu chuẩn tặng kỷ niệm chương

Thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà bày tỏ tán thành với việc đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền trong công tác thi đua, khen thưởng, thể hiện rõ hơn nguyên tắc thành tích đến đâu, khen thưởng tới đó, đề cao tính kịp thời của việc khen thưởng. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định rõ hơn việc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tên kỷ niệm chương, đối tượng và tiêu chuẩn tặng kỷ niệm chương.

Về giao quy định chi tiết thi hành luật, dự thảo Luật giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết. Đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này, tránh tình trạng ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành công tác thi đua khen thưởng, đảm bảo luật được thi hành ngay sau khi có hiệu lực.

10h26: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Cần có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể đối tượng nhà văn được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú

Về danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú quy định tại Điều 66 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với phương án 1, theo đó, bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các soạn giả trong lĩnh vực sân khấu được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

Đại biểu cho biết thêm, việc đưa đối tượng kiến trúc sư vào xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là bởi kiến trúc cũng là một bộ môn nghệ thuật, Hội kiến trúc sư là một hội trực thuộc Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Chính vì vậy, kiến trúc sư cũng là một trong những đối tượng để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

Ngoài ra, theo đại biểu, nếu quy định nhà văn là đối tượng được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú thì đề nghị là trong văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật cần cụ thể đối tượng nhà văn sẽ bao gồm tất cả tác giả sáng tác các thể loại văn học và dịch thuật. Đó là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch và dịch giả để tránh việc bỏ sót đối tượng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị sửa từ “nhiếp ảnh” trong Điều 66 của dự thảo Luật thành nhiếp ảnh gia cho chính xác. Bởi nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật; còn nhiếp ảnh gia là chỉ những người hoạt động nghệ thuật trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh gia mới là đối tượng được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân chứ không phải nhiếp ảnh./.

10h21: Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ: Hoàn thiện quy định về thi đua, khen thưởng đối đại biểu dân cử đảm bảo hiệu quả và khả thi

Đại biểu Đào Chí Nghĩa cơ bản tán thành nội dung dự thảo Luật đã điều chỉnh lần này. Dự thảo Luật đã tiếp thu, điều chỉnh nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đóng góp và những vấn đề phát sinh đã được quy định phù hợp thực tiễn trong tình hình mới.

Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng khen thưởng, các lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp trong khu vực ngoài Nhà nước, góp phần khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy công tác thi đua, khen thưởng trong các hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng lao động, thực hiện tốt công tác sinh xã hội, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Đề cập về những quy định về danh hiệu thi đua, khen thưởng tại một số nơi trong thời gian qua chủ yếu vẫn được đề nghị ở một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, đại biểu Đào Chí Nghĩa nêu nguyên nhân của vấn đề này là do một phần ảnh hưởng bởi tiêu chí về tỷ lệ và tính liên tục trong công tác thi đua nên các danh hiệu này chưa thật sự được tiếp cận đến đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác chuyên môn, cán bộ cấp cơ sở và người lao động.

Liên quan đến quy định đối tượng khen thưởng là đại biểu dân cử gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, đại biểu cho rằng dự thảo Luật vẫn còn chung chung. Đại biểu chỉ rõ lực lượng này thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác thi đua, khen thưởng. Thực tế hầu như các địa phương thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với đối tượng này vẫn còn lúng túng trong việc lập hồ sơ và đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Do đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa kiến nghị Ban soạn thảo tiếp tục quan tâm hoàn thiện và cụ thể các quy định về thi đua, khen thưởng cho đối tượng này để đảm bảo việc thực hiện được hiệu quả và khả thi.

Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu tại Điều 29, về việc khen thưởng, xét tặng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang.

10h18: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Đề xuất quy định Xét thưởng đặc cách đối với nhà giáo lão thành trên 70 tuổi 

Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi). 

