BTĐKT - Lại Văn Hiệp (sinh năm 1988) là du học sinh đầu tiên của Việt Nam lựa chọn ngành Lâm nghiệp tại Trường Đại học quốc lập Utsunomiya thuộc tỉnh Tochigi của Nhật Bản để theo học. Với khát khao tạo dựng một thương hiệu vươn tầm số 1 thế giới cho sản phẩm được tạo ra bởi bàn tay và khối óc của người Việt Nam, năm 2015 anh bắt đầu nghiên cứu, khởi nghiệp sản xuất than trắng cao cấp Binchotan theo công nghệ Nhật Bản.
Lựa chọn than củi để khởi nghiệp
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung nắng táp, gió Lào, cảm nhận rõ những cực nhọc, mất mát của người thân mỗi khi có trận bão quét qua, chàng trai Lại Văn Hiệp luôn đau đáu trong mình khát vọng khởi nghiệp giúp những người xung quanh mình thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
Ngay từ khi còn là du học sinh, anh Hiệp đã tìm hiểu về sản phẩm rượu sake của Nhật Bản, nhận thấy sản phẩm này còn khá mới mẻ với thị trường Việt Nam, anh quyết tâm xây dựng hệ thống phân phối rượu sake tại Việt Nam, hình thành showroom ẩm thực Sake Nakama.
Hệ thống vận hành thuận lợi với một showroom trưng bày tại Thành phố Hồ Chí Minh và chuỗi nhà hàng tại Hà Nội, anh Hiệp lại trăn trở khi lựa chọn khởi nghiệp không phải sản phẩm của quê hương khiến anh chợt bừng tỉnh. Năm 2015, anh chuyển nhượng toàn bộ hệ thống Sake Nakama, bắt đầu khởi nghiệp với sản phẩm mới là than củi.
Lại Văn Hiệp kiên trì mang than củi Việt đi giới thiệu với các đối tác Nhật Bản
Nhiều năm sinh sống và kinh doanh tại Nhật Bản đã giúp anh hiểu thêm về thị trường Nhật Bản, những lựa chọn tiêu dùng, quy chuẩn chất lượng… cộng thêm kiến thức từ trường học là động lực thôi thúc anh bắt tay vào khởi sự kinh doanh.
Thời điểm đó, thị trường Nhật Bản đánh giá rất thấp về chất lượng than của Việt Nam dẫn đến cánh cửa cho than Việt vào Nhật Bản gần như đóng lại hoặc nếu có doanh nghiệp tiếp cận được thì sản phẩm chỉ nằm ở phân khúc thấp, giá thành rẻ, không gây được sự chú ý tới người tiêu dùng tại Nhật.
Cùng lúc đó ở trong nước, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn về tiêu thụ do thiếu đầu ra, chất lượng than không đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, khiến thị phần vẫn có nhưng nguồn cung không tiếp cận được.
Lúc này anh Hiệp cùng chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu những yêu cầu chất lượng, đầu vào nguyên liệu và sản xuất thử nghiệm. Anh Hiệp cho biết, “nếu một doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm rồi mới xây dựng thị trường hoặc doanh nghiệp dịch vụ có thị trường rồi mới bắt tay vào sản xuất thì tôi làm mọi thứ gần như là đồng thời. Tôi vừa sản xuất, vừa xây dựng thị trường và định hình phân khúc cho thương hiệu của riêng mình”.
Trái ngọt từ những nỗ lực
Nguyên liệu doanh nghiệp anh sử dụng là cây bạch đàn thuộc nhóm ngành năng lượng tái tạo bền vững, thân thiện với môi trường và góp phần giảm phát thải khí CO2. Những mẻ than ra lò, anh tập hợp thêm các mẫu than có chất lượng tốt nhất từ các doanh nghiệp cùng ngành trong nước mang đi chào hàng ở Nhật Bản.
Ngay từ cuộc gặp đầu tiên đã khiến doanh nghiệp Nhật Bản hứng thú và bất ngờ với chất lượng than của Việt Nam. Lập tức một đoàn gồm 8 doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm quan nhà xưởng, quy trình sản xuất than tại Việt Nam mở ra cơ hội hợp tác đầu tiên.
“Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, với định hướng đó, anh Hiệp thành lập Công ty TNHH thương mại Nguồn lực Biển Đông và kêu gọi gần 40 doanh nghiệp sản xuất than trong nước thành lập Hiệp hội Than củi Việt Nam cùng tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng than của các doanh nghiệp trong Hiệp hội để tiến sâu hơn vào thị trường Nhật Bản. Nhờ sự quyết liệt trong hành động đó đã giúp các doanh nghiệp Việt – Nhật đều đặt niềm tin ở anh.
