Quảng Trị: Lan tỏa và nhân rộng các điển hình vươn lên thoát nghèo

 398 lượt xem
 

BTĐKT - Từ ngày 14 -15/9, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương do đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Quảng Trị.

Đoàn Giám sát làm việc với cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh

Tiếp và làm việc với Đoàn tại cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, có các đồng chí: Ngô Quang Chiến, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Trần Thắng Bình, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; các đồng chí lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị; các công chức Văn phòng UBND tỉnh và Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị.

Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Đakrông

Trong chương trình giám sát, Đoàn đã làm việc với UBND huyện Đakrông, thăm mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp tại thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông. HTX được xã, huyện và tỉnh quan tâm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho địa phương.

Đoàn Giám sát nghe đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên,huyện Đakrông giới thiệu mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp tại thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại HTX dịch vụ nông nghiệp tại thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông

Đoàn cũng tới thăm gia đình ông Hồ Văn Xa Tôn (dân tộc Vân Kiều) tại thị trấn Krông Klang, hộ nông dân vượt khó thoát nghèo nhờ quyết tâm khai hoang, vay vốn, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi. Hiện gia đình ông có thu nhập ổn định 12 triệu đồng/tháng từ trồng cây cao su và có thêm nguồn thu khác từ việc trồng thêm cây con, nuôi gia cầm, gia súc, cá.

Đoàn nghe đồng chí Thái Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Krông Klang giới thiệu về các mô hình trên thị trấn

Đoàn Giám sát thăm gia đình ông Hồ Văn Xa Tôn (dân tộc Vân Kiều) tại thị trấn Krông Klang

Tại các buổi làm việc, Đoàn Giám sát ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được cũng như những mô hình mới, cách làm sáng tạo của tỉnh Quảng Trị trong hưởng ứng các phong trào của trung ương, cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện và đặc thù của địa phương như: Có sự lồng ghép phù hợp một số nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia; quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị; cách thức vận động sự tham gia của các hộ nghèo, huy động các nguồn lực, kiểm tra, giám sát và tăng cường sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các hộ nghèo; nỗ lực tạo sinh kế, xóa nhà dột nát, quan tâm các hộ gia đình chính sách, người có công, quyết tâm không để tái nghèo, không để hộ cận nghèo thành hộ nghèo; chú trọng việc biểu dương, khen thưởng các hộ gia đình có sáng kiến và nỗ lực vươn lên thoát nghèo…

Đoàn đề nghị Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh quan tâm sơ kết các phong trào bằng các hình thức phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sát thực tiễn, đặc biệt là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích, góp phần tạo động lực thi đua, lan tỏa và nhân rộng các điển hình vươn lên thoát nghèo, có nhiều đóng góp cho thực hiện phong trào và Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo của Hội đồng Thi đua -  Khen thưởng tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thực sự trở thành phong trào sôi nổi, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo. Các chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, người nghèo được tiếp cận thuận tiện hơn với các chính sách trợ giúp của Nhà nước, các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng như các dịch vụ xã hội, khoa học và kỹ thuật. Số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh, xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Các cấp, các ngành đã đề ra những chủ trương, biện pháp thiết thực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào thi đua, do đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra.

Kết quả, năm 2021, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2.074 hộ, tương ứng giảm 1,21%;  năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,40%, đạt 119,98% kế hoạch đề ra.Từ năm 2021 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 2 cá nhân; vinh danh cho 40 tập thể và 11 cá nhân có nhiều đóng góp cho quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội. Các huyện, thị xã và thành phố đang tiến hành sơ kết phong trào thi đua; đến nay, đã tặng nhiều Giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua tại địa phương.

Hà Giang

 
Ý kiến của bạn