THI ĐUA ÁI QUỐC VÀ CHỦ NGHĨA ANH HÙNG MỚI
I. NHỮNG NGƯỜI CON YÊU QUÝ CỦA DÂN TỘC
Mấy hôm nay chúng ta đã nghe các chiến sĩ điển hình báo cáo thành tích thi đua trước đại hội.
Anh Ngô Gia Khảm nêu gương phục vụ nhân dân không điều kiện 3 lần bị nạn mà vẫn làm nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao cho để xây dựng ngành Quân giới nước nhà.
Anh Nguyễn Văn Thương lập công trong việc làm cầu, vì quyết tâm, có sáng kiến và khéo động viên tinh thần công nhân nên đã phá được mức kỹ thuật.
Anh Trần Đại Nghĩa có công to trong việc xây dựng và phát triểm ngành quân giới Việt Nam, đã khéo áp dụng kỹ thuật mới vào điều kiện thiếu thốn của nước ta để chế vũ khí cần thiết cho bộ đội giết giặc.
Anh La Văn Cầu nhờ bạn đồng đội chặt cánh tay bị thương ở tiền tuyến để tiếp tục dùng thuốc nổ phá lô cốt địch gây ra một phong trào vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Anh Nguyễn Quốc Trị trong 7 năm đánh 95 trận, một mình giết 204 địch và bắt sống 139 tên, xông pha lửa đạn, 7 lần bị thương không hề lùi bước.
Anh Giáp Văn Khương người thanh niên dũng cảm, dẫn đầu tổ 3 người, đánh trên vị trí non nước (Ninh Bình) diệt 6 lô cốt, bắt và giết 160 tên lính địch.
Chị Nguyễn Thị Chiên, 22 tuổi, biểu dương tinh thần bất khuất trước mặt địch, đánh du kích rất gan dạ và có nhiều mưu trí, đã chỉ huy du kích bắt 204 địch, bảo vệ Đảng và Chính quyền địa phương.
Anh Nguyễn Quang Vinh, từ năm 1946 đến nay đã đánh 300 trận và trong chiến dịch Quang Trung đã dùng thuốc nổ phá tan một tàu chiến của địch.
Cụ Hoàng Hanh, chiến sĩ nông nghiệp, 65 tuổi trước đã tham gia phong trào Xô Viết Nghệ An, rất xuất sắc trong việc cải tiến lề lối làm việc và tăng năng xuất về mọi mặt cày cấy, trồng trọt chăn nuôi.
Anh Hoàng Ngọc Nga, một thanh niên Mường, đã thành công trong việc áp dụng phương pháp canh tác của đồng bào miền xuôi và miền ngược.
Chị Nguyễn Thị Thành rất tận tụy và khôn khéo trong việc động viên dân công, cáng thương binh, vận chuyển quân lương, vũ khí cho bộ đội đánh giặc.
Ngoài ra, còn những chiến sĩ khác, trong đó có cán bộ gương mẫu, chiến sĩ diệt dốt, chiến sĩ học sinh vv… lập được nhiều thành tích đáng kể. Nhưng vì thời gian có hạn, tôi không thể nhắc lại hết ở đây.
Những chiến sĩ đó mỗi người một vẻ, tuy khác nhau về thành tích, nhưng giống nhau về mấy điểm sau này:
1. Là những người lao động (công nhân, cố bần trung nông hoặc lao động trí óc)
2. Nông dân yêu nước sâu sắc và căm thù
3. Đặt lợi ích của đoàn thể, của nhân dân lên trên lợi ích của của cá nhân mình.
4. Có tinh thần trách nhiệm rất cao.
5. Xung phong thi hành chính sách của Đảng và Chính phủ.
6. Gần gũi quần chúng, học tập quần chúng.
7. Có tinh thần tập thể
Đó là những chiến sĩ thi đua gương mẫu và những anh hùng mới những con người yêu quý nhất của dân tộc ta.