Để góp phần hoàn thiện hơn nữa dự thảo luật, đại biểu đề nghị cần có quy định tỷ lệ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở với tổng số lao động tiên tiến để đảm bảo chất lượng công tác khen thưởng, tránh khen thưởng tràn lan; đồng thời đề nghị nên thành lập thêm Phòng thi đua, khen thưởng ở cấp tỉnh nhằm kiện toàn bộ máy thi đua, khen thưởng cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, sáng tạo. 

Đại biểu bày tỏ ủng hộ quy định mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Đặc biệt, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề xuất bổ sung vào trong dự thảo Luật quy định xét duyệt đặc cách danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” đối với nhà giáo lão thành trên 70 tuổi và các nhà giáo, quản lý giáo dục đã nghỉ hưu không còn tiếp tục giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

10h12: Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Rà soát thêm các quy định về danh hiệu vinh dự Nhà nước

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm chỉ rõ, tại Khoản 4, 5, 6 Điều 24, Khoản 3 Điều 26, Khoản 3 Điều 27, Khoản 6 Điều 47 dự thảo Luật đã phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Cho rằng quy định như vậy phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn những tiêu chuẩn chung làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương tiến hành thống nhất, đồng bộ công tác này, tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện một kiểu.

Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ tán thành cao với những danh hiệu vinh dự Nhà nước quy định tại Khoản 2 Điều 59 gồm: “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”; “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; “Anh hùng Lao động”; “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”; “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”; “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”; “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”. 

Đối với danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo Luật không quy định cụ thể tiêu chuẩn mà luật giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây là một trong những danh hiệu hiệu đặc, biệt đặc thù. Do đó, Luật giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về tiêu chuẩn để xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam tại Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam hùng và Nghị định số 56 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh. Theo đại biểu, các quy định trên đã hạn chế trường hợp và chưa đáp ứng tình hình thực tế hiện tại. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát thêm các quy định về nội dung này để đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng.

10h05: Đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: Tiêu chí xét danh hiệu Gia đình văn hóa cần phù hợp với thực tiễn, bảo đảm bao trùm và công bằng

Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị tiếp tục quan tâm rà soát các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm khả thi, thuận lợi triển khai trên thực tế.

Đại biểu cho biết, các danh hiệu từ cá nhân đến tập thể, từ phạm vi xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố đến gia đình đều nhằm mục đích ghi nhận thành tích, công trạng của mỗi người, cơ quan, đơn vị trong thi đua, khen thưởng. Điều cốt lõi và căn cơ nhất cho mỗi cá nhân có thể trở thành công dân có ích cho xã hội, không gì khác ngoài gia đình nơi dưỡng dục, hình thành nhân cách con người để tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà mục tiêu của thi đua, khen thưởng đề ra tại Điều 4. Tuy nhiên, các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa tại Điều 31 của dự thảo Luật còn chưa rõ ràng.

Đại biểu cho rằng việc thiếu rõ ràng về tiêu chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa sẽ là một thách thức không hề nhỏ để có thể triển khai và mang lại ý nghĩa khen thưởng, động viên thực chất trong thực tế.

