Bông hoa đẹp của ngành Giáo dục

 421 lượt xem
 

BTĐKT - Một nhà giáo mẫu mực, đáng kính, luôn nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng là những cảm nhận của bất kỳ ai khi có cơ hội được tiếp xúc làm việc với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại. Hơn 3 thập kỷ gắn bó với nghề “trồng người”, cô không ngừng đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý nhà trường. Cô là hạt nhân đoàn kết, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng. Cô có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Trường Đại học Thương mại trở thành tập thể đoàn kết, vững mạnh; là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người giáo viên nhân dân.

Vượt qua mọi hoàn cảnh, tâm huyết, tận tụy với nghề

Với cô Nguyễn Thị Bích Loan, đến và gắn bó với nghề giáo đó chính là mối nhân duyên trời định. Cô chia sẻ, bản thân vốn là sinh viên khoa Kinh tế của Trường Đại học Thương mại khóa 21 (1984 - 1989). Vì xuất sắc tốt nghiệp thủ khoa, cô vinh dự được giữ lại trường làm giảng viên. Nhưng thời điểm đó “đứng lớp” không phải là mục tiêu của cô; mà cô quyết định ở lại trường để nắm bắt cơ hội được sang Nga làm nghiên cứu sinh, thỏa đam mê nghiên cứu, nâng cao kiến thức học thuật của bản thân.

Tuy nhiên, không như dự định ban đầu, lúc đó, nền chính trị của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu không ổn định, khiến mong mỏi được học tập tu dưỡng ở nước ngoài của cô gái trẻ phải tạm gác lại và bắt đầu với công việc của một giảng viên thử việc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại

Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, cô Loan chia sẻ: Lúc đó, cũng như các trường đại học khác trên cả nước, trường Đại học Thương mại còn rất nhiều khó khăn. Quy mô tuyển sinh hàng năm ít, mỗi một khóa, một khoa chỉ có từ 1 - 2 lớp nên giờ giảng không nhiều, do đó lương giảng viên rất thấp. Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa lựa chọn đầu quân vào các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan Bộ Thương mại, Sở Công thương… cô Loan vẫn kiên quyết bám trụ lại trường để nuôi ước mơ du học.

Để có thêm cơ hội rèn luyện ngoại ngữ đồng thời tăng phí trang trải cuộc sống, cô chủ động nhận đi dạy thêm tiếng Anh ngoài giờ tại các trung tâm ngoại ngữ. Chân trong, chân ngoài đều đứng lớp. Càng đứng lớp giảng bài, tình yêu nghề cứ tự nhiên ngấm sâu và lớn dần lên trong cô lúc nào không hay.

“Mỗi lần bước lên giảng đường, tôi cảm thấy hạnh phúc thực sự, mọi bực dọc trong cuộc sống, lo toan đời thường bỗng quên hết. Nhìn ánh mắt của các học sinh, sinh viên chăm chú lắng nghe và nhìn mình, tôi cảm thấy giá trị thực sự của người truyền đạt tri thức. Mỗi ngày tôi chỉ nghĩ đến bài giảng của mình, xem thực tế cuộc sống hôm nay, hôm qua có gì để lượm nhặt mang vào trong bài giảng cho sinh viên thêm phần sinh động, thiết thực và dễ hiểu nhất” – cô Loan chia sẻ.

Với bản tính ham học hỏi, năm 1993, khi Trường Đại học Thương mại vừa mở lớp nghiên cứu sinh, cô Loan nhanh chóng nắm bắt cơ hội nâng cao kiến thức học thuật để phục vụ giảng dạy. Vừa làm, vừa miệt mài nghiên cứu, năm 1997, ở tuổi 30, cô Loan đã cầm trên tay tấm bằng Tiến sĩ Kinh tế. Đối tượng học viên mở rộng nhiều hơn, cả sinh viên và học viên cao học, vì thế thời gian giảng dạy của cô tăng lên mỗi ngày…

Càng dạy, càng say nghề, cô Loan càng đầu tư nhiều công sức để thiết kế các nội dung bài giảng có giá trị sáng tạo và hiệu quả cao, đa dạng các phương pháp giảng dạy, thu hút đông đảo học viên; tạo niềm tin, lòng kính trọng cũng như niềm hứng khởi mạnh mẽ trong lòng những người học.

Với sự tinh thần lao động hăng say, nghiên cứu, giảng dạy nghiêm túc và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo, cô nhanh chóng trưởng thành, từ một giảng viên trẻ, đến giảng viên chính và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2012. Ngay sau đó, cô được tín nhiệm giữ vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì

Tấm gương không ngừng học hỏi, nghiên cứu khoa học

Là một nhà giáo ưu tú, một cán bộ quản lý giáo dục, cô Loan không ngừng phấn đấu tu dưỡng theo các tiêu chuẩn đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo. Tiếp tục tham gia giảng dạy một số học phần liên quan đến lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh cho các trình độ đào tạo, nhất là các trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của trường.

Cô luôn gương mẫu đi đầu và chủ trì trong nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình, bài giảng và giảng dạy các học phần mới trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Thương mại.