Dưới thời thuộc Pháp, anh chị em là những người bị áp bức bóc lột. Cách mạng tháng 8 đã mang lại quyền lợi cho anh chị em. Ngày nay anh chị em đã trở thành chủ nhân của nhà nước dân chủ nhân dân. Cho nên anh chị em hy sinh phấn đấu, xông pha nơi tiền tuyến, khó khăn không chùn bước, nguy hiểm không sờn lòng. Anh chị em cần cù lao động, hăng hái tăng gia sản xuất để tự cải thiện đời sống và đóng góp cho kháng chiến. Anh chị em chăm chỉ công tạo để thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch, của Đảng và của Chính phủ. Dưới chế độ cũ, anh chị em bị bọn đế quốc và phong kiến hắt hủi bao nhiêu thì ngày nay được đề cao bấy nhiêu. Dưới chế độ cũ, sáng kiến của anh chị em bị kìm hãm, vùi dập, nhưng ngày nay anh chị em có điều kiện phát triển tài năng của mình.
Cuộc Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gươn mẫu lần thứ nhất này đã chứng tỏ điều đó.
II. PHONG TRÀO THI ĐUA ÁI QUỐC ĐÃ ĐỀ RA NHỮNG ANH HÙNG MỚI VÀ CÁN BỘ GƯƠNG MẪU.
Công cuộc cách mạng phải tiến hành theo lối thi đua cách mạng. Thi đua ái quốc từ là thi đua cách mạng của ta hiện nay.
Những người thi đua gương mẫu, xuất sắc nhất chính là những người anh hùng mới. Phong trào thi đua đào tạo ra anh hùng mới. Anh hùng mới thúc đẩy phong trào thi đua.
Chủ nghĩa anh hùng mới là nội dung tư tưởng của phong trào thi đua ái quốc và phong trào thi đua ái quốc là cơ sở phát triển chủ nghĩa anh hùng mới. Quần chúng đông đảo tham gia phong trào thi đua ái quốc thì phong trào đó được rộng khắp. Lấy chủ nghĩa anh hùng mới làm mục tiêu cho những chiến sĩ thi đua thì phong trào thi đua ái quốc được đề cao.
Cho nên, một mặt ta phải làm cho quần chúng nhân dân đông đảo tự giác, tự động tham gia phong trào thi đua ái quốc, ai cũng hiểu rõ “thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, vì nhân dân mà thi đua, thi đua để phục vụ nhân dân, thi đua để mau tiêu diệt quân đế quốc xâm lược và bè lũ bù nhìn, thi đua để giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới, thi đua để phát triển chế độ dân chủ nhân dân và tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Muốn cho quần chúng hăng hái tham gia phong trào thi đua, cần làm cho quần chúng hiểu rằng: Ai cũng có thể thi đua, ngành nào cũng cần thi đua, việc nào cũng có thể lập công, ngành nào cũng lập được công, ưu điểm to hay nhỏ đều đáng quý, góp nhiều ưu điểm nhỏ thành một công lao to.
Mặt khác, phải đề cao chủ nghĩa anh hùng mới trong phong trào thi đua ái quốc, làm cho mọi người thi đua cố gắng vươn tới chủ nghĩa anh hùng mới, cố gắng trở thành những anh hùng mới.
Trong quá trình phấn đấu, ai nấy tích cực vượt mọi khó khăn tự rèn luyện mình và được quần chúng rèn luyện, được Đảng tiên phong giáo dục để trở thành những con người mới, tẩy bỏ được thói hư tật xấu của xã hội cũ, trở thành những người gương mẫu, hy sinh dũng cảm, tận tụy phục vụ nhân dân, xung phong tự động thi hành chính sách của Đảng và Chính phủ, đóng vai trò dân đầu phong trào, làm cốt cán cho phong trào, làm nhịp cầu nối liền cơ quan lãnh đạo với quần chúng nhân dân đông đảo. Trong thi đua, ai nấy phát huy được mọi khả năng của mình. Do đó, thiên tài này nọ. Thi đua cải tạo con người và phát triển tài năng của con người. Cải tạo con người để cải tạo xã hội, phát triển tài năng của con người để đẩy tới cuộc tiến hóa của xã hội.
