Hà Tĩnh: Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” lan tỏa sâu rộng từ tỉnh để cơ sở

 529 lượt xem
 

BTĐKT - Từ ngày 22 - 23/10, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương do đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban làm Trưởng đoàn đã giám sát việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” tại tỉnh Hà Tĩnh.   

ebd16cf2ecc93b9762d8.jpg

Đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban TĐKT  Trung ương, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Cơ quan Thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Trần Tú Anh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh; Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh; Bùi Quang Dương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Lương Quốc Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Đinh Hữu Công, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh; Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo, trưởng phòng và công chức Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh.

1dd0d289e24c35126c5d.jpg

Đồng chí Trần Tú Anh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thực sự trở thành phong trào được tổ chức sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo. Các chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, người nghèo được tiếp cận thuận lợi hơn với các chính sách trợ giúp của Nhà nước, các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng như các dịch vụ xã hội, khoa học và kỹ thuật. Số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo từng bước cải thiện; an sinh xã hội, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 0,6 - 0,7%. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 giảm còn 3,05%.

2321da9364a9b3f7eab8.jpg

Đoàn Giám sát làm việc tại huyện Hương Sơn

Các cấp, các ngành đã đề ra những chủ trương, biện pháp thiết thực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào thi đua. Từ đó, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra.

Với những cách làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, từ phong trào thi đua, xuất hiện nhiều mô hình hay tiêu biểu, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Nổi bật là: Mô hình “Đẩy mạnh triển khai các mô hình sinh kế cho thanh niên dân tộc Chứt”, “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”… của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh; mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” tại các địa phương; mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của Ủy ban MTTQ tỉnh; mô hình “tích tụ ruộng đất hướng đến giảm nghèo bền vững”; mô hình vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, trao sinh kế và hỗ trợ phát triển bền vững cho phụ nữ biên cương, các hoạt động “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tiết kiệm làm theo gương Bác”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Xây dựng mái ấm tình thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ...

014d66d2cce81bb642f9.jpg

Đoàn Giám sát tham quan mô hình Cơ sở sản xuất - kinh doanh nhung hươu Hiền Ngọc, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Trong chương trình công tác, Đoàn Giám sát đã làm việc với huyện Hương Sơn; tham quan mô hình Cơ sở sản xuất - kinh doanh nhung hươu Hiền Ngọc, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Cơ sở sản xuất Hiền Ngọc là 1 trong 4 đơn vị trên địa bàn huyện Hương Sơn chế biến thành công nhung hươu thành các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, mang lại doanh thu hơn 12 tỷ đồng/năm, sau khi trừ các chi phí cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm. Trung bình mỗi năm, cơ sở thu mua khoảng 3 tấn nhung hươu cho bà con trên địa bàn huyện; tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Đoàn Giám sát tham quan mô hình trồng cam của hộ gia đình ông Lê Trọng Nhân, thôn Đông Phong, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc

Đoàn cũng làm việc tại huyện Can Lộc; tham quan mô hình trồng cam của hộ gia đình ông Lê Trọng Nhân, thôn Đông Phong, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, thoát nghèo nhờ được hỗ trợ nhà ở từ nguồn Quỹ Cứu trợ và được hỗ trợ 50 gốc cam, 100 con gà để sản xuất, kinh doanh. Đoàn tới thăm hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Mạnh, thôn Thăng Bình, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc thoát nghèo nhờ được hỗ trợ nhà ở theo nguồn Ban Chỉ đạo 22; tham quan mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại thôn Đông Kim, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc…

Đoàn Giám sát thăm hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Mạnh, thôn Thăng Bình, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, thôn Đông Kim, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc

Phát biểu tại các buổi làm việc, Đoàn Giám sát ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” của tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua, ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phong trào. Tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng, xóa đói, giảm nghèo một cách bài bản, đồng bộ; có nhiều đổi mới trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua...

Đoàn Giám sát làm việc tại UBND huyện Can Lộc

Đoàn đề nghị thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng về xóa đói, giảm nghèo. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản mới thay thế các văn bản không còn hiệu lực hoặc không còn phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị đưa Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 vào cuộc sống. Tiếp tục duy trì tổ chức các phong trào thi đua và phát động phong trào thi đua mới để hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương phát động, tạo khí thế mới, động lực mới cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Sáng tạo hơn nữa trong công tác tuyên truyền, truyền thông, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Tích cực tham mưu cho Hội đồng TĐKT tỉnh triển khai tốt, sáng tạo công tác thi đua, khen thưởng; tham mưu sơ kết công tác năm 2023, đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua với hình thức phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Làm tốt công tác giám sát. Kịp thời kiến nghị, đề xuất những khó khăn, vướng mắc với Ban TĐKT Trung ương, Hội đồng TĐKT Trung ương, cơ quan của Chính phủ...

Anh Minh

 
Ý kiến của bạn