Lai Châu: Nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong xóa đói, giảm nghèo

 353 lượt xem
 

BTĐKT - Ngày 25/10, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương do đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Lai Châu về việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025.

Đoàn Giám sát làm việc tại UBND tỉnh Lai Châu

Làm việc với Đoàn giám sát có các đồng chí: Tống Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Sùng A Hồ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lai Châu.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tống Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua, khen thưởng tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Thời gian qua, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai đồng bộ, toàn diện rộng khắp ở các địa phương trong toàn tỉnh. Công tác huy động nguồn lực, xã hội hóa cho công tác giảm nghèo cũng được các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện, trong đó tập trung cho việc xóa nhà tạm, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để các hộ nghèo học tập và nhân rộng, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường cho công tác xuất khẩu lao động, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tự lực để người nghèo vươn lên thoát nghèo...

Đồng chí mong muốn Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh nói chung và phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nói riêng… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời phát động, tuyên truyền, quán triệt, ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nội dung, ý nghĩa, mục tiêu của phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo. Tỉnh đã tổ chức lồng ghép nội dung phong trào thi đua với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào thi đua khác do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Các cấp, các ngành tích cực triển khai phong trào thi đua với nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực, đa dạng, nhiều cách làm hay và mới, giúp các hộ dân thoát nghèo, giảm nghèo. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 15 mô hình giảm nghèo như: Hỗ trợ chăn nuôi lợn tại xã Can Hồ, huyện Mường Tè; hỗ trợ trồng cây dong riềng trên địa bàn xã Hoang Thèn, Nậm Xe thuộc huyện Phong Thổ; hỗ trợ nhân rộng mô hình bò sinh sản tại xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn; hỗ trợ chăn nuôi bò, tại huyện Than Uyên; thực hiện dự án hỗ trợ chăn nuôi hỗn hợp trâu 1 con, bò 6 con, lợn 4 con, ngựa 5 con tại xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu... Tổng số tiền thực hiện là 8.514 triệu đồng, với 1.107 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia, góp phần vào thành công chung của công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 30.048 hộ nghèo, chiếm 28,54%; có 11.530 hộ cận nghèo, chiếm 10,95%. So với cùng kỳ năm 2021, số hộ nghèo giảm 517 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,68%; hộ cận nghèo tăng 172 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo tăng 1,12%.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, với những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực và động viên sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào thi đua.

Thời gian tới, Đoàn Giám sát đề nghị Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh và các cơ quan, tổ chức, địa phương trong tỉnh triển khai sơ kết phong trào bằng những hình thức thiết thực, hiệu quả. Hoàn thiện và ban hành Quy chế Thi đua, khen thưởng của tỉnh, thống nhất, đồng bộ với quá trình triển khai Luật Thi đua, khen thưởng và các Nghị định hướng dẫn thi hành, phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh. Quan tâm kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng để hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu triển khai các phong trào và thực hiện công tác khen thưởng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xóa bỏ hủ tục và tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, bằng các phương pháp phù hợp, hiệu quả. Quan tâm phát hiện, khen thưởng theo thẩm quyền và đề nghị cấp trên khen thưởng theo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có thành tích. Tiếp tục phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trong công tác tập huấn, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong triển khai phong trào nhằm nhân rộng, lan tỏa các gương điển hình, các mô hình tốt trong phạm vi toàn quốc.

Đoàn cũng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh kế thừa những thành tích đạt được của giai đoạn trước, tiếp tục phát huy, nhân rộng những mô hình hiệu quả.

Trong chương trình công tác, Đoàn Giám sát đã tham quan mô hình trồng sắn dây tại xã Bản Bo, huyện Tam Đường, mô hình có sự phối hợp giữa sự đầu tư của doanh nghiệp với thuê đất và nhân công của nông dân (chủ yếu đồng bào dân tộc Thái).

Đoàn tham quan mô hình trồng sắn dây tại xã Bản Bo, huyện Tam Đường

Đoàn cũng tới tham quan vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến chè ô long của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường tại xã Bản Bo, huyện Tam Đường; tham quan mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi bò của ông Phan Đức Vinh, tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên.

Đoàn tham quan dây chuyền chế biến chè ô long của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường

Đoàn tham quan HTX Phan Vinh, thị trấn Tân Uyên

Dương Hương

 
Ý kiến của bạn