Phong trào thi đua ái quốc có tính chất quần chúng và những anh hùng mới là kết tinh của phong trào quần chúng thi đua.
Công tác kháng chiến, công tác cách mạng ngày một phát triển và đòi hỏi rất nhiều cán bộ. Song đừng kêu thiếu cán bộ. Hãy tìm ngay cán bộ trong phong trào thi đua. Chiến sĩ thi đua là những người thi hành chính sách của Đảng và Chính phủ giỏi nhất và có thể giúp nhiều ý kiến cho cơ quan lãnh đạo. Phong trào thi đua ái quốc là nguồn vô tận đẻ ra anh hùng mới và cán bộ tốt.
Theo dõi thành tích thi đua của mỗi người ở xí nghiệp, đồng ruộng, quân đội, cơ quan vv… ta sẽ tìm ra được những mầm non anh hùng, mầm non cán bộ và nếu ta săn sóc, nâng đỡ, bồi dưỡng những mầm non ấy, thì ta không lo gì thiếu cán bộ, thiếu nhân tài.
Thi đua ái quốc là trường đào tạo cán bộ rất rộng lớn mà giá sư chính là quần chúng và Đảng là hiệu trưởng.
Đào tạo cán bộ ngay trong phong trào thi đua thì sẽ có cán bộ tốt, đã được thử thách, rèn luyện trong lao động và đấu tranh.
III. THẾ NÀO LÀ ANH HÙNG MỚI?
Trong diễn văn khai mạc của Hồ Chủ Tịch hôm trước đây, ta thấy Người nói đến “Anh hùng tập thể”. Các chiến sĩ thi đua gương mẫu trội nhất chính là những anh hùng tập thể, anh hùng mới.
Anh hùng mới là những người có đặc điểm dưới đây:
a) Suốt đời trung thành với tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân không áp bức bóc lột nhân dân, trái lại đấu tranh để giải phóng cho quần chúng nhân dân mà số đông là công công.
b) Vì lợi ích của quần chúng nhân dân mà anh hùng chiến đấu xung phong gương mẫu trong công tác, dẫn đầu phong trào.
c) Theo đúng đường lối chính trị, chấp hành đúng chính sách của Đảng tiên phong và của Chính phủ do dân bầu ra.
d) Mật thiết liên hệ với quần chúng, tin quần chúng, học quần chúng và lãnh đạo quần chúng, được quần chúng tín nhiệm và tuyển lựa.
e) Không tự kiêu, tự mãn, luôn luôn cố gắng học tập và lập công, nắm vững phương pháp sắc bén để tu dưỡng và tiến bộ là phê bình và tự phê bình.
g) Có đầu óc cách mạng, không bị những khuôn sáo bó buộc, có tài năng sáng tạo và trí sáng kiến; biết kết hợp khoa học, kỹ thuật mới với kinh nghiệm phong phú của quần chúng nhân dân.
Nói một cách khác, người anh hùng mới là người có lập trường giai cấp rất vững, luôn luôn phân biệt rõ ta và địch, bạn và thù, luôn luôn trung thành với nhân dân, vì quần chúng nhân dân mà hy sinh phấn đấu, có tinh thần phụ trách trước cơ quan lãnh đạo và trước quần chúng, không vì lợi ích của cá nhân mình mà quên lợi ích của đoàn thể, của nhân dân. Khi chiến đấu thì lấy tinh thần anh dũng mà tiêu diệt quân thù, khi sản xuất và công tác thì lấy tư cách của người lao động, người cán bộ, chủ nhân của nhà nước mà làm tròn nhiệm vụ. Đó là tóm tắt những đức tính của anh hùng mới, anh hùng tập thể, khác hẳn anh hùng của các thời đại cũ, anh hùng của giai cấp bóc lột hoặc các anh hùng cá nhân.
Anh hùng mới chỉ có thể, không có gì là “siêu nhân” hết.
