BTĐKT - Từ ngày 23 - 24/7/2023, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương do đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm Trưởng đoàn đã giám sát việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 (năm 2023) tại tỉnh Bạc Liêu.
Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Bạc Liêu
Tiếp và làm việc với Đoàn tại trụ sở UBND tỉnh có các đồng chí: Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Ngô Công Hầu, Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Nguyễn Quốc Liêm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; các đồng chí là thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; cán bộ, chuyên viên Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh.
Đồng chí Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát
Theo báo cáo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, khép kín. Đời sống kinh tế nhân dân từng bước được nâng lên. Diện mạo nông thôn mới Bạc Liêu không ngừng khởi sắc.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, với các hình thức phong phú. Tiêu biểu là Đoàn Thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ Bạc Liêu chung tay xây dựng nông thôn mới”; Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng “Tuyến đường 3 sạch”, “Tuyến đường nở hoa”, “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp”; Hội Nông dân thành lập các câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”, hỗ trợ xây “Mái ấm nông dân”, phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”…
Các địa phương có các phong trào riêng: Phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Phước Long; phong trào phát triển giao thông nông thôn “xóm liền xóm” của huyện Đông Hải; phong trào thi đua làm giao thông nông thôn, thủy lợi, thủy nông nội đồng của huyện Vĩnh Lợi…
Đến nay toàn tỉnh có 49/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Phước Long và thành phố Bạc Liêu).
Qua phong trào thi đua, có nhiều tập thể và cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc, có giải pháp, sáng kiến mang lại hiệu quả, có mô hình hay trong sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát đánh giá cao công tác tổ chức và chuẩn bị nội dung, báo cáo của Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh. Đoàn và đại diện các sở, ban, ngành và đoàn thể của tỉnh đã trao đổi, làm rõ thêm các nội dung báo cáo; đi sâu vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát phong trào; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong tỉnh; công tác phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến; công tác tuyên truyền …
Để triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong thời gian tới, Đoàn đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống các văn bản triển khai thực hiện trong bối cảnh đang xây dựng, chuẩn bị ban hành các Nghị định quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Quy chế Thi đua, khen thưởng của tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác khen thưởng, đảm bảo khen đúng, khen trúng, sát cơ sở, chú trọng hơn nữa đối tượng nông dân, người lao động trực tiếp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý; quan tâm đến hình thức khen thưởng theo nguyên tắc thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó để kịp thời biểu dương, động viên tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận, phát huy mọi nguồn lực và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và lan tỏa các mô hình hay, cách làm sáng tạo một cách sâu rộng, kịp thời, bằng các hình thức phù hợp, khả thi.
Đoàn cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh tiếp tục quan tâm đến tổ chức bộ máy và đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ tham mưu tổ chức phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng của tỉnh.
Đồng chí Lê Kim Thúy, Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu giới thiệu mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Hợp tác xã Artemia
Nhân dịp này, Đoàn Giám sát đã tham quan mô hình Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu, ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu. Hợp tác xã (HTX) Artemia thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003, chủ yếu là sản xuất và kinh doanh trứng Artemia. Hiện nay, HTX đã thử nghiệm thành công các mô hình sản xuất bền vững bảo đảm môi trường như nuôi luân canh Artemia vào mùa khô, tôm vào mùa mưa, nuôi tôm theo mô hình tuần hoàn khép kín bằng công nghệ sinh học... Không xả thải ra môi trường, thu phân tôm làm thức ăn nuôi Artemia, với quy trình không sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại nhằm tạo ra con tôm sạch, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Tham quan sản phẩm thức ăn cho ấu trùng tôm của Hợp tác xã Artemia
Doanh thu 3 năm (2020, 2021, 2022) của HTX Artemia đạt 65 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 24 lao động thường xuyên, 20 lao động mùa vụ và góp phần cùng địa phương tạo việc làm cho trên 300 lao động phổ thông. HTX luôn đồng hành cùng các dịa phương trong công tác xây dựng nông thôn mới như tham gia đóng góp xây dựng các công trình giao thông, cầu đường, công tác an sinh xã hội…
Đoàn cũng tới thăm huyện Phước Long và mô hình HTX Dịch vụ nông nghiệp tưới tiêu Quyết Tiến, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long. Sau khi được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2017, Phước Long đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Đồng chí Trần Văn Ân, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát
Huyện có nhiều mô hình tốt, cách làm hay trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”: cải tạo các vườn tạp để chuyển sang trồng màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; đỡ đầu hỗ trợ các hộ nghèo; tuyên truyền xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức đa dạng, bao gồm tuyên truyền miệng, vận động trực tiếp đến xã, cơ sở; khen thưởng cho những doanh nghiệp, những hộ có đóng góp lớn trong xây dựng nông thôn mới…
Ông Nguyễn Quốc Vệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tưới tiêu Quyết Tiến giới thiệu với Đoàn về mô hình sản xuất, kinh doanh của HTX
HTX Dịch vụ nông nghiệp tưới tiêu Quyết Tiến, xã Vĩnh Phú Đông là một mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới của huyện Phước Long. Có vốn điều lệ hơn 400 triệu đồng, với gần 136 ha (trong đó có gần 100 ha sản xuất lúa và 36 ha trồng rau màu các loại) và 183 xã viên, HTX Quyết Tiến chủ yếu sản xuất lúa, bắp, mướp và dưa hấu. Hiện nay, HTX Quyết Tiến đã từng bước liên kết doanh nghiệp để cung cấp vật tư đầu vào với giá cạnh tranh và đảm bảo chất lượng; tuyên truyền, vận động xã viên tham gia vào hợp đồng liên kết sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho thành viên áp dụng vào sản xuất...
Ngọc Hoa