Đặt vấn đề làm thế nào để lượng hóa tiêu chuẩn có kinh tế ổn định và phát triển tại điểm c khoản 1 Điều 31, thang mức nào để làm cơ sở tham chiếu để xác định một gia đình có kinh tế ổn định và phát triển, gia đình thu nhập tăng lên có thể được xem là một trong những cơ sở tham chiếu cho quy định trên. Trong khi thực thế, khi thu nhập tăng thì giá cả hàng hóa cũng tăng theo thì thu nhập tăng đó có đảm bảo cho sự phát triển đối với hơn 1 triệu hộ gia đình nghèo, cận nghèo có đời sống kinh tế bấp bênh cũng như đời sống dân cư, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đại biểu cũng nêu vấn đề: Quy định có kinh tế ổn định và phát triển phải được hiểu thế nào khi mà tình trạng tái nghèo vẫn còn rất cao, cùng với sự chông chênh, khó đoán định của hoàn cảnh khách quan. Đại dịch vừa qua là một ví dụ cho sự thiếu ổn định về kinh tế đối với nhóm yếu thế này.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, quy định có kinh tế ổn định và phát triển được xem là một chủ ý tốt nhưng xã hội vẫn còn đó những nhóm yếu thế thì quy định này không những khó lượng hóa mà còn không thể bao trùm và công bằng cho toàn bộ các đối tượng mà nó đặt ra. Do đó, đại biểu đề nghị không chế định nội dung có kinh tế ổn định và phát triển thành tiêu chuẩn của danh hiệu Gia đình văn hóa nhằm tránh sự lúng túng cho chính quyền địa phương khi quy định chi tiết và đồng thời địa phương cũng sẽ không đủ thông tin dữ liệu để đánh giá tiêu chuẩn có kinh tế ổn định và phát triển và lâu dần sẽ trở nên xuề xòa và hình thức.

09h58: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Cần xét khen thưởng đối với Đại biểu Quốc hội chuyên trách hàng năm

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo đã nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như các tổ chức, các cơ quan hữu quan giải trình và tiếp thu rõ ràng, thuyết phục. 

Đại biểu cũng bày tỏ thống nhất với quy định tại Điều 29 dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ tiêu chuẩn cụ thể cần được quy định lượng hóa, quy định chi tiết cho tiêu chuẩn của UBND cấp tỉnh, đảm bảo phù hợp giữa tiêu chuẩn và danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu.

Thống nhất cao với nội dung Khoản 2, Điều 29, giao cho UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu. Bởi vì mục tiêu, kết quả phát triển kinh tế xã hội các địa phương là khác nhau, nên tiêu chuẩn cần sát với thực tiễn để khích lệ, thúc đẩy phong trào thi đua, đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng cường tính chịu trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, để tránh việc tiêu chuẩn quy định quá khác nhau giữa các tỉnh, thành phố, số lượng tiêu chí chênh lệch lớn, trong Nghị định hướng dẫn của Chính phủ nên có khung tiêu chuẩn, định mức tối thiểu để các địa phương căn cứ xây dựng tiêu chuẩn của tỉnh.

Về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Điều 88, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần làm rõ hơn trong báo cáo việc ghi nhận khen thưởng cho đại biểu Quốc hội theo nhiệm kỳ, đồng thời cho rằng quy định như trong báo cáo giải trình là chưa phù hợp. Bởi nguyên tắc của thi đua là tự nguyện, công khai, minh bạch, thường xuyên, liên tục và nguyên tắc khen thưởng là chính xác, công bằng, kịp thời, thống nhất hình thức khen thưởng với đối tượng, thành tích, công trạng, thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. 

Đối với đại biểu chuyên trách thì phải xét khen thưởng hằng năm vì đây chính là công việc chính của đại biểu, mới đảm bảo được theo dõi thành tích liên tục, đồng thời thống nhất với các đối tượng khác.

09h52: Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Không phân biệt nghệ sỹ sáng tác và nghệ sỹ biểu diễn trong xét tăng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu bày tỏ ủng hộ phương án mở rộng đối tượng được trao danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”. Theo đó, danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” được xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên.

Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của giới văn nghệ sỹ, đại biểu Nguyễn Huy Thái cho rằng, phương án này được đông đảo văn nghệ sỹ thực sự trông mong, giúp xóa đi những sự phân biệt giữa nghệ sỹ sáng tác và nghệ sỹ biểu diễn trong đối tượng được xét tăng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, tạo động lực lớn cho sự sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sỹ, phù hợp với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa được tổ chức rất thành công và đầy ý nghĩa vừa qua.

