Chi bộ Phòng Tổ chức Cán bộ và Chi bộ Phòng Pháp chế - Thanh tra sinh hoạt chuyên đề tại tỉnh Sơn La

 370 lượt xem
 

BTĐKT - Từ ngày 10 - 11/3/2023, Chi bộ Phòng Tổ chức Cán bộ và Chi bộ Phòng Pháp chế - Thanh tra thuộc Đảng ủy Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý I/2023 tại tỉnh Sơn La.

Đoàn đã nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng tại các địa danh: Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu; Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, tại bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu; Di tích lịch sử nhà tù Sơn La tại phường Tô Hiệu, TP Sơn La.

639e09c7e7d23a8c63c3.jpg

8dfcaaa344b699e8c0a7.jpg

Đoàn tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến

f82af536b1226c7c3533.jpg

Đoàn thắp hương tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ đồn Mộc Lị

Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, là nơi lưu giữ kỷ vật về đoàn binh Tây Tiến tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). “Địa chỉ đỏ” này đang là nơi các đoàn đại biểu, cựu chiến binh, khách thăm và học sinh, sinh viên trên cả nước đến để tưởng nhớ, học hỏi, hiểu hơn về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, những hy sinh mất mát, ý chí kiên cường của các thế hệ đi trước.

6ce57f966689bbd7e298.jpg

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào

Di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào ở bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết hữu nghị hợp tác đặc biệt giữa hai tỉnh Sơn La - Hủa Phăn nói riêng và hai nước Việt - Lào nói chung. Đây cũng là nơi giới thiệu, tôn vinh những giá trị lịch sử to lớn, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, khẳng định tinh thần quốc tế cao cả và sự hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Lào, thể hiện tình đoàn kết bền vững giữa hai nước Việt Nam - Lào.

a688ceceb9d664883dc7.jpg

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La

Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La nằm giữa lòng phố núi Sơn La, đồi Khau Cả. Từ năm 1930 - 1945, thực dân Pháp đã đày lên Nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1.013 lượt tù nhân, trong đó có rất nhiều đồng chí là ủy viên trung ương, xứ ủy, thành ủy và nhiều cán bộ cốt cán của Đảng. Trực diện với tội ác của kẻ thù, hơn bao giờ hết, khí tiết của người cộng sản đã tỏa sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, góp phần rất lớn vào sự thành công của cuộc tổng khởi nghĩa tháng tám năm 1945. Nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại, đào tạo, bồi dưỡng cho Đảng và cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cộng sản xuất sắc, tiêu biểu như các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn và nhiều đồng chí trung kiên khác.

Trải qua thời gian, Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La mãi mãi là một bằng chứng vật chất có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về những tội ác dã man, tàn bạo của chế độ thực dân cũ đối với nhân dân Việt Nam. Đồng thời, di tích cũng khẳng định chủ nghĩa yêu nước chân chính, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam là nguồn sức mạnh tinh thần không bao giờ vơi cạn, tiếp sức cho các thế hệ nối tiếp trên con đường bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cây đào Tô Hiệu không những là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cộng sản tại Nhà tù Sơn La, mà còn là lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng mùa xuân của nhân loại, chủ nghĩa cộng sản sẽ ra hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam thân yêu.

Qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các đảng viên của hai chi bộ đã nâng cao nhận thức chính trị, tiếp tục không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện, noi gương các đồng chí lão thành, các anh hùng liệt sĩ, góp phần thực hiện thành công công tác của bộ, ngành Nội vụ, công tác thi đua, khen thưởng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phương Thanh

 
Ý kiến của bạn