Hội thi “Thanh niên giỏi nghề nông” tỉnh Bình Phước năm 2011, do Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức với sự tham gia của các đội đến từ 10 huyện, thị đoàn trong tỉnh, vừa diễn ra thành công. Hội thi đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với đông đảo đoàn viên thanh niên.
Trưởng ban Dân vận tỉnh ủy Trịnh Thị Nga và Bí thư tỉnh Đoàn Tôn Ngọc Hạnh trao giải toàn đoàn cho các đội.
Những kiến thức tiếp nhận được từ hội thi sẽ là bài học thiết thực vô cùng quý giá, tạo động lực giúp thanh niên phát huy khả năng sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
Điểm đặc biệt của hội thi năm nay là ở phần tự giới thiệu, các đội phải trả lời bằng thơ, ca, hò, vè, hoạt cảnh... với nội dung giới thiệu về phong trào thanh niên xung kích phát triển kinh tế tại đơn vị và giới thiệu những mô hình sản xuất - kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả tại địa phương.
Theo đánh giá của ban tổ chức, các thí sinh dự thi đã thể hiện được tài năng, bản lĩnh của những nhà nông, chủ trang trại trẻ. Họ không chỉ sản xuất - kinh doanh giỏi mà còn hiểu biết sâu rộng về kiến thức nông nghiệp và kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc. Điều đó cho thấy, phong trào thanh niên nông thôn thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi đã có nhiều khởi sắc và gắn bó mật thiết với thanh niên. Các cấp đoàn - hội đã trở thành người bạn đồng hành với thanh niên nông thôn trong khởi nghiệp và khối đại đoàn kết trong thanh niên ngày càng rộng mở. Thanh niên nông thôn đã chủ động, sáng tạo trong học nghề, sản xuất - kinh doanh và có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng vụ cũng như đa dạng hóa ngành nghề, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Anh Mai Xuân Tuân, Ủy viên thường vụ thị Đoàn Bình Long, phụ trách hội liên hiệp thanh niên thị xã, nhận xét: Hầu hết các bạn dự thi đều xứng đáng là những thanh niên sản xuất giỏi. Hội thi đã giúp các bạn trẻ có cơ hội được thể hiện vai trò, trách nhiệm của bản thân trong xây dựng kinh tế gia đình, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, đồng thời khơi dậy ý chí cũng như tinh thần lao động sản xuất của thanh niên. Đây còn là sân chơi bổ ích, góp phần gắn kết thanh niên trong tỉnh với nhau, tạo điều kiện cho thanh niên được tiếp cận, trao đổi và học hỏi những mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất của bản thân và hướng dẫn cho mọi người làm theo.
Là thanh niên nông thôn sản xuất giỏi nhiều năm liền và đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của (giải thưởng của Trung ương Đoàn dành cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc), anh Điểu Hải, Bí thư chi đoàn thôn 1, xã Đoàn Kết (Bù Đăng), cho biết: Muốn vườn cây đạt năng suất cao thì cần cù chưa đủ. Ngoài việc sử dụng những kinh nghiệm truyền thống còn phải biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Vì vậy, mình thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi do Huyện đoàn phối hợp với ngành chức năng tổ chức; tìm hiểu trên sách, báo, tivi, Internet... Học tập các mô hình sản xuất hay trên địa bàn để áp dụng vào sản xuất của gia đình. Trong quá trình sản xuất phải ghi nhớ những gì đã thực hiện để có hướng giải quyết tốt hơn khi gặp vướng mắc và tự rút kinh nghiệm cho lần sau. Đối với hội thi, không chỉ có cơ hội được khẳng định bản thân mà còn được trao đổi, học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ bạn bè.
Tại lễ tuyên dương thanh niên nông thôn sản xuất giỏi và trao giải hội thi, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Võ Đình Tuyến yêu cầu: Cán bộ đoàn và hội liên hiệp thanh niên các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm để nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong thanh niên nông thôn; tích cực hỗ trợ và tổ chức cho thanh niên thi đua phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tham gia chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Từ đó, tạo môi trường bồi dưỡng, đào tạo nguồn lực trẻ, hình thành lớp thanh niên mới có kiến thức, tay nghề và năng lực quản lý kinh tế, thích nghi với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.