IV. BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA ANH HÙNG MỚI
Thành tích của anh hùng mới là ba nhân tố dưới đây tạo nên:
1. Hy sinh, cố gắng của bản thân mình.
2. Được phong trào quần chúng rèn luyện và ủng hộ.
3. Được tu dưỡng tiên phong và Đảng tiên phong dìu dắt, lãnh đạo.
Ba điều đó không thể thiếu một.
Thiên tài là kết quả của cố gắng, nghĩa là của sự học tập và rèn luyện trong quá trình đấu tranh, lao động và công tác của người ta. Song thiên tài phải dùng để phục vụ quần chúng nhân dân thì mới thật là thiên tài.
Sự nghiệp vĩ đại nào cũng phải do nhiều người xây dựng lên. Trong lịch sử không có một nhân tài nào một mình làm nên sự nghiệp. Sự nghiệp anh hùng là kết quả của sự nghiệp quần chúng vận động. Anh hùng chỉ có thể là anh hùng nếu hành động của họ thỏa mãn được nguyện vọng của quần chúng nhân dân đông đảo và do đó họ được quần chúng nhân dân nhiệt liệt ủng hộ.
Nhưng trong thời gian này nếu không có tư tưởng tiên phong hướng dẫn, nếu không theo đúng đường lối chính trị của Đảng tiên phong thì không thể phục vụ nhân dân một cách triệt để cũng không thành được anh hùng mới, vì hành động của anh hùng mới phải đẩy bánh xe lịch sử tiến lên. Hiểu được quy luật tiến hóa và hành động phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất của xã hội, anh hùng mới dẫn đầu phong trào quần chúng nhân dân, phá tan những lực lượng phản động cản trở bước đường tiến lên của xã hội.
Xem những nhân tố trên đây, ta thấy bí quyết thành công của anh hùng mới là phục vụ quần chúng, học tập quần chúng.
Muốn tài giỏi đến mấy mà không đưa vào quần chúng thì cũng không thể làm nên trò trống gì. Anh hùng mới luôn luôn mật thiết liên hệ với quần chúng và học hỏi quần chúng. Anh hùng mới biết nghiên cứu, tập trung ý kiến quần chúng, tổng kết kinh nghiệm của quần chúng, đúc lại thành phương châm, đường lối để lãnh đạo quần chúng sản xuất và đấu tranh. Biến những phương châm đường lối ấy thành ý kiến của quần chúng, làm cho quần chúng tự giác tự động theo đó mà thi hành. Trong khi động viên quần chúng thi hành, lại biết học kinh nghiệm và sáng kiến của quần chúng để bổ sung cho phương châm, đường lối nói trên.
Anh hùng mới là người tiếp thu được tri thức, kỹ thuật mới, kết hợp tri thức kỹ thuật đó với kinh nghiệm và sáng kiến của quần chúng.
Anh hùng mới luôn luôn nắm vững quan điểm quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng.
Đường lối quần chúng cũng là đường lối của Đảng tiên phong.
Trong phong trào thi đua ái quốc, ta thấy quần chúng rất thông minh, nhiều sáng kiến. Anh hùng mới muốn dẫn đầu phong trào quần chúng. Có học quần chúng mới lãnh đạo được quần chúng tiến lên.
Phải học quần chúng vì quần chúng rất giàu sức sáng tạo và có những phương pháp tìm ra chân lý rất tài:
1. Quần chúng phải lao động và vật lộn với thiên nhiên để sống, đấu tranh với bọn áp bức bóc lột để tự bảo vệ quyền lợi của mình, nên sáng kiến và kinh nghiệm của quần chúng rất dồi dào. Đặc điểm của hoạt động quần chúng là thực hành, thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết sinh ra lý luận, lý luận hướng dẫn thực hành. Cứ thế mà tiến lên.
2. Tập trung sáng kiến và kinh nghiệm của nhiều người lại để hiểu biết vấn đề và giải quyết vấn đề. Nhiều người nhìn một sự vật nên nhìn được đủ cạnh khía, không nhìn một chiều, do đó ít sai lầm. Tổng hợp ý kiến của nhiều người trong nhiều dịp khác nhau thì thành khoa học thực hành. Đúc kinh nghiệm thành lý luận.