Đại biểu nhấn mạnh, sự động viên, khích lệ, ghi nhận kịp thời của Đảng, Nhà nước sẽ là nguồn động lực lớn lao để những người nghệ sỹ tiếp tục miệt mài lao động, tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn, góp phần vào nền văn hóa đậm đà bản sắc của nước nhà.

09h27: Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Cân nhắc thẩm quyền xét khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương

Phát biểu tranh luận, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát. Đại biểu nêu rõ, từ quy định về điều kiện thời xét tặng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang, đại biểu cho rằng điều kiện chỉ cần 1 năm để xét tặng cho thanh niên xung phong có được thành tích trong kháng chiến là phù hợp.

Về thẩm quyền đề nghị khen thưởng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ địa phương quy định tại khoản 3 Điều 83 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng quy định này không khả thi. Đại biểu Dương Văn Phước nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét và tặng khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách của trung ương. Tại địa phương, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng hoạt động  theo yêu cầu, theo nội dung, theo chỉ đạo và nhiệm vụ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công. Theo đại biểu chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thể theo dõi đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thực hiện nhiệm vụ như thế nào.

Do đó nếu quy định thẩm quyền đề nghị khen thưởng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do địa phương thì lãnh đạo địa phương lại không nắm được hoạt động của các đại biểu chuyên trách. Quy định này cũng chưa rõ về chủ thể trình xét khen thưởng. Từ những phân tích trên đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội khen thưởng đại biểu Quốc hội chuyên trách địa phương.

09h24: Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cần bổ sung nguyên tắc không tặng nhiều danh hiệu thi đua cho một thành tích trong một phong trào thi đua

Thống nhất rất cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Mai Văn Hải ghi nhận, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu một cách đầy đủ  các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Đề cập về nguyên tắc thi đua, khen thưởng đã được quy định tại Điều 5, cho rằng nguyên tắc về thi đua chưa đề cập đến danh hiệu thi đua, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc về danh hiệu thi đua: Đó là danh hiệu thi đua có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng và không tặng nhiều danh hiệu thi đua cho một thành tích trong một phong trào thi đua.

Liên quan đến quy định về danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu, đại biểu đề nghị cần cân nhắc lại quy định giao thẩm quyền cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định chi tiết điều này. Đại biểu cho rằng, việc xây dựng xã, phường, thị trấn tiêu biểu gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, Chính phủ đã có những quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn, về trình tự, thủ tục công nhận. Điều này rất thuận lợi cho vấn đề triển khai tổ chức, thực hiện đúng như đánh giá, công nhận danh hiệu.

Vì vậy, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định những tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng, xét công nhận xã, phường, thị trấn tiêu biểu, trong đó còn những tiêu chí nào mà mang tính đặc thù của các địa phương thì giao cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định.

09h17: Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tạo động lực cống hiến cho nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật

Phát biểu góp ý tại hội trường, dại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình ra Quốc hội lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội; nhiều nội dung cũng đã được Báo cáo tiếp thu, giải trình làm rõ.

Góp ý cụ thể về nội dung liên quan đến danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp bày tỏ ủng hộ quy định mở rộng đối tượng xét tặng. Theo đó, danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” sẽ được xét tặng cho cả cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Nhấn mạnh “Nghệ sĩ ưu tú” và “Nghệ sĩ nhân dân” là những danh hiệu cao quý.

Đại biểu cho rằng, việc thêm một đối tượng, thêm một lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu này sẽ tạo thêm động lực cho những nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.

09h12: Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Đảm bảo bao quát hết các đối tượng được khen thưởng

Cho ý kiến về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám nêu rõ, tại các phiên thảo luận về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh lần sửa đổi này phải đảm bảo bao quát hết các đối tượng được khen thưởng. Tư tưởng đó được thể hiện tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 về Nguyên tắc thi đua, khen thưởng đó là chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân trực tiếp lao động sản xuất kinh doanh.Tuy nhiên, khi quy định các hình thức khen thưởng như lập Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì dự thảo Luật chưa bao quát hết các đối tượng là người trực tiếp lao động sản kinh doanh.

