BTĐKT - Sáng 15/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Tọa đàm khoa học "Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng tại Bộ Quốc phòng".
Tọa đàm khoa học "Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng tại Bộ Quốc phòng"
Dự và chủ trì tọa đàm, có các đồng chí: Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; PGS. TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu chào mừng
Phát biểu chào mừng tọa đàm, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Trong quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức nhiều phong trào thi đua và tiến hành hiệu quả công tác khen thưởng. Cùng với tiến trình phát triển của cách mạng, công tác thi đua, khen thưởng trong quân đội luôn giữ vững và phát triển ngày càng sâu rộng, tạo ra động lực thi đua mạnh mẽ, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, dũng cảm chiến đấu, hăng say công tác, lao động, sản xuất, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần to lớn vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến.
Bước sang giai đoạn cách mạng mới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị; Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 507/CT-QUTW ngày 28/7/2014 "Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam", Tổng cục Chính trị cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong quân đội.
Việc đổi mới này được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ ở các khâu, các bước, các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các mặt hoạt động, các lĩnh vực công tác. Thông qua đó đã tạo sự tiến bộ mạnh mẽ, đồng đều, vững chắc của từng cơ quan, đơn vị và toàn quân, đặc biệt là trong xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện "Mẫu mực, tiêu biểu", thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ "Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất", huấn luyện giỏi - sẵn sàng chiến đấu cao, chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết mong muốn qua tọa đàm nhận được sự góp ý, chia sẻ những kinh nghiệm quý trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các đồng chí lãnh đạo, các chuyên viên và cán bộ nghiên cứu của cơ quan trung ương; đồng thời mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các đồng chí trong thời gian tới, đặc biệt trong năm 2024, năm kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương điều hành tọa đàm
Tại tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung chính: Trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tổ chức các phong trào thi đua; công tác tổ chức, quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua; công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Các đại biểu cũng chia sẻ, đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng tại đơn vị, tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng tại Bộ Quốc phòng; tăng cường sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Bộ Quốc phòng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, văn hóa trong thi đua, khen thưởng - thực trạng và giải pháp; nâng cao chất lượng báo cáo chuyên đề về công tác thi đua, khen thưởng hệ cao cấp và trung cấp lý luận chính trị...
PGS. TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu kết luận
Kết luận tọa đàm, PGS. TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Tọa đàm đã góp phần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, cũng như nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, bản thân mỗi cán bộ của các cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của công tác thi đua, khen thưởng. Tọa đàm cũng đã lan tỏa được những giá trị tích cực, tính thực tiễn trong việc triển khai công tác thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị; qua đó, một lần nữa khẳng định giá trị bền vững của công tác thi đua, khen thưởng, thực sự là phương thức lãnh đạo của đảng, công cụ quản lý của Nhà nước, là động lực thúc đẩy mỗi tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Từ các kết quả đạt được của tọa đàm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ có cơ sở để tổng kết, đánh giá toàn diện việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2014 - 2024. Từ đó, đề xuất các giải pháp và kiến nghị ban hành Chỉ thị, chủ trương mới của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay với giải pháp tập trung vào sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo quản lý, đảng viên; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; văn hóa trong thực hiện thi đua, khen thưởng; kiểm soát quyền lực trong công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới công tác tuyên truyền gương điển hình tiên tiến; ứng dụng công nghệ thông tin để đưa công tác thi đua, khen thưởng ngày càng “gần dân” hơn nữa thông qua việc tổ chức học tập về thi đua, khen thưởng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý cao cấp và trung cấp...
PGS. TS Hoàng Phúc Lâm hi vọng các kinh nghiệm được chia sẻ tại tọa đàm sẽ được các cơ quan, đơn vị nghiên cứu áp dụng vào thực tế để từ đó có nhận thức và hành động đẩy mạnh các phong trào thi đua và công tác khen thưởng ngày càng phát triển, đi vào thực chất và bám sát thực tiễn. Mỗi đơn vị trong lực lượng quân đội sẽ cùng đẩy mạnh các phong trào thi đua để lập nhiều chiến công trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phương Thanh