3. So đi sánh lại, ôn trước hiểu sau, đó là một phương pháp thông thường để tìm ra lý luận của quần chúng. Quần chúng không nhìn sự vật một cách trìu tượng mà nhìn cụ thể, bao giờ cũng đặt một sự vậ trong không gian, thời gian và đối với lợi ích của số đông người mà nhìn, cho nên nhìn sát và đúng.
Chính vì thế quần chúng là thầy của chúng ta.
Bất cứ lãnh tụ hay anh hùng nào cũng phải học quần chúng, nhờ quần chúng mới có thể tài giỏi. Xa lìa quần chúng thì lãnh tụ và anh hùng sẽ mất hết lực lượng và tác dụng.
Trong thi đua các đồng chí đã học tập quần chúng. Mong rằng các đồng chí ra sức học tập quần chúng hơn nữa, nắm vững quan điểm quần chúng và đi đúng đường lối quần chúng trong một công tác thi đua để lập công nhiều hơn và to lớn hơn.
V. PHƯƠNG CHÂM THI ĐUA ÁI QUỐC CỦA TA
Muốn thi đua có kết quả, cần nắm vững phương châm đúng.Phương châm thi đua ái quốc của ta phải căn cứ vào những đặc điểm của phong trào thi đua ái quốc của ta mà đề ra.
Phong trào thi đua ái quốc của ta có những đặc điểm gì và phương châm thi đua ái quốc của ta nên như thế nào?
1. Nước ta là một nước nông nghiệp, kỹ nghệ không phát triển, trình độ kỹ thuật thấp kém. Bị điều kiện kỹ thuật hạn chế nhưng chiến sĩ thi đua của ta phải lấy tinh thần hăng hái, tích cực và đức tính cần cù, khéo léo mà bổ sung cho những nhược điểm về kỹ thuật. Cho nên muốn thi đua có kết quả cố nhiên phải cải tiến kỹ thuật, đặc biệt là thay đổi, cải tiến dụng cụ, nhưng không thể mơ ước cải tiến kỹ thuật quá cao, phải khéo áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào điều kiện thủ công nghiệp hiện còn, ra sức cải tiến tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc để đạt mức cao hơn.
2. Cũng vì trình độ kinh tế và kỹ thuật của nước ta như trên là vì bộ phận kinh tế quốc doanh của ta còn nhỏ và yếu, bộ phận kinh tế hợp tác xã của ta chưa phát triển, kinh tế cá thể của ta còn chiếm một phần lớn trong nền kinh tế quốc dân, nên ta chưa có điều kiện kế hoạch hóa sản xuất một cách tỉ mỉ như các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân tiến lên. Nhưng không phải vì thế mà ta thủ tiêu việc kế hoạch hóa. Kế hoạch nhất định phải có để hướng dẫn sản xuất căn cứ vào nhu cầu. Song kế hoạch chung chỉ có thể đại cương và khai quật, vạch phương châm và mức độ chung. Còn kế hoạch địa phương, kế hoạch từng ngành, từng đơn vị thì cần phải đưa trên phương châm kế hoạch chung mà cụ thể, chi tiết hơn. Nhưng những kế hoạch bên dưới tập trung điều chỉnh lại, dần dần làm cho kế hoạch trên được cụ thể hóa và thêm chính xác.
Phương châm và mức độ chúng ta từ trên xuống, kế hoạch cụ thể từ dưới lên, đó là chủ trương của ta hiện nay.