Tiêu biểu như: Tham gia chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hiện hành của trường. Tham gia tổ chức xây dựng mới, nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện theo hướng tinh gọn, khoa học và hiện đại cho 36 chương trình đào tạo trình độ đại học (bao gồm chương trình chuẩn, chương trình chất lượng cao, chương trình đặc thù, chương trình định hướng nghề nghiệp), 6 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, 5 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ; sửa đổi Quy định quản lý đào tạo đại học, sau đại học phù hợp với các quy định hiện hành của Bộ và điều kiện cụ thể của trường.

Cô Loan tại Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Thương mại với các doanh nghiệp

Cô tham gia chỉ đạo thực hiện tốt hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và đơn vị tuyển dụng thông qua việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác; thường xuyên cập nhật, phát triển chương trình đào tạo; có kết nối với thị trường lao động trong xây dựng chương trình, chuẩn đầu ra. Thành công nhất của nhà trường thời gian qua là tiếp cận được với mô hình đào tạo tiên tiến CDIO nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế…

Bên cạnh đó, cô tham gia tích cực công tác nghiên cứu khoa học, thể hiện ở việc tham gia, chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, các dự án; biên soạn chương trình, giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo phục vụ giảng dạy; đề xuất các sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục; viết bài cho các tạp chí, hội thảo quốc gia, quốc tế… phù hợp với ngành, chuyên ngành và đáp ứng những nhu cầu bức thiết trong đổi mới, phát triển kinh tế đất nước.

33 năm công tác, cô đã có vài chục sáng kiến, đề tài các cấp, đề án nghiên cứu khoa học, văn bản quản lý được ứng dụng tại: Trường Đại học Thương mại (nghiên cứu bổ sung nội dung giảng dạy từ 2012 đến nay); Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ủy ban nhân dân các tỉnh: Yên Bái, Điện Biên, Sơn La (nghiên cứu vận dụng và phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm sản xuất khẩu).

Cô đã công bố được 107 bài báo khoa học, trong đó, từ năm 2012 đến nay, sau khi được danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, cô đã đăng 57 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, kỷ yếu hội thảo khoa quốc gia và quốc tế. Cô luôn tích cực tham gia hướng dẫn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học. Trung bình mỗi năm học, cô hướng dẫn 2 - 3 công trình nghiên cứu khoa học, 5 luận văn thạc sĩ, 1 - 2 luận án tiến sĩ. Phần lớn các luận văn của học viên do cô hướng dẫn đã bảo vệ thành công đều đạt loại giỏi.

Tấm gương sáng ngời về đạo đức, lối sống

Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Loan còn là tấm gương sáng ngời về đạo đức, lối sống. luôn nhiệt tình giúp đỡ, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trẻ, thường xuyên trao đổi học thuật và chuyên môn, lôi cuốn đồng nghiệp tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ.

Với cương vị là người lãnh đạo, là giảng viên lâu năm, cô luôn tạo điều kiện thuận lợi và động viên đồng nghiệp học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ thông qua việc tham gia chỉ đạo, tổ chức soạn thảo và ban hành các văn bản, chính sách hỗ trợ học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cho các giảng viên, nhất là giảng viên trẻ. Đến nay, nhiều giảng viên đã trưởng thành với học vị Tiến sĩ, học hàm Phó Giáo sư, hiện đang giữ các cương vị trưởng, phó khoa, bộ môn, phòng ban trong nhà trường.

Hàng năm, cô Loan hướng dẫn nghiên cứu sinh cho nhiều học viên đạt loại giỏi

Không chỉ với học viên, đồng nghiệp mà với các đối tác trong và ngoài ngành, các đối tác nước ngoài, cô luôn để lại cho họ sự nể trọng. Với tinh thần trách nhiệm cao, sự nghiêm túc trong công việc, tôn trọng đối tác, cô đã cùng các đồng nghiệp xây dựng uy tín cá nhân và thương hiệu cho nhà trường. Cô được nhiều trường đại học trên cả nước mời vào các Hội đồng nghiệm thu, đánh giá đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp Nhà nước; Hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ; được các trường mời viết bài tham luận và tham gia đồng chủ trì các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế.

Với những đóng góp quan trọng trong hơn 3 thập kỷ gắn bó với nghề giáo, cô được Đảng và Nhà nước ghi nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động các hạng Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Hội Nữ Trí thức Việt Nam…

Chứng kiến nữ nhà giáo luôn bận rộn với các công việc hàng ngày, giảng dạy, quản lý, nghiên cứu khoa học rồi công tác xã hội, có người hỏi liệu có khi nào cô cảm thấy quá áp lực, mệt mỏi với công việc của mình. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan nở cười hạnh phúc và tràn đầy lạc quan: “Không có niềm hạnh phúc nào hơn khi được vận dụng hết tri thức, mang trí thức ấy vào cuộc sống. Tôi chưa bao giờ áp lực vì sự lựa chọn của mình mà luôn tìm thấy niềm hứng khởi và động lực rất đỗi tự hào của người giáo viên nhân dân. Những bước trưởng thành của người học, sự phát triển của ngôi trường chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho những người thầy chúng tôi vượt qua mọi gian nan, vất vả, tiếp tục cống hiến hết tâm sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp trồng người”.

Mai Thảo - Hồng Thiết

 
Ý kiến của bạn