Tiến sĩ trẻ đam mê nghiên cứu khoa học

 438 lượt xem
 

BTĐKT - Luôn gương mẫu, trách nhiệm trong mọi công việc, được học trò yêu quý, kính trọng, được tập thể lãnh đạo, đồng nghiệp tín nhiệm, đặc biệt là có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công việc, đó là nhận xét của nhiều thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên khi nói về thầy giáo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1993), giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Thú y tại Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên vào tháng 1/2016, Tuyên đã xung phong lên vùng cao biên giới, chọn Điện Biên là điểm dừng chân, với mong muốn đem tri thức đến với vùng cao, phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.

Với những thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc, Nguyễn Văn Tuyên, giảng viên Khoa Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp - Xây dựng (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên) đã được đặc cách học thẳng lên tiến sĩ mà không cần qua bậc thạc sĩ. Tháng 9/2022, anh đã xuất sắc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình trước Hội đồng, chính thức trở thành tiến sĩ thú y đầu tiên của tỉnh Điện Biên khi vừa bước sang tuổi 29.

Bạn bè và người thân chúc mừng Nguyễn Văn Tuyên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ

Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên không những đã khẳng định được năng lực chuyên môn mà còn có bảng thành tích đồ sộ về nghiên cứu khoa học. Từ đó đã giúp anh đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Tuyên đã và đang đóng góp công sức, trí tuệ làm thay đổi dần tư duy của người nông dân về việc phát triển chăn nuôi, chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật, lấy chăn nuôi làm nền tảng trong cơ cấu nội tại của ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.

“Mặc dù có rất nhiều khó khăn, song công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học là những công việc đúng sở trường và tôi vô cùng tâm huyết. Cũng như nhiều thầy, cô giáo khác, tình yêu nghề nghiệp là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường và trong công việc để trở thành một nhà giáo, một nhà khoa học với đúng nghĩa của hai cụm từ cao quý này”, anh chia sẻ.

Anh suy nghĩ rất đơn giản là: “Đã không làm thì thôi, đã làm là làm cho bằng được, làm với chất lượng và hiệu quả cao nhất, sáng tạo nhất mà bản thân mình có thể cố gắng được”.

Từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Tuyên đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho công việc này. Vừa giảng dạy, vừa cùng học sinh, sinh viên và đồng nghiệp đến các địa phương để phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, thu thập mẫu, nghiên cứu, tìm hiểu các loại dịch bệnh phổ biến của gia súc, gia cầm để có các biện pháp điều trị hiệu quả... Dấu chân của anh và các cộng sự đã in dấu ở khắp các địa phương của tỉnh.

Các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học của anh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y, như: “Xây dựng bản đồ dịch tễ và đánh giá sự lưu hành của virus dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Điện Biên”, “Xây dựng bộ hình ảnh về đặc điểm phân loại, hình thái và xác định sự phân bố các loài giun, sán ký sinh ở đường tiêu hóa và hô hấp của lợn tại tỉnh Điện Biên”, “Xây dựng mô hình nuôi gà J-Dabaco trên đệm lót sinh học tại trại thí nghiệm - thực hành Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên”… 

Một trong những đề tài anh rất tâm đắc là: “Xây dựng bản đồ dịch tễ và đánh giá sự lưu hành của virus dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Điện Biên”. Theo anh, đây là đề tài khá hay, được thực hiện để giải quyết vấn đề cấp thiết của thực tiễn, bởi hiện nay căn bệnh dịch tả lợn châu Phi đang là nỗi lo lớn, gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, do đó việc đánh giá diễn biến tình hình dịch, giám sát được sự lưu hành của virus dịch tả lợn châu Phi, cung cấp tài liệu thực tiễn, đã giúp các cơ quan chuyên môn của tỉnh chủ động trong công tác phòng, chống dịch, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh khi có dịch phát sinh để góp phần phát triển ngành chăn nuôi lợn của tỉnh theo hướng bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên báo cáo kết quả đề tài khoa học

Mặc dù nghiên cứu khoa học là lĩnh vực có nhiều thử thách, khó khăn với nhiều chông gai, đặc biệt đối với một tỉnh miền núi như Điện Biên thì khó khăn tăng gấp nhiều lần, nhưng là một nhà giáo năng lực, nhiệt huyết, anh đã vượt qua những rào cản. Đến nay, anh đã chủ trì và tham gia thực hiện 9 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp, có trên 20 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín và báo cáo khoa học tại các hội thảo trong nước, quốc tế. Trong đó có 2 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí danh tiếng quốc tế thuộc danh mục ISI tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành uy tín theo xếp hạng của Web of Science - WoS, với vai trò tác giả chính; 5 bài báo đăng trên các tạp chí danh tiếng quốc tế thuộc danh mục cơ sở dữ liệu khoa học Trung tâm Trích dẫn ASEAN (ASEAN Citation Index - ACI), được Hội đồng Chức danh giáo sư cấp Nhà nước đánh giá cao; 2 báo cáo khoa học tại các hội thảo trong nước, quốc tế; 12 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín trong nước.

Hầu hết các đề tài do anh làm chủ nhiệm đều được ứng dụng vào công tác chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm ở các huyện, thành, thị của tỉnh, giúp các cơ quan chuyên môn của tỉnh giám sát tốt dịch bệnh, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết của gia súc, gia cầm ở các địa phương. Ngoài ra, anh còn chủ trì và tham gia biên soạn sách giáo trình - tham khảo - chuyên khảo phục vụ đào tạo cho học sinh, sinh viên…

Ít khi nói về những thành công trong việc giảng dạy, nghiên cứu của mình, khi được hỏi, anh chỉ chia sẻ: "Thành công của tôi là công sức của cả một tập thể những nhà khoa học của nhà trường, của Khoa Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp - xây dựng và cả các thế hệ học sinh, sinh viên nữa. Để dành trọn tâm huyết cho nghề nghiệp, ngoài việc tự thu xếp, cân đối hợp lý giữa công việc ở trường với công việc cá nhân, tôi còn có sự ủng hộ rất nhiệt tình của gia đình. Ngoài danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Điện Biên, các bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Điện Biên, Tỉnh đoàn Điện Biên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)… thì phần thưởng lớn nhất của tôi chính là những kết quả khả quan thu được sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và được ứng dụng rộng rãi trong việc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, góp phần phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con các dân tộc khu vực trung du miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng…”.

Trần Bình

 
Ý kiến của bạn