3. Nước ta đang kháng chiến, dân ta thi đua trong hoàn cảnh kháng chiến, để giải phóng dân tộc. Mục đích trước mắt của thi đua là làm cho cuộc trường kỳ kháng chiến của ta thắng lợi, phục vụ cho tiền tuyến, cho quân đội đánh giặc lập công, bồi dưỡng lực lượng cho nhân dân để nhân dân kháng chiến bền bỉ và ngày thêm hăng hái. Hoàn cảnh kháng chiến có những việc bất thường xảy ra, nhu cầu kháng chiến cũng mỗi lúc, mỗi nơi một khác. Ví dụ: thi đua của công nhân trong vùng tạm bị chiếm có một điểm quan trọng là phá hoại, thi đua của công nhân vùng tự do là tăng năng xuất vv… Cho nên kế hoạch thi đua phải nhằm đúng nhu cầu của kháng chiến, của quân và dân ta trong kháng chiến. Nó phải thiết thực và có trọng tâm.
4. Xã hội Việt Nam ta còn chế độ người bóc lột người. Không kể vùng bị tạm chiếm, hay kể ngay vùng tự do cũng còn những hình thức bóc lột phong kiến và tư bản. Nhưng vì mục đích đoàn kết kháng chiến, vì lòng yêu nước, nên quàn chúng công nông vẫn hăng hái thi đua. Song muốn cho quần chúng thi đua hăng hái hơn nữa, phải chú ý cải thiện đời sống của quần chúng, thực hiện những cải cách dân chủ cần thiết (thi hành chế độ thưởng năng xuất, giảm tô, giảm tức vv…), phát động quần chúng, đề cao ý thức chính trị của quần chúng. Có như thế mới có thể đẩy tới phong trào thi đua ái quốc.
5. Dân ta lâu năm bị đế quốc và phong kiến trong một thời gian khá lâu áp bức bóc lột. Quân cướp nước lại thi hành chính sách ngu dân. Nên mặc dầu những cố gắng của ta từ cách mạng tháng 8 đến nay, trình độ văn hóa của dân ta vẫn còn thấp kém. Những thói xấu và lề lối làm việc của thời Pháp thuộc còn rớt lại là trở lực lớn trên con đường tiến thủ của dân ta. Trong khi đó dân ta chẳng những học thêm được những kiến thức mới, mà còn gây thêm đạo đức, tập quán và tác phong mới. Hồ Chu Tịch nói “Thi đua cải tạo con người” là vì thế.
Cho nên thành tích thi đua không chỉ ở lượng mà phải ở chất, chất trong hon lượng, không chỉ ở năng suất, lập công, mà còn ở ý thức tư tưởng và đạo đức, tác phong dân chủ nữa. Lãnh đạo thi đua về mặt tư tưởng là rất cần thiết.
6. Đại bộ phận kinh tế Việt Nam là nông nghiệp. Thi đua phát triển nông nghiệp là trọng tâm của phong trào thi đua tăng gia sản xuất ở nước ta hiện nay. Nông dân đóng một vai trò quan trọng trong thi đua. Muốn cho quần chúng thi đua đông đảo, phải ra sức vận động quần chúng nông dân thi đua hơn nữa.
7. Hồ Chủ Tịch, Đảng và Chính phủ đã vạch ra đường lối thi đua ái quốc. Sự thật trong mấy năm nay đã chỉ rõ đường lối đó rất đúng. Đảng là người tổ chức lãnh đạo và thi đua ái quốc. Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam là cánh tay của Đảng, tích cực thi hành chính sách thi đua ái quốc của Đảng. Những đội và những tổ xung phong lao động, xung phong công tác ở nhà máy, đồng ruộng, đường giao thông vận tải, trong cơ quan vv… do thanh niên cứu quốc tổ chức ra là những đơn vị tích cực thi đua nhất để thúc đẩy phong trào, dẫn đầu phong trào thi đua. Những Đảng viên phải lãnh đạo, làm gương mẫu trong những tổ chức xung phong đó.
Thi đua ái quốc là một phong trào quần chúng rất rộng rãi, nhưng phải có tổ chức, có lãnh đạo chặt chẽ.
IV. NHIỆM VỤ THI ĐUA CỦA TA HIỆN NAY
Các chiến sĩ đến đây họp Đại hội thi đua toàn quốc, trước khi về chắc muốn biết về phải làm gì để tiếp tục thi đua? Nhiều chiến sĩ lo sao từ nay luôn luôn xứng đáng với danh hiệu của mình lo sao khỏi phụ lòng nhân dân và cấp trên mong đợi. Mối lo ấy rất chính đáng. Vậy chiến sĩ ngành nào phải trở về ngành ấy làm tròn nhiệm vụ của mình với tinh thần thi đua tích cực hơn trước, vận động mỗi người ở xung quanh thi đua.
