Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua

 378 lượt xem
 

BTĐKT - Sáng 26/10, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng”.

TS. Phan Văn Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo, công chức, viên chức các phòng, đơn vị thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng của một số bộ, ban, ngành trung ương.

ThS. Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương báo cáo đề dẫn hội thảo

Báo cáo đề dẫn hội thảo, ThS. Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết: Đề tài “Thực trạng và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng” do ThS. Nguyễn Công Hoan làm chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu cơ sở khoa học, quan điểm, chủ trương và các quy định của pháp luật về việc tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua; đưa ra khái niệm, nội dung, phân tích đặc điểm, các yếu tố ảnh hưởng, từ đó làm rõ các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua; quá trình triển khai việc tổ chức cụm, khối thi đua đến nay.

Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ thêm một số vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua, đề xuất các giải pháp đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2024 - 2030.

TS. Phan Văn Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS. Phan Văn Hùng cho biết: Tổ chức thi đua theo cụm, khối là một chủ trương của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chỉ đạo thực hiện từ năm 2006 và đã được các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai trong cả nước. Việc tổ chức các cụm, khối thi đua được thực hiện trên cơ sở sự phân chia tương đối giữa các đơn vị, địa phương có chức năng, nhiệm vụ hoặc điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, tự nhiên tương đồng. Các đơn vị, địa phương trong cụm, khối cùng nhau phối hợp tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Từ năm 2010, việc tổ chức cụm, khối thi đua làm cơ sở để đề nghị tặng Cờ thi đua đã được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nền nếp trong phạm vi cả nước. Đến năm 2022, vấn đề này đã được luật hóa tại Khoản 2 Điều 16 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Trên cơ sở quy định của pháp luật và hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, trong những năm qua, tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua ở trung ương và các bộ, ban, ngành địa phương đã được triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tổ chức phong trào thi đua và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Các cụm, khối thi đua thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng và có ý nghĩa: Tổ chức hội thảo, tọa đàm về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức khảo sát, tham quan thực tế để tham khảo, học tập các mô hình, điển hình tiên tiến; phối hợp thực hiện công tác an sinh xã hội, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ…

Công tác đánh giá, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, bình xét, suy tôn đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và các hình thức khen thưởng được thực hiện bảo đảm công khai, dân chủ, góp phần động viên các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, hoạt động của các cụm, khối thi đua còn có những bất cập, hạn chế. Các kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học, nhà quản lý tại hội thảo sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện các vấn đề về lý luận, cơ sở khoa học, cũng như nghiên cứu những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phương thức tổ chức thi đua cụm, khối, góp phần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng những năm tiếp theo, đặc biệt trong quá trình triển khai Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (có hiệu lực từ 1/1/2024), có quy định về hình thức và phạm vi thi đua theo cụm, khối do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng đã trao đổi, thảo luận về các nội dung: Một số vấn đề lý luận về cụm, khối thi đua theo chủ trương của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; chủ trương và các quy định của pháp luật về việc tổ chức cụm, khối thi đua; đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của cụm, khối thi đua tại một số bộ, ngành, địa phương; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức phong trào thi đua trong các cụm, khối thi đua; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng…

ThS. Đỗ Thúy Phượng, Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao đổi tại hội thảo

Theo ThS. Đỗ Thúy Phượng, Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương: Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác tổ chức cụm, khối thi đua, cần nghiên cứu, tìm hiểu một cách sâu sắc và toàn diện về nội dung này, đặc biệt là những vấn đề thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện các vấn đề mang tính lý luận. Từ đó, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của các cụm, khối thi đua; đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua trong cả nước...

ThS. Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi tại hội thảo

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua trong các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, ThS Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp: Tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia phong trào thi đua; tiếp tục quán triệt và thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, xây dựng và hoàn thiện các quy định về công tác thi đua cụm, khối trong các bộ, ngành; nâng cao vai trò của bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng trong việc tổ chức và hoạt động thi đua theo cụm, khối.

Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế trao đổi tại hội thảo

Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế và ThS. Bùi Quang Đức, Phó Trưởng phòng Phòng Pháp chế - Thanh tra, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đều nêu lên ý kiến: Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp cần làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, sắp xếp các đơn vị tham gia cụm, khối đảm bảo tính tương đối về đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương, để khi tổ chức thi đua, các đơn vị có điều kiện để học tập, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

ThS. Bùi Quang Đức, Phó Trưởng phòng Phòng Pháp chế - Thanh tra, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao đổi tại hội thảo

Ngoài ra, việc chia khối thi đua phải bám sát các văn bản quy định của trung ương về việc chia khối thi đua, về phương pháp chấm điểm thi đua. Cần có sự thống nhất trong việc xây dựng nội dung, mục tiêu thi đua rõ ràng, tiêu chí cụ thể, cách chấm điểm, bình xét trong từng đơn vị cụm, khối, làm cơ sở để các đơn vị dễ dàng so sánh, đánh giá mức độ thành tích, bình xét, xếp hạng thi đua đảm bảo theo quy định. Khi tiến hành đánh giá, nhận xét, suy tôn, đề nghị khen thưởng giữa các đơn vị trong cụm, khối phải thực sự mang tính khách quan, tránh hình thức, nể nang.

ThS. Hoàng Thị Ánh Thư, Phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi tại hội thảo

ThS. Hoàng Thị Ánh Thư, Phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nội dung thi đua, khen thưởng giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước đã dần hoàn thiện, tạo sức bật trong công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua.

TS. Phạm Thu Thủy, Chuyên viên chính Phòng III, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao đổi tại hội thảo

TS. Phạm Thu Thủy, Chuyên viên chính Phòng III, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề xuất: Cần tăng cường sự lãnh đạo của các bộ, ban ngành và UBND cấp tỉnh đối với hoạt động cụm, khối thi đua; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn và tổ chức hoạt động khối thi đua đối với những đơn vị trong tỉnh, bộ, ngành, đoàn thể trung ương để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hiện nay...

Việt Anh

 
Ý kiến của bạn