Lại Văn Hiệp (ngoài cùng bên trái) đi khảo sát nguồn nguyên liệu ở nhiều địa phương
Đầu ra đã được giải quyết nhưng nguồn nguyên liệu thì không như dự tính. Toàn bộ than củi xuất đi Nhật đều từ cây bạch đàn nhưng anh Hiệp lại không có thống kê về trữ lượng của nguyên liệu mà phải lặn lội đi tìm theo lời kể của người dân địa phương. Ban đầu khi khảo sát, hầu hết các khu vực đều được đánh giá là vùng có trữ lượng lớn, nhưng thực tế lại có nhiều nhầm lẫn giữa cây tràm với cây bạch đàn, hoặc nếu có vùng đúng nguyên liệu thì trữ lượng đánh giá không đúng với thực tế hoặc đúng nguyên liệu, đúng trữ lượng thì sản phẩm đầu ra lại không đạt các chỉ số thị trường yêu cầu.
Anh Hiệp phải mất 4 năm, mở 4 nhà xưởng tại các tỉnh Nghệ An, Bình Thuận, Trà Vinh, Bình Định, Long An để sản xuất, so sánh và đối chiếu chất lượng.
Trải qua nhiều lần mở xưởng rồi phải đóng lại do thiếu nguồn nguyên liệu, tiền vốn cũng lần lượt đội nón ra đi, nhưng với tinh thần bại không nản, cuối cùng điểm sản xuất ở Bình Thuận đã đáp ứng được trữ lượng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm đầu ra để duy trì và mở rộng sản xuất.
Xưởng than đóng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận của Công ty TNHH thương mại Nguồn lực Biển Đông
Đến nay, xưởng đã có 100 lao động với mức lương trung bình công nhân nam 10,5 triệu đồng/tháng, công nhân nữ 7 triệu đồng/tháng; sản lượng sản xuất đạt 2000 tấn than trắng/năm, 1300 tấn than đen/năm.
Khi đại dịch Covid-19 có những chuyển biến phức tạp, liên kết sản xuất và cung cầu bị gián đoạn, hàng loạt doanh nghiệp rời bỏ thị trường nhưng đây lại chính là cơ hội cho anh Hiệp trở mình. Các doanh nghiệp sản xuất than các nước trong khu vực không thể đáp ứng được nhu cầu thị trường mở ra dự địa lớn, anh Hiệp nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh vào sản xuất, không những không phải cắt giảm nhân sự mà còn tạo được việc làm thường xuyên cho lao động, lượng nhân công tăng 20% so với trước dịch, cùng với đó là tăng 15% lương và trợ cấp cho người lao động.
Để vững vàng vượt dịch, trước đó, ngay khi tiếp cận được thị trường Nhật Bản, anh Hiệp đã nhanh chóng thâm nhập vào các kênh bán lẻ, siêu thị tại đây. Đại dịch bùng nổ, nhà hàng bị đóng cửa nhưng nhu cầu nướng tại nhà lại tăng lên bất ngờ khiến lượng than xuất khẩu của anh không những không bị giảm xuống mà còn tăng lên. “Thực ra bản thân tôi cũng không hề dự đoán được thị trường mà bởi khi đưa sản phẩm vào Nhật Bản tôi vẫn muốn đa dạng được kênh bán hàng để không bị phụ thuộc, thụ động”, anh Hiệp nói.
Cùng lúc đó, anh cũng tiếp cận thành công thị trường Mỹ, Malaysia, Úc mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Thắng không kiêu, anh Hiệp luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn từng bước để các doanh nghiệp sản xuất trong nước, thậm chí là doanh nghiệp của nước bạn Lào tham gia vào các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Nhật Bản.
Song, anh cũng khẳng định, các thị trường nước ngoài khó tiếp cận, bởi chúng ta tiếp cận họ bằng các thông số định tính, không có đánh giá, không có chỉ số về độ cứng, độ ẩm, sinh nhiệt, tỏa nhiệt, thời gian cháy… nên không đủ sức thuyết phục với đối tác. Khi giải quyết được điểm mấu chốt, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật thì việc duy trì đơn hàng với đối tác lại rất thuận lợi. Nhưng không phải vì thế mà các doanh nghiệp được phép lơ là về chất lượng sản phẩm.“Một thương hiệu có chỗ đứng trên thương trường phải dựa vào cả 2 yếu tố: Chất lượng của chính sản phẩm và chất lượng của cách thức vận hành doanh nghiệp cũng như tư duy của người đứng đầu doanh nghiệp đó”, anh Hiệp chia sẻ.
Lê Văn Công