Tấm gương sáng ngời về người giáo viên nhân dân

 255 lượt xem
BTĐKT - Hơn 2 thập kỷ gắn bó với nghề “trồng người” cao quý, trải qua biết bao thử thách trong quá trình chuyển đổi của xã hội, nhưng nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vẫn luôn giữ “lửa nghề" cháy bỏng; đồng thời kiên trì với sứ mệnh kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho lớp lớp thế hệ trẻ. Cô không ngừng tự học và nâng cao năng lực chuyên môn; chủ động đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người giáo viên nhân dân. 

 

Nhà giáo sáng tạo và giàu nhiệt huyết

Đã nhiều năm nay, các thầy cô giáo trong Trường THCS Quang Trung, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng quen với việc được tặng và sử dụng những sản phẩm hữu cơ do cô Huyền và học trò trong trường tự tay làm ra. Khi là thỏi son dưỡng môi, lúc là hũ kem trộn nhỏ, chưa nhãn mác nhưng thơm, mềm, màu đẹp hoặc bánh xà phòng thơm hay túi bột ngâm chân làm từ nguyên liệu hữu cơ, thân thiện với môi trường… Tất cả đều là kết quả của những dự án học tập thuộc môn Hóa học do cô Huyền và học sinh trong trường thực hiện.

Cô Đặng Thị Thu Phượng, một đồng nghiệp thường xuyên chứng kiến cô Huyền cùng các học trò trong trường say mê thực hiện từng công đoạn của các dự án học tập cho biết: Hầu như năm nào cô Huyền cũng không quản ngại, nhiệt tình tham gia hướng dẫn học sinh của mình tự tạo ra các sản phẩm mới, ý nghĩa và thiết thực trong đời sống. Có những sản phẩm đã đạt giải cao trong cuộc thi khoa học kĩ thuật các cấp.

“Cô Huyền luôn nỗ lực đầu tư tâm huyết để tạo hứng thú, khơi dậy niềm đam mê và bồi đắp tình yêu bộ môn cho các em học sinh thông qua nhiều hoạt động học tập sáng tạo khác nhau như: Áp dụng phương pháp trò chơi, dạy học trực quan (sử dụng mẫu vật tự nhiên, tranh hình, sơ đồ, mô hình, video clip..); phương pháp đóng vai… Do đó, mỗi tiết học ở lớp cô Huyền đều trôi qua nhẹ nhàng, thoải mái, học sinh vô cùng thích thú, mà luôn khắc sâu kiến thức một cách có hệ thống, rất phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục hiện nay”, cô Phượng cho biết.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

Đặc biệt đáng ghi nhận nhất là, năm học 2020 - 2021, năm đầu tiên áp dụng việc thay sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 6, đây cũng là năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cô và trò chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến một thời gian khá dài, cô Huyền cùng với các đồng nghiệp đã tích cực đổi mới phương pháp, thực hiện tốt nhiệm vụ “Giãn cách xã hội, kéo gần tri thức”. Cô đã chủ động áp dụng các video, bài giảng điện tử, game học tập, đề ôn luyện kiến thức… để học sinh được “học mà chơi, chơi mà học”, xóa đi cảm giác các em đang ngồi trước màn hình máy tính.

Em Nguyễn Trung Nguyên, một học sinh từng tham gia đóng vai “Nam Tào” trong tiểu phẩm “Buổi chầu cuối năm”, một hoạt động khởi động bài học “Glucozơ” của môn Hóa học lớp 9, chia sẻ: "Thích lắm cô ạ! Cô Huyền dạy vui và dễ hiểu nữa. Mỗi hôm học một chủ đề khác nhau, cô Huyền đều cho chúng em cơ hội tự chuẩn bị, tự thiết kế vào bài học theo ý tưởng của mình. Cô hướng dẫn, động viên, ghi nhận những thành quả mà chúng em đã nỗ lực xây dựng. Với em, mỗi giờ Hóa học không chỉ là giờ tiếp cận tri thức mới, còn là lúc tích lũy những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa về tuổi học trò của mình. Em và các bạn sẽ chẳng bao giờ quên được những giây phút vào vai một doanh nhân thành đạt, một nhà sản xuất rượu vang nho nổi tiếng nói về phương pháp lên men rượu từ glucozơ. Chúng em cũng sẽ nhớ mãi vai táo quân trong buổi chầu cuối năm, cáo lỗi với Ngọc Hoàng bằng những món quà được làm từ glucozơ dưới nhân gian gửi biếu"…

Đi đầu trong bồi dưỡng học sinh giỏi        

Dạy kiến thức cơ bản cho học sinh tiếp thu nhanh vốn đã không dễ, trau dồi kiến thức nâng cao và rèn đội tuyển học sinh giỏi để các em đạt thành tích cao tại các kỳ thi lại càng khó gấp bội phần. Thế nhưng, bằng tài năng và tình yêu nghề, yêu trò vô tận, cô Huyền đã chắp cánh cho nhiều giải thưởng học sinh giỏi của các học trò.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền cùng các em học sinh vui vẻ thư giãn sau một tiết học

Nhiều năm nay, năm nào cũng vậy, số lượng học sinh đăng ký vào Đội tuyển thi học sinh giỏi môn Hóa đông nhất trường. Dù phòng học hạn chế, phải ngồi chen chúc từ 60 đến 70 học sinh nhưng giờ giảng của cô Huyền luôn được học sinh mong chờ và hào hứng nhất. Số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh mà cô Huyền tham gia bồi dưỡng năm nào cũng cao, thường xuyên có học sinh đạt thủ khoa. Thống kê kết quả 5 năm gần nhất, học sinh giỏi cấp thành phố môn Hóa học của nhà trường do cô Huyền trực tiếp hướng dẫn là 52 học sinh (trong đó có 3 giải nhất; 12 giải nhì; 16 giải ba và 21 giải khuyến khích).

Không chỉ vậy, cô còn được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tin tưởng giao nhiệm vụ nhóm trưởng nhóm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa học cấp tỉnh. Kết quả, 5 năm gần nhất có tổng cộng 60 em đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh (trong đó có 4 giải nhất; 17 giải nhì; 18 giải ba và 21 giải khuyến khích). Nhờ vào nền tảng kiến thức và niềm say mