Nắm bắt thời cơ, đưa đặc sản quê hương vươn ra biển lớn

 26 lượt xem
(BTĐKT) - Ngày 8/12/2020, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư về xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc. Sự kiện này đã mở ra cơ hội bứt phá cho loại “cây trăm tỷ” thạch đen tại các tỉnh biên giới phía Bắc, nhất là Lạng Sơn. Nắm bắt ngay cơ hội lớn ấy, ngay từ giữa tháng 12/2020, Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Xuất nhập khẩu Đức Quý (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) đã xuất lô hàng chính ngạch đầu tiên 1.000 tấn bột thạch đen sang Trung Quốc. 

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ấn tượng với cách làm việc chuyên nghiệp của doanh nghiệp

Cây thạch đen từ lâu đã được người dân huyện Tràng Định bón trồng, thu hoạch. Nhưng kể từ khi Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Xuất nhập khẩu Đức Quý (Công ty Đức Quý) tiến hành thu mua cây thạch đen và xây dựng nhà máy chế biến, thì loại cây giảm nghèo này mới bắt đầu vươn ra biển lớn, hướng tới những thị trường xuất khẩu rộng lớn...

Là người luôn tâm huyết đau đáu với cây thạch đen, ông Hà Viết Quý, Giám đốc Công ty tâm sự: “Nhận thấy sau bao công sức, vất vả khó nhọc mà bà con không bán được thạch, điều này đã nhen nhóm lên trong tôi một điều rằng cần phải làm gì đó để giúp đỡ bà con trong vùng có đầu ra sản phẩm và giá cả ổn định, không để thương lái ép giá. Với ý nghĩ đó, tôi đã đi rất nhiều nước tham khảo tìm hiểu và sau đó trở về mạnh dạn xây dựng Nhà máy chế biến bột thạch. Tôi mong muốn có nhiều thị trường để phát triển sản xuất bột thạch, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”.

Cây thạch đen là loại cây thân thảo thấp, chiều cao trung bình từ 40 - 60cm, có thể dùng thân và lá để nấu ra thạch để ăn, giải khát. Cây thạch đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được trồng tập trung chủ yếu tại 3 huyện Tràng Định, Bình Gia và Văn Lãng.

Diện tích cây thạch đen hàng năm vào khoảng 2.000 ha, với sản lượng đạt hơn 10.000 tấn, cho giá trị 200 – 250 tỷ đồng. Tràng Định là địa phương có diện tích trồng lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn với 1.385 ha, với sản lượng hơn 7.000 tấn mỗi năm.

Trong những ngày đầu khởi nghiệp, Công ty Đức Quý cũng gặp phải những khó khăn, thử thách không nhỏ. Năm 2018, việc xuất bán cây thạch đen cơ bản rất khó khăn bởi Trung Quốc không cho phép nhập hàng hóa chưa áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản. Vì vậy, cây thạch đen của nông dân trồng ra không có đầu ra tiêu thụ.

Ông Quý đã phải lặn lội sang tận Trung Quốc, Ấn Độ… để tìm đầu ra cho sản phẩm. Bỏ ra biết bao nhiêu công sức, cuối cùng ông cũng được đền đáp. Sau khi đánh giá thị trường, nhận thấy nhu cầu sử dụng bột thạch ở các nước rất cao, ông Quý đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để tiêu thụ bột thạch. Về nước, ông quyết định lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại để sản xuất, chế biến bột thạch đen.

Đến cuối năm 2019, công ty của ông Quý đã hoàn thiện lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại với trị giá 23 tỷ, với diện tích nhà xưởng trên 5.000 m2. Mỗi ngày, Công ty Đức Quý thu mua ít nhất 2 tấn thạch đen khô của người dân. Sau khi chế biến thành sản phẩm thạch đen, công ty xuất bán sang các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia…

Vượt khó trong cơn bão đại dịch COVID-19, Công ty Đức Quý không những đứng vững mà còn liên tục đạt được thành công mới. Đơn hàng của công ty có xu hướng gia tăng do nhu cầu bột thạch đen của các nước ngày càng cao. Công ty đã trang bị thêm nồi nấu, hoạt động 24/24 giờ, năng suất thu mua cây thạch tăng lên đạt 4 tấn/ngày, nghĩa là gấp đôi so với khoảng thời gian trước. Nhờ áp dụng dây chuyền hiện đại, hiện nay, sản lượng sản phẩm của công ty làm ra thậm chí còn không đáp ứng kịp cho thị trường các nước vì nhu cầu quá lớn.

Nhờ chiến lược kinh doanh và thâm nhập thị trường hiệu quả, mỗi tháng, Công ty Đức Quý đạt doanh thu 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 30 lao động chính thức và 15 lao động thời vụ với thu nhập ổn định từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Những mô hình như Công ty Đức Quý cần phải được nhân rộng, tạo điều kiện phát triển tối đa, vừa để giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, vừa giúp quảng bá giá trị sản phẩm thạch đen Tràng Định, Lạng Sơn.

                                                                                                                                    Tố Quyên

 
Ý kiến của bạn