Đưa thương hiệu thạch đen xứ Lạng vươn xa

 55 lượt xem
(BTĐKT) - Được người dân huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) vun trồng, thu hoạch từ lâu, tuy nhiên, cây tràng đen chỉ thực sự vươn ra biển lớn, hướng tới thị trường quốc tế từ khi Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu (XNK) Đức Quý tiến hành thu mua và xây dựng nhà máy chế biến thạch đen tại địa phương. Không chỉ giúp người dân thay đổi phương thức canh tác, sản xuất mà Công ty còn tạo thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân. 

Giám đốc Hà Viết Quý giới thiệu các sản phẩm của công ty

Huyện Tràng Định có trên 1.200 ha thạch đen. Những năm qua, người dân chủ yếu trồng cây thạch theo cách làm truyền thống, sản phẩm chủ yếu được xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc nên rất bấp bênh.

Để thạch đen có đầu ra ổn định, cũng như góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thạch đen, đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện Tràng Định đã và đang triển khai nhiều biện pháp như: Triển khai mô hình tại 7 xã vùng trồng thạch gồm: Kim Đồng, Tân Tiến, Vĩnh Tiến, Cao Minh, Đoàn Kết, Khánh Long, Chí Minh với diện tích 14 ha; làm bao bì, tem nhãn sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thạch ăn và cây thạch đen cho hội viên Hội Sản xuất và Kinh doanh Thạch đen của huyện…

Bằng bản lĩnh, sự năng động, nhạy bén với thị trường, cùng ý chí quyết tâm, dám nghĩ dám làm, từ cuối năm 2019, Công ty Đức Quý đầu tư 23 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất bột thạch khô tại thôn Khuổi Só, xã Kim Đồng, đầu ra của bà con đã được giải quyết. Trung bình mỗi ngày công ty thu mua cây thạch từ người dân khoảng 2 tấn. Đến nay, Công ty đã thu mua trên 700 tấn thạch của bà con địa phương và sản xuất gần 800 tấn bột thạch xuất khẩu.

Cây sương sáo, sau khi được thu hoạch, phơi khô sẽ được rửa sạch bằng máy qua hệ thống nước sạch, sau đó tách cho thân, lá vào nồi, nấu bằng hơi nóng, chiết xuất trương thạch. Chiết xuất trương thạch từ lò nấu, thông qua lò hơi và lò luyện cùng với nguyên lý tạo thành tinh bột thạch, theo băng truyền qua sấy khô rồi nghiền thành sản phẩm tinh bột thạch. Từ đó, tùy vào yêu cầu về hàm lượng, thành phần, phụ gia của đối tác, bột thạch đen sẽ được hòa trộn theo tỷ lệ. Trải qua công đoạn tách máy, sản phẩm sẽ được đưa ra ngoài và đóng gói hai lớp (PP và PE); lớp trong túi nilon chống ẩm ướt, lớp ngoài chịu va chạm chống ẩm ướt. Bên ngoài in tên công ty trên bao bì, địa chỉ, thành phần, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đồng thời có tem truy xuất nguồn gốc; phù hợp quy định pháp luật Nhà nước.

Ông Hà Viết Quý, Giám đốc Công ty cho biết, thạch đen được chế biến thành 4 dạng bột thạch là thạch 25, thạch 30, thạch Kim Qui và bột thạch dùng trong y học. Trung bình 1 kg bột thạch có giá từ 100 - 200 nghìn đồng.

Hiện, sản phẩm bột thạch Đức Quý đang được xuất khẩu đi các thị trường như: Trung Quốc, Malaisia, Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông.

Các sản phẩm nguyên liệu thạch đen mang thương hiệu Đức Quý đã nhanh chóng được người tiêu dùng và nhiều đối tác tin tưởng đón nhận. Không chỉ sản phẩm bột thạch đen, công ty còn cung cấp giống cây thạch đen và cây thạch đen khô làm dược liệu cho các cơ sở đông y.

Thời gian tới, Công ty mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tiêu thụ thạch đen cho người dân được nhiều hơn, đồng thời tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của huyện Tràng Định.

                                                                                                                                     Tố Quyên

 
Ý kiến của bạn