Cụm thi đua các tỉnh đồng bằng sông Hồng sơ kết 6 tháng đầu năm 2023

 232 lượt xem
 

BTĐKT - Ngày 26/7, tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Cụm thi đua các tỉnh đồng bằng sông Hồng tổ chức sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Dự hội nghị có đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đồng chí Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình (đơn vị Cụm trưởng); đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam (đơn vị Cụm phó); đồng chí Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định (đơn vị Cụm phó) và Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng ban, Trưởng phòng Phòng Thi đua, khen thưởng, Sở Nội vụ của 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Quang cảnh hội nghị

Hội nghị thông qua kết quả sơ kết phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của 9 tỉnh trong Cụm và các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, các tỉnh trong Cụm đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế, trong đó tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng, đối thoại với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp và hợp tác xã trong nước, công nhân và người lao động. Thường xuyên trực tiếp thị sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng các công trình trọng điểm và làm việc với các sở, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Kết quả là, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của các tỉnh trong Cụm đạt mức độ khả quan so với cùng kỳ năm 2022: Hải Dương tăng 11,4%; Quảng Ninh tăng 8,8%; Nam Định tăng 8,5%; Hưng Yên tăng 8,21%; Thái Bình tăng 7,77%; Ninh Bình tăng 7,56%; Hà Nam tăng 6,2%; Vĩnh Phúc tăng 1,69%. Tỉnh Bắc Ninh giảm 12,59%.

 Chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh trong Cụm nhìn chung có mức tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Vĩnh Phúc tăng 34,3%; Nam Định tăng 13,3%; Hà Nam tăng 12,1%; Thái Bình tăng 9,4%; Hải Dương tăng 8,9%; Quảng Ninh tăng 8,63%; Hưng Yên tăng 6,16%; Ninh Bình tăng 5,8%. Tỉnh Bắc Ninh giảm 18,4%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng so với kế hoạch đề ra.

Các ngành dịch vụ đã tập trung đảm bảo cung cấp hàng hóa và ổn định giá cả trên thị trường. Các hoạt động vận tải, bưu chính viễn thông, cấp nước sạch, điện lực tiếp tục phát triển, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, thực hiện tốt công tác quản lý, cập nhật thông tin. Ngành du lịch có sự thay đổi mạnh mẽ hơn so với thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh Covid-19, lượng khách đã tăng nhanh. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, lao động, việc làm, giảm nghèo được các tỉnh trong Cụm triển khai đồng bộ.

Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động được các tỉnh triển khai mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song song với đó, các tỉnh đã triển khai các phong trào thi đua của riêng mình như tỉnh Thái Bình với phong trào thi đua "Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên", "Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình"; tỉnh Nam Định với phong trào thi đua “Đoàn kết, vượt khó - Chủ động thích ứng - Điều hành linh hoạt - Đổi mới, sáng tạo - Kịp thời, hiệu quả”; tỉnh Quảng Ninh với phong trào thi đua “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”; tỉnh Hà Nam ban hành Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2023 phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023, chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023)… Các phong trào thi đua đã được các tỉnh trong Cụm triển khai và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hội nghị cũng đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Giao lưu với các điển hình tiên tiến tại Hội nghị

Tại hội nghị sơ kết lần này với sáng kiến của tỉnh Thái Bình (Cụm trưởng), tỉnh Hà Nam (Cụm phó) và tỉnh Nam Định (Cụm phó), đã có sự đổi mới trong hoạt động, các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Hải Dương lựa chọn 1 điển hình của tỉnh đã về đích đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu về báo cáo, trao đổi trực tiếp trước diễn đàn hội nghị (Xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình và xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Mỗi một xã đều có những giải pháp riêng, phù hợp với đặc điểm của địa phương để xây dựng nông thôn mới. Qua trao đổi trực tiếp giữa 3 đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, tất cả đều thống nhất quan điểm, muốn thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn II, cụ thể là thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, cần phải làm tốt các công tác sau:

Một là, phải tăng cường tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn II và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, để nhân dân và cả hệ thống chính trị, xã hội hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng, tự xác định được quyền lợi và nghĩa vụ của mình để ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, tiêu chí đã đề ra.

Hai là, người lãnh đạo, công chức, viên chức và đảng viên phải luôn luôn tiền phong gương mẫu, đi trước dẫn dắt phong trào, công khai, minh bạch các khoản thu chi về tài chính ngân sách, các khoản đóng góp xã hội hóa, tạo được sự tin tưởng trong nhân dân.

Ba là, lựa chọn các giải pháp khả thi, phù hợp với địa phương mình, ưu tiên thực hiện trước các chỉ tiêu, tiêu chí với chi phí thấp, dễ hoàn thành, tạo đà cho việc  có thời gian chuẩn bị về tài lực, nhân lực và vật lực để thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí cao hơn, khó thực hiện hơn với phương châm làm đến đâu, chắc đến đó, không để dây dưa, tồn đọng.

Việc trao đổi kinh nghiệm thành công của các xã trong việc về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là cơ sở để 9 tỉnh học tập, rút kinh nghiệm và chỉ đạo triển khai. Trong một thời gian không xa, với việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, 9 tỉnh trong Cụm thi đua các tỉnh đồng bằng sông Hồng sẽ thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn II, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, văn minh, xanh - sạch - đẹp.

Phùng Thị

 
Ý kiến của bạn