Nhiệm vụ của thi đua hiện nay như thế nào?
Hồ Chủ Tịch đã đề ra ba nhiệm vụ lớn trước mắt cho nhân dân ta:
1. Tiêu diệt sinh lực địch và phát triển du kích.
2. Phá chính sách của địch dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.
3. Bồi dưỡng lực lượng nhân dân, lực lượng kháng chiến.
Để thực hiện 3 nhiệm vụ lớn đó, cần phải làm những công tác chính trước mắt dưới đây:
- Toàn dân tham gia sản xuất và tiết kiệm để đảm bảo việc thực hiện kế hoạch của Chính phủ,
- Bộ đội chỉnh quân phối hợp với tác chiến, giữa hai đợt tác chiến phải tranh thủ thời gian để chỉnh quân, chỉnh quân để chuẩn bị những chiến dịch mới tiêu diệt sinh lực địch
- Đoàn thể thì chỉnh huấn. trước hết là những chỉnh đốn tư tưởng cán bộ.
- Những vùng du kích và vùng bị tạm chiếm thì tăng cường công tác sau lưng địch, nghĩa là ra sức dân vận, ngụy vận và phát triển chiến tranh du kích.
Thi đua làm những công tác đó tức là nhiệm vụ trước mắt của mỗi người thi đua và động viên, lôi cuốn mọi người làm những công tác đó, tức là nhiệm vụ của những anh hùng, chiến sĩ thi đua.
Muốn thi đua làm những việc trên có kết quả, các đồng chí hãy xác định lập trường thi đua, khắc phục tư tưởng sai lầm trong thi đua, cải tiến lề lối làm việc và cải tiến kỹ thuật, ra sức học tập và gần gũi quần chúng
VII. TRỪ BỎ NHỮNG TƯ TƯỞNG SAI LẦM
Muốn thi đua có kết quả phải kiên quyết trừ bỏ những tư tưởng sai lầm.
Trước hết các đồng chí cần phải thành khẩn, khiêm tốn, tránh tự kiêu. Thành khẩn là đừng công sai, đừng phóng đại, báo công lao, đừng đánh giá quá cao mình. Lập được công thì đừng coi thường người khác. Được đi dự đại hội này về, đừng lên mặt với bà con, đừng khinh miệt quần chúng và cán bộ địa phương.
Chiến sĩ bộ đội lập được công lao to, chớ khinh thương, công, nông. Nhớ rằng bộ đội ta là công, nông cầm súng đánh giặc, bảo vệ quyền lợi giai cấp và dân tộc. Không có công nông sản xuất thì bộ đội không đánh được giặc, lập được công.
Trong Đại hội này, có một vài chiến sĩ bộ đội tự thuật công trạng của mình một cách rất hoạt bát nhưng thái độ thiếu khiêm tốn. Có chiến sĩ cho rằng “Quân giới ta đã đuổi kịp mức kỹ thuật quốc tế”, “thủ công nghiệp đã ra khỏi quân giới Việt Nam” rồi như thế là không nên.
Hai là, các đồng chí cần ra sức học tập, tránh tự mãn. Lập được công thì đừng cho mình giỏi rồi, là hoàn toàn rồi. Không nên quên rằng mình còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm, cần phải sửa chữa, sự hiểu biết của mình còn rất nhiều thiếu sót, cần phải luôn luôn học tập chính sách của Đảng và Chính phủ, học tập chuyên môn, học tập văn hóa, học tập quần chúng nhân dân nước ta, học tập kinh nghiệm nhân dân các nước. Lao động trí óc học tập lao động chân tay, lao động chân tay học tập lao động trí óc. Có thực sự hiểu chỉ thị của Hồ Chủ Tịch “công nông trí thức hóa, tri thức hóa công nông”. Tránh tự mãn vì tự mãn là tự mình chặt cầu tiến bộ của mình. Học tập không mỏi, phấn đấu không ngừng, đó là khẩu hiệu của chúng ta.