Cụ thể tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 42, 43, 44 và Điều 72 mới chỉ quy định tặng cho công nhân, nông nhân, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân mà lại không có đối tượng là những người trực tiếp sản xuất kinh doanh khác. Theo đại biểu, những người sản xuất kinh doanh khác, ví dụ như những tiểu thương, tiểu chủ là những người buôn bán nhỏ…họ không phải là công nhân, họ cũng không phải là nông dân mà họ cũng thuộc là doanh nhân, họ thuộc nhóm là những người lao động khác. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật các đối tượng “những người lao động khác” để bao quát hết các đối tượng. 

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ rõ, Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng có một điểm rất quan trọng đó là: “Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được tuyên truyền nêu gương, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương.” Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm rõ được việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này vào trong dự thảo Luật để đảm bảo đầy đủ thể chế đầy đủ.

09h08 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Cụ thể các tiêu chí, danh hiệu thi đua

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng việc quy định các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua, bộ ban ngành tỉnh, Chiến sĩ thi đua cơ sở có tính tiếp nối, kế thừa khen từ thấp đến cao có quy định về tỷ lệ khen thưởng đã tạo cho thi đua mang tính hình thức, phong trào. Tập thể xây dựng lộ trình khen thưởng cá nhân, có sự nhường nhau để theo đuổi đạt được danh hiệu thi đua cao hơn. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định một cách cụ thể về các tiêu chí, danh hiệu thi đua, khắc phục hạn chế mang tính chất gối đầu này.

Về danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường thị trấn tiêu biểu, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí khung và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương dựa trên các tiêu chí khung để đảm bảo tính thống nhất.

Về Điều 66 dự thảo Luật quy định về danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, đại biểu đồng tình với phương án xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Tuy nhiên, đối với nhà văn, kiến trúc sư, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm cho phù hợp và tạo sự đồng thuận cao.

Về quy định người có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trực tiếp trao tặng hoặc uỷ quyền trao tặng; người đứng đầu cơ quan làm công tác thi đua khen thưởng có trách nhiệm phát hiện cá nhân tập thể có thành tích xuất sắc tiêu biểu để đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng tại Khoản 1 Điều 82 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát xem xét quy định cụ thể người ủy quyền trao tặng và người đứng đầu cơ quan làm công tác thi đua khen thưởng được quy định.

09h05: Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Cần có danh hiệu gia đình tiêu biểu để khuyến khích phong trào thi đua

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Quang Minh bày tỏ đồng tình với dự thảo Luật thi đua, khen thưởng sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý tại Kỳ họp thứ hai. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ quan tâm tới danh hiệu gia đình văn hoá, xã tiêu biểu va huy chương thanh niên xung phong vẻ vang.

Về danh hiệu gia đình văn hóa, đại biểu cho rằng danh hiệu này đã được thực hiện nhiều năm nay, 4 năm gần đây được thực hiện theo Nghị định 122 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố của văn hóa. Có thể thấy rằng, danh hiệu này khá phổ biến đối với từng gia đình, bình quân hằng năm có địa phương trên 80 % gia đình văn hóa và chinh 95 %. Nếu tiếp tục thực hiện danh hiệu này và chỉ dừng lại ở đây, không có danh hiệu cho gia đình tiêu biểu thì rất khó để tìm được hạt nhân điển hình, tạo phong trào thi đua.

Theo đại biểu, trong dự thảo Luật chủ yếu đề cập đến nội dung "khen thưởng" chứ ít về nội dung "thi đua". Bên cạnh đó, nếu chỉ dừng lại nhiều gia đình văn hóa và thực hiện bình xét theo các tiêu chuẩn của Nghị định 122 thì ý nghĩa của gia đình văn hóa đối với hộ gia đình sẽ kém ý nghĩa dần và cũng bớt đi sự trân trọng với danh hiệu này. Bởi hầu như gia đình nào cũng đạt, do đó nên có danh hiệu gia đình tiêu biểu để khuyến khích phong trào thi đua của cá nhân, hộ gia đình, địa phương, nhất là trên địa bàn khu dân cư. 

