Giữ gìn màu xanh cho những cánh rừng

 144 lượt xem
 

BTĐKT - 50 năm qua, trên khắp các cánh rừng Việt Nam không nơi nào thiếu dấu chân của lực lượng kiểm lâm và các lực lượng bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành cả về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, ở mỗi giai đoạn lịch sử, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong lực lượng Kiểm lâm Việt Nam và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đổ mồ hôi, máu xương để bảo vệ rừng; tích cực, chủ động tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp, khẳng định được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Kiểm lâm

Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết: Ngành Kiểm lâm đã chủ động tham mưu, xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn. Từ Pháp lệnh Bảo vệ rừng năm 1972, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991 (sửa đổi, bổ sung năm 2004), đến Luật Lâm nghiệp năm 2017 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành để hướng dẫn, cụ thể hóa luật; các văn bản này đã cơ bản bao quát, điều chỉnh mọi hành vi xã hội trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản; nhiều chính sách, cơ chế mới và xã hội hóa được ban hành, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo ông Nghĩa, cuộc đấu tranh bảo vệ rừng luôn diễn ra âm thầm nhưng đầy cam go, phức tạp; có lúc, có nơi trở thành “điểm nóng”. Tính từ năm 2010 đến nay có 12 chiến sĩ kiểm lâm đã mãi mãi ra đi, trong đó có những người nằm xuống khi tuổi xuân còn đang phơi phới; có đến 452 chiến sĩ đã mất mát một phần cơ thể hay phải chịu đựng thương tật suốt đời. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm luôn kiên trì đấu tranh, phát huy trí tuệ, bản lĩnh của người cán bộ kiểm lâm, giữ gìn màu xanh cho những cánh rừng. Nhờ đó, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý lâm sản có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về quản lý bảo vệ rừng giảm dần qua từng năm.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm đã tham gia tích cực công tác quy hoạch, định hình lâm phần ổn định; bước đầu đã hoàn thành việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương. Lực lượng kiểm lâm đã tổ chức giao hàng triệu héc-ta rừng cho các chủ thể quản lý; hướng dẫn hàng nghìn cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Đồng thời, thành lập các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở; phân công cán bộ kiểm lâm về phụ trách địa bàn, trực tiếp tham mưu cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Lực lượng kiểm lâm đã tham gia tích cực công tác quy hoạch, định hình lâm phần

Những biện pháp đồng bộ theo chủ trương xã hội hóa được thực hiện đã góp phần nâng độ che phủ rừng của nước ta đạt 42,02%. Đến nay cả nước có trên 14,7 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,2 triệu ha, rừng trồng là 4,5 triệu ha.

Công tác kiểm tra, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả hơn. Lực lượng kiểm lâm đã làm tốt vai trò tham mưu cho chính quyền các cấp và phối hợp với các cơ quan công an, quân đội, dân quân tự vệ thực hiện các hoạt động này. Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ các hệ sinh thái rừng tự nhiên trên địa bàn cả nước; tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Trước xu thế phát triển của khoa học công nghệ, lực lượng kiểm lâm đã sớm tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý, hoạt động nghiệp vụ như: Hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến (Firewach), hệ thống cảnh báo nguy cơ cháy rừng, hệ thống phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, phần mềm theo dõi, quản lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp và nhiều phần mềm ứng dụng khác nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và góp phần cải cách hành chính.

Lực lượng kiểm lâm ngày càng được hoàn thiện về cơ cấu tổ chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức kiểm lâm luôn được coi trọng, mỗi năm có hàng trăm lượt công chức kiểm lâm được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác; gắn liền công tác đào tạo với công tác xây dựng lực lượng. Những năm qua, lực lượng kiểm lâm toàn quốc đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tha hóa, biến chất; xử lý nghiêm túc những cán bộ, công chức kiểm lâm biến chất, vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, làm trong sạch đội ngũ kiểm lâm.

Với những thành tích đạt được, lực lượng Kiểm lâm Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chặng đường sắp tới, lực lượng kiểm lâm tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như yêu cầu ngày càng cao về nhiệm vụ; áp lực của sự phát triển và bùng nổ của khoa học công nghệ đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức kiểm lâm cần phải thay đổi tư duy theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…

Bình Nguyên

 
Ý kiến của bạn