Đi dự Đại hội này, có chiến sĩ nông nghiệp vẫn còn mù chữ, về nên cố thi đua trừ giặc dốt trong người mình.
Ba là các đồng chí cần phải đoàn kết với nhau, không nên đố kỵ tỵ nạnh, ghen tài nhau. Chính sách của Đảng, của Chính phủ và Mặt trận là đoàn kết. Chiến sĩ là người gương mẫu trong nhân dân phải thực hành đoàn kết. Không nên suy bì mà sinh ra bất mãn. Chẳng những không ghen tỵ nhau mà còn phải giúp đỡ nhau phát triển thành tích và khả năng. Kháng chiến trường kỳ, cách mạng cũng trường kỳ. Không lo không có dịp lập công, chỉ sợ không bền cùng trường kỳ. Hãy cố gắng làm tròn nhiệm vụ và lập công nhiều hơn.
Nhân dân, đoàn thể, Chính phủ khong quên công mình, chỉ sợ mình quên nhiệm vụ mình.
Nhớ rằng Chính phủ khen thưởng cá nhân mình, những vinh dự là vinh dự chung cho tất cả mọi chiến sĩ thi đua trong ngành mình chung cho cả nhân dân và đoàn thể đã nuôi dưỡng, giáo dục mình. Vinh dự của mình là một bộ phận của vinh dự chung của nhân dân.
Biết bao anh hùng vô danh không có mặt ở đây vì chưa được khen thưởng? Biết bao chiến sĩ gương mẫu bỏ mình vì nước trước khi được thưởng Huân chương? Ta có lý gì ganh tỵ cho đáng?
Nếu khắc phục được những tư tưởng sai lầm nói trên thì đồng thời cũng tránh được những bệnh mà thường thường các chiến sĩ thi đua hay mắc phải. Ví dụ:
Chủ nghĩa tiên phong: Xung phong nhưng không dẫn đầu quần chúng mà tách rời quần chúng, bỏ quần chúng lại sau, chỉ làm cho quần chúng phục mà không làm cho quần chúng theo.
Chủ nghĩa công thần: Lập được công lao, lại được khen thưởng nên tự hợm mình, cho mình đã có công to thì mình phải được hưởng đặc quyền đặc lợi, rồi đụng gấp một việc gì không được như ý là sinh ra bất mãn, vùng vằng.
Chủ nghĩa bản vị: Chỉ biết công việc của mình hoặc của ngành mình, cái gì cũng vơ vào cho mình và ngành mình, không giúp đỡ người khác, ngành khác thi đua, hoặc muốn bớt công tác đoàn thể, công tác kháng chiến để chuyên chú sản xuất, học tập, lập công. Không nhớ rằng không có đoàn thể thì không thể thi đua có kết quả, không tham gia công tác kháng chiến thì thi đua sản xuất không phải là thi đua ái quốc, mà chỉ là thi đua làm lợi cho cá nhân mình, gia đình mình.
Trừ bỏ được những bệnh trên đây thì nhất định các chiến sĩ thi đua sẽ tiến mạnh.
KẾT LUẬN
Đại hội này là một dịp phát huy lòng hăng hái của quần chúng nhân dân, động viên quần chúng nhân dân đánh giặc, sản xuất và học tập để tích cực chuẩn bị tổng phản công, tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược và bè lũ chó săn của chúng.
Nó có ý nghĩa vô cùng trọng đại và có tác dụng động viên chính trị, giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng cho nhân dân ta.
Nó đề cao chủ nghĩa anh hùng mới và kêu gọi toàn dân, trước hết là thanh niên, công, nông, binh và lao động trí óc ra sức thi đua lập công, cố gắng trở thành những anh hùng mới của thời đại Hồ Chí Minh, một thời đại vĩ đại chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà.