Từ ngày 23 - 25/6 tại tỉnh Thanh Hóa, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức đợt II lớp tập huấn, bồi dưỡng "Đạo đức công vụ và văn hóa công sở" đối với công chức của Ban năm 2022.
Đồng chí Bùi Quang Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh: Công chức, viên chức thực hiện tốt đạo đức công vụ, luôn đặt yếu tố vì Nhân dân lên hàng đầu trong hoạt động nghề nghiệp của mình sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp của nền công vụ đối với Nhân dân, qua đó sẽ đóng góp tích cực vào việc củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương khai mạc lớp tập huấn
Để lớp tập huấn đạt kết quả tốt, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen ưởng Phan Văn Hùng đề nghị các học viên cần tập trung học tập với tinh thần nghiêm túc, tiếp thu và cầu thị nắm bắt những kiến thức cần thiết để hoàn thiện và nâng cao đạo đức công vụ với lòng yêu nghề, tinh thần tận tụy với công việc; nâng cao thái độ tôn trọng nhân dân, tận tâm phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong hoạt động công vụ.
TS. Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ tại lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, TS. Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã trình bày các nội dung về đạo đức công vụ và văn hóa công sở. Về đạo đức công vụ: Hiện nay nước ta chưa có luật riêng về đạo đức công vụ, tuy nhiên các quy phạm pháp luật về đạo đức công vụ đã được Nhà nước ban hành lồng ghép trong nhiều văn bản khác nhau như Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi năm 2019), Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi năm 2019), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018… và các văn bản quy phạm pháp luật khác, như: Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng… Tổng hợp các văn bản pháp luật nói trên có thể thấy, hiện nay pháp luật về đạo đức công vụ ở nước ta quy định hai nội dung chính: những chuẩn mực đạo đức chung; các hành vi bị cấm trong hoạt động công vụ.
Về các chuẩn mực chung, pháp luật quy định người thực thi công vụ phải: Thứ nhất, tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân; thứ hai, đối xử khách quan, công bằng với mọi người dân; thứ ba, bảo vệ danh dự và lợi ích quốc gia, giữ bí mật trong hoạt động công vụ; thứ tư, không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quy định những điều đảng viên không được làm và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Về các hành vi bị cấm trong hoạt động công vụ, người thực thi công vụ không được thực hiện các hành vi sau: Thứ nhất, trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; thứ hai là, sử dụng tài sản của Nhà nước và Nhân dân trái pháp luật; thứ ba, lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi; thứ tư, nhận quà tặng không đúng quy định.
Trong chương trình tập huấn, các học viên đã tham gia nghiên cứu thực tế tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa và trụ sở Ủy ban nhân dân phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa...
Một số hình ảnh nghiên cứu thực tế:
PV