Huyện Đông Anh: Tiến gần với đích huyện nông thôn mới nâng cao

 185 lượt xem
 

BTĐKT - Huyện Đông Anh là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội về đích huyện nông thôn mới. Sau kết quả đó, địa phương tiếp tục chỉ đạo duy trì và nâng cao các tiêu chí; tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương, thành phố, đồng thời chủ động bố trí nguồn lực để xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thành phố về ban hành các bộ tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị có liên quan, các xã tập trung đánh giá, rà soát kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới để xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt, hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

http://media.thanhnienviet.vn/uploads/2019_09/1-1567481454.png

Chương trình hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo phát triển sản xuất trên địa bàn huyện Đông Anh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Cường, Đông Anh là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, với nhiều dự án lớn mang tầm quốc gia đã và đang được triển khai, mang đến cho huyện nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Để đạt mục tiêu đề ra, công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã được huyện tập trung đẩy mạnh, thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở và các tầng lớp nhân dân nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí.

Đầu năm 2022, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 250-NQ/HU về việc thực hiện “5 có, 3 không” tại các thôn, làng, tổ dân phố. “5 có” bao gồm: Có nhà văn hóa, có sân bóng đá, có công viên mini, có các điểm sinh hoạt cộng đồng, có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh. “3 không” bao gồm: Không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai về trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, rác thải; không có hộ nghèo. Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo của huyện, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Năm 2023, Đông Anh tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị. Huyện đã mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông thôn mới từ huyện đến xã, thôn...

Cùng với những chỉ đạo cụ thể cho từng thời điểm sát tình hình, huyện cũng bố trí thường xuyên từ 20 đến 25 tỷ đồng hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ thóc giống mới, nguyên chủng; giống thủy sản chất lượng cao; mô hình sản xuất rau an toàn, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp...

Ðồng thời, huyện mở rộng sản xuất trong các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn, khôi phục và phát triển mạnh các làng nghề thủ công truyền thống. Trong đó, chú trọng mở rộng quy mô một số nghề như: Sản xuất đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ, đồ gỗ ép phun sơn, sản xuất thép và cơ khí, tập trung tại các xã: Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thụy Lâm... Ðã xây dựng nhãn hiệu tập thể "Gỗ mỹ nghệ Vân Hà". Các nghề khác như: Làm tương, đậu phụ, bún, bánh chưng, bánh kẹo, giò chả, may mặc... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong và ngoài huyện.

Nhờ gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với phòng, chống dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện đã có những khởi sắc, nhiều sản phẩm OCOP (thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã được đưa đến tay người tiêu dùng trong huyện và thành phố, bảo đảm đời sống của người dân cũng như phát triển kinh tế địa phương.

Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện thường xuyên giao ban, kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong cả giai đoạn, từng năm. Đồng thời, phân công trách nhiệm thực hiện từ cấp ủy Đảng, chính quyền tới các ban, ngành, đoàn thể; tuyên truyền, vận động quần chúng hưởng ứng tham gia.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Chủ động tìm hiểu những nguy cơ, thách thức trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đặt ra định hướng, mục tiêu giải quyết, huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư trên địa bàn. Mặt khác, phát huy tính chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, các giải pháp thực hiện mục tiêu; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân trong thực hiện chương trình.

Kết quả đến nay, huyện Đông Anh đã cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. 23/23 xã thuộc huyện Đông Anh đã đạt và cơ bản đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2022, Đông Anh có thêm 8 xã: Kim Chung, Đông Hội, Dục Tú, Cổ Loa, Vân Nội, Uy Nỗ, Việt Hùng, Nam Hồng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện lên 12/23 xã và xã Liên Hà đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, tới nay, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao là tiền đề quan trọng để huyện phấn đấu xây dựng các xã, thị trấn thành phường, đưa huyện sớm trở thành quận từ nay đến năm 2025.

Phùng Liên

 
Ý kiến của bạn