Chi bộ Phòng Pháp chế - Thanh tra sinh hoạt chuyên đề quý IV/2023

 436 lượt xem
BTĐKT - Ngày 15/12, Chi bộ Phòng Pháp chế - Thanh tra, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý IV/2023 tại huyện Đông Anh, Hà Nội. 

 

Dự buổi sinh hoạt, có các đồng chí: Phạm Đức Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, đảng viên của chi bộ; Đỗ Ngọc Toàn, Bí thư chi bộ và toàn thể đảng viên Chi bộ Phòng Pháp chế - Thanh tra.

Tại đây, chi bộ đã được nghe giới thiệu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa; ôn lại truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta.

4a1689f4b3891bd74298.jpg

4213fa7ec003685d3112.jpg

Các đảng viên trong chi bộ nghe giới thiệu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc thành Cổ Loa

Nằm cách trung tâm TP Hà Nội gần 20 km, thành Cổ Loa là điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc từ thời Việt cổ của dân tộc. Thành Cổ Loa được Thục Phán An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó) và nước Đại Việt thời Ngô Quyền vào thế kỷ X.

Thành Cổ Loa là một trong những công trình phòng thủ vĩ đại nhất trong lịch sử người Việt cổ, được giới khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn nhất, cấu trúc độc đáo nhất trong lịch sử thành lũy người Việt".

Theo tài liệu của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, thành Cổ Loa được xây dựng kiểu vòng ốc nên còn được gọi là Loa thành. Thời đó, tổ tiên chưa có gạch nung nên thành Cổ Loa được xây bằng đất ở chính địa phương. Thành có 9 vòng nhưng đến nay, ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất, dài 16 km, gồm vòng ngoài (thành Ngoại) có chu vi 8 km, vòng giữa (thành Trung) hình đa giác có chu vi 6,5 km và vòng trong cùng (thành Nội) hình chữ nhật, có chu vi 1,6km. Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4 - 5m, có chỗ 8 - 12m. Chân lũy rộng 20 - 30m, mặt lũy rộng 6 - 12m. Cả ba vòng thành đều được bao quanh bằng những con hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Phía đông thành Trung là đầm Cả, có những năm con ngòi đưa nước vào thành Trung và thành Nội tạo vòng khép kín, rất thuận lợi và linh hoạt cho việc lập căn cứ bộ binh, thủy binh. Thời xưa, vũ khí thô sơ, chỉ là gươm, giáo và cung tên nên quy mô thành Cổ Loa rất kiên cố.

Là địa bàn cư trú, sinh sống của người Việt cổ, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự từ thời cổ đại, khu vực Cổ Loa đã chứng kiến một quá trình phát sinh, phát triển liên tục và lâu dài của nền văn minh sông Hồng mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn. Từ giữa thế kỷ XX đến nay, tại đây đã phát hiện, khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học quan trọng và nổi tiếng. Vì vậy, Cổ Loa là một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều giai đoạn lịch sử, với người dân xã Cổ Loa nói riêng và người dân ở huyện Đông Anh nói chung, thành Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.

51bcc387f9fa51a408eb.jpg

Chi bộ Phòng Pháp chế - Thanh tra chụp ảnh lưu niệm tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa

Qua nghiên cứu, tìm hiểu công lao và bài học kinh nghiệm dựng nước, giữ nước của cha ông, các đảng viên trong Chi bộ Phòng Pháp chế - Thanh tra tiếp tục quyết tâm phấn đấu học tập, rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.

Bình Nguyên

 
Ý kiến của bạn