BTĐKT – Ngày 30/3, tại Hà Nội, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức nghiệm thu chính thức đề tài khoa học cấp Bộ “Quản lý nhà nước về công tác thi đua trong giai đoạn hiện nay” do ThS. Bùi Quang Đức, Phó Trưởng phòng Phòng Pháp chế - Thanh tra, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm Chủ nhiệm.
Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài gồm 7 thành viên, do PGS. TS Văn Tất Thu, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Chủ tịch Hội đồng. Cùng dự buổi nghiệm thu, có đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số phòng, đơn vị thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
PGS. TS Văn Tất Thu, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì nghiệm thu đề tài
Quản lý nhà nước với công tác thi đua có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức thành công các phong trào thi đua yêu nước. Để từ đó có cơ sở khách quan, khoa học trong việc kịp thời khen thưởng đúng người, đúng việc mới làm cho phong trào thi đua phát triển và đạt hiệu quả, chất lượng cao, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển. Thực hiện tốt công tác thi đua sẽ phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, phát huy ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết của tập thể,của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
ThS. Bùi Quang Đức, Phó Trưởng phòng Phòng Pháp chế - Thanh tra, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài
Đề tài khoa học cấp Bộ “Quản lý nhà nước về công tác thi đua trong giai đoạn hiện nay” nghiên cứu, hệ thống hóa những thành tựu đã có trong nghiên cứu công tác thi đua ở nước ta.
Trước hết, từ tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng ta và từ các văn kiện Đảng, đề tài đã phân tích chỉ ra cơ sở lý luận và sự cần thiết của việc tăng cường quản lý nhà nước về thi đua. Đề tài tập trung vào nội dung thi đua là chủ yếu, song thi đua và khen thưởng là hai vấn đề có mối quan hệ gắn bó, biện chứng với sự tác động qua lại lẫn nhau rất sinh động trong thực tiễn. Bởi vậy, đề tài này cũng chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng và cho thấy từ mục tiêu, phương hướng, thực trạng và giải pháp về quản lý nhà nước với công tác thi đua đều không thể tách rời với công tác khen thưởng. Chương 1 đã phân tích về 8 nội dung cơ bản trong quản lý nhà nước về công tác thi đua. Đó chính là kim chỉ nam, cơ sở lý luận của đề tài “Quản lý nhà nước về công tác thi đua trong giai đoạn hiện nay”.
Đề tài đã làm rõ thực trạng tại 8 vấn đề cơ bản quản lý nhà nước diễn ra trong thời kỳ đổi mới từ năm 2003 đến năm 2022, cụ thể là: Công tác ban hành các văn bản pháp luật về thi đua; công tác xây dựng chính sách về thi đua; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về thi đua; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác thi đua; công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, đánh giá hiệu quả công tác thi đua; công tác nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ trình xét danh hiệu thi đua; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua; công tác hợp tác quốc tế về công tác thi đua; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thi đua; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về thi đua trong giai đoạn hiện nay.
Các đại biểu dự nghiệm thu chụp ảnh lưu niệm
Đề tài đã đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế trong thực trạng quản lý nhà nước về công tác thi đua từ năm 2003 đến năm 2022, vạch ra những vấn đề cần giải quyết trong quản lý nhà nước về công tác thi đua trong giai đoạn tới từ năm 2022 đến năm 2030.
Từ trình bày, đánh giá đúng thực trạng quản lý nhà nước về công tác thi đua từ năm 2003 đến năm 2022, đề tài đã đề xuất 8 giải pháp, đề xuất 6 kiến nghị tăng cường quản lý nhà nước về công tác thi đua trong thời gian tới (từ năm 2022 - 2030). Những kiến nghị, giải pháp này đều có tính khả thi, cùng với toàn bộ các sản phẩm của đề tài “Quản lý nhà nước về công tác thi đua trong giai đoạn hiện nay” sẽ có thể là một đóng góp thiết thực vào việc tăng cường quản lý nhà nước về công tác thi đua trong giai đoạn hiện nay.
Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá Nhóm nghiên cứu đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản của quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, đã đánh giá được thực trạng quản lý nhà nước về công tác thi đua, chỉ ra những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó. Các số liệu kết quả điều tra khá phong phú. Ngoài ra, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất được những giải pháp, phương án và kiến nghị cụ thể trực tiếp làm cơ sở khoa học cho việc đổi mới quản lý nhà nước về công tác thi đua trong giai đoạn hiện nay. Nhìn chung, các giải pháp khá toàn diện có tính khả thi cao, nội dung lý luận, thực trạng giải pháp khá nhất quán, bám sát các nội dung quản lý nhà nước,…
Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng, PGS.TS. Văn Tất Thu, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự cố gắng của Nhóm nghiên cứu, cho rằng đây là công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện công phu, nghiêm túc, hoàn thành tốtmục tiêu và các nhiệm vụ nghiên cứu đề ra. Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu cần phải tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng nghiệm thu để bổ sung, hoàn thiện các nội dung của Đề tài.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Đạt.
Phương Thanh