Đối với danh hiệu xã tiêu biểu, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị phải có tiêu chuẩn cứng, đó là phải là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hoặc nâng cao.

Còn đối với những vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa nói chung là xã đạt chuẩn nông thôn mới, cùng với đó giao cho UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hợp lý, phù hợp với từng địa phương. Điều này góp phần quan trọng đối với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

09h01: Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Đề nghị mở rộng đối tượng được trao danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”

Cơ bản đồng thuận với dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Văn Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng vẫn cần sửa đổi, bổ sung một số điểm để dự án Luật được hoàn thiện hơn nữa, đảm bảo chất lượng cao.

Theo đại biểu, quy định công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và “Đơn vị quyết thắng” là chưa phù hợp, không đảm bảo được tiêu chuẩn không khen thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được. Do vậy, đại biểu đề xuất giữ nguyên quy định khen thưởng như trong luật hiện hành.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị mở rộng đối tượng được trao danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”. Theo đó, danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” được xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Bởi việc mở rộng đối tượng trao danh hiệu sẽ thể hiện rõ sự quan tâm, khích lệ, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những người lao động nghệ thuật.

08h55 Đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Xét phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đối với kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, soạn giả sân khấu

Bày tỏ đồng thuận với việc xét danh hiệu thi đua đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh và soạn giả của lĩnh vực sân khấu là đối tượng để xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú được quy định tại khoản 1 Điều 66 của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị Ban soạn thảo cần đưa vào trong Luật danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân, Kiến trúc sư ưu tú hoặc phong tặng là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo.

Đại biểu lý giải mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật, nhất là công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa.

Ngoài ra, trong lĩnh vực văn học, có những tác phẩm đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò quan trọng vào việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, giáo dục chân-thiện-mỹ cho Nhân dân. Do đó, nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, họ cũng nên là đối tượng được xem xét phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hoặc là nhà văn nhân dân, nhà văn ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.

08h53: Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các khái niệm bảo đảm cụ thể

Đại biểu Lưu Bá Mạc bày tỏ sự tán thành đối với dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) lần này. Cho biết, cơ quan soạn thảo đã rất công phu, khoa học và trách nhiệm trong công tác chuẩn bị và chỉnh lý dự thảo, đại biểu cho rằng, nội dung dự thảo Luật lần này có chất lượng chặt chẽ hơn nhiều so với dự thảo Luật lần trước.

Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa nội dung hai khái niệm “sáng kiến”. Một khái niệm “sáng kiến” vừa được bổ sung tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật và một khái niệm “sáng kiến” đã được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 13 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều động sáng kiến. Đại biểu cho rằng, hiện nay khái niệm như dự thảo Luật lần này đã không yêu cầu tính mới của sáng kiến, nghĩa là nội hàm đã rộng hơn. Đối với sự khác nhau này thì theo quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật, sau này sẽ phải áp dụng quy định về “sáng kiến” như dự thảo luật lần này. Khi đó sẽ phải thực hiện sự sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có liên quan, cụ thể như Nghị định 13 năm 2012 của Chính phủ và Thông tư số 18 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật khác ở địa phương. Trong khi đó, cho đến nay, các quy định hiện hành về sáng kiến vẫn còn tính ổn định và chưa phát sinh bất cập đến mức cần phải sửa đổi.

