BTĐKT - Năm 2023, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI. Nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức đóng chân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với những quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị (khoá XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với thực hiện có hiệu quả việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để công tác thi đua, khen thưởng thật sự là động lực, biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng tỉnh Bình Phước phát triển toàn diện, vững chắc.
Thứ hai, tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, gắn phong trào thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023 và thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh và đất nước. Phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 của tỉnh đã được HĐND tỉnh khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 09/12/2022, cụ thể: Thu ngân sách: 16.130 tỷ đồng; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 93,2 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 35.000 tỷ đồng; giảm 2.000 hộ nghèo (tương ứng với giảm 0,7% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới), trong đó giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (tương ứng 2% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm là 7 xã.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động, cụ thể: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức, xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025; phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025; phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025; phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” và các phong trào thi đua do tỉnh phát động như: Phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025”; phong trào “Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công” năm 2023; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và các phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng...; các phong trào thi đua cần xây dựng các nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, rõ ràng, dễ kiểm tra, giám sát, huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân.
Thứ ba, đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện có hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng; tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là thực hiện các giải pháp cải thiện các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh; tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về chuyển đổi số, trong đó, tập trung xây dựng Chính quyền số để quản lý, định hướng, hỗ trợ kinh tế số, xã hội số phát triển, hướng tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ tư, tổ chức triển khai Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Tập trung rà soát, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện, tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thứ năm, thực hiện có hiệu quả Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025” theo Quyết định số 1526/QĐ-TTg ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong từng năm và giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 2514/QĐ-UBND ngày 27/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước. Thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, phát hiện các điển hình tiên tiến để tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, nhân rộng, đảm bảo bám sát cơ sở, phát hiện và tôn vinh kịp thời.
Thứ sáu, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng. Quan tâm củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo ổn định, có tính kế thừa và được bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng tham mưu thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Thứ bảy, tiếp tục đổi mới công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương; quan tâm phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng và đề nghị khen thưởng đảm bảo đúng đối tượng, đánh giá đúng thành tích, được dư luận xã hội đồng tình, tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua, trong đó chú trọng khen thưởng đột xuất, khen thưởng cho cơ sở, các tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, người dân có nhiều sáng tạo trong công tác, chiến đấu, lao động, sản xuất.
Thứ tám, đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; trưởng các cụm, khối thi đua trong việc tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng và trong quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.
Thứ chín, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua tại đơn vị trên tinh thần cụ thể hóa những nội dung của Chỉ thị. Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và biểu dương khen thưởng kịp thời để động viên các nhân tố mới, những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Ban TĐKT tỉnh Bình Phước