Ngoài ra, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chỉnh lý và sử dụng thống nhất cụm từ “có khả năng nhân rộng” tại điểm b Khoản 1 trong cả hai Điều 21, 22 của dự thảo Luật về danh hiệu các chiến sỹ thi đua. Đại biểu lí giải, theo Báo cáo số 225 của UBTVQH và tại dự thảo Luật lần này, cụm từ “có khả năng nhân rộng” đã được sử dụng thay cho cụm từ “có phạm vi ảnh hưởng” như tại khoản 2 của cả hai Điều 21, 22. Do đó, đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất như vậy đối với nội dung liên quan tài khoản 1 của cả hai Điều 21, 22 của dự thảo Luật này.

08h50: Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Đề xuất quy định phong hạng đối với Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang

Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh bày tỏ đồng tình cao với các quan điểm xây dựng Luật; và các nội dung của Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo hạn chế thấp nhất những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện, nhất là đối với những nội dung mới trong dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình đối với việc xét tặng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang, tuy nhiên dự thảo luật cần xem xét quy định về thời gian 2 năm liên tục trong điều kiện xét tặng.

Đại biểu cho rằng, nếu như giữ nguyên quy định như trong dự thảo Luật thì sẽ có một số trường hợp không tương thích, một số trường hợp cống hiến, đã có thành tích xứng đáng được tôn vinh, được nêu gương thanh niên xung phong nhưng không đủ điều kiện thời gian để xét khen thưởng ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cái quan điểm thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó trong công tác thi đua, khen thưởng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về phong hạng trong tặng thưởng Huy chương chương thanh niên xung phong vẻ vang để đảm bảo tính công bằng, tránh dàn trải trong công tác khen thưởng.

08h48: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu điều hành phiên thảo luận Điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) gồm 8 Chương, 96 Điều, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 2 đã có 302 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Dự thảo Luật đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, thẩm tra và cơ quan trình. Báo cáo của Ủy ban Xã hội đã nêu 12 nội dung lớn, 4 nhóm vấn đề cụ thể còn có ý kiến khác nhau và một số vấn đề khác.

Để có cơ sở tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận cho ý kiến về các vấn đề này.

8h31: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn chung đạt danh hiệu Xã, Phường, Thị trấn tiêu biểu nhằm bảo đảm tính phổ quát chung nhất, thể hiện tại khoản 1 Điều 29 của dự thảo Luật.

Vấn đề khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: ngày 29/3/2022, Bộ Chính trị đã có Kết luận về khen thưởng thành tích kháng chiến (tại Thông báo số 11-TB/TW). Thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị, khoản 1 Điều 96 của dự thảo Luật đã quy định như sau: “Nhà nước tiếp tục xem xét, thực hiện, hoàn thành khen thưởng thành tích kháng chiến trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đối với những cá nhân, tập thể, gia đình đủ điều kiện, tiêu chuẩn”. Đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định này.

Về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc như thể hiện tại khoản 2 Điều 96 của dự thảo Luật. Đồng thời, Chính phủ cần lưu ý rà soát đối tượng Thanh niên xung phong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, quy định chặt chẽ để bảo đảm ý nghĩa của hình thức khen thưởng này khi thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 3 của Điều 96.

Liên quan đến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 02 phương án về Điều 66 để đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến: Phương án 1: Bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” tại Điều 66; Phương án 2: Giữ như quy định của Luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án 1 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đề cập về vấn đề xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng (Điều 93), để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể được khen thưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý Điều 93 của dự thảo Luật theo hướng: (1) Bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng; (2) Quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước và (3) Chỉnh lý quy định cụ thể về nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.

Về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Điều 88), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng. Đồng thời, theo quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và một số Luật có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội; quy định việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội quy định về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như thể hiện tại Điều 88 của dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 96 điều, ít hơn 02 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, trong đó, bổ sung 01 điều, bãi bỏ 03 điều. Đồng thời, bố cục của một số chương, mục trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý để bảo đảm hợp lý, rõ ràng, dễ theo dõi hơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật có 08 nhóm điểm mới.

                                                                                                                             Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=65067

 

 

 

 

 
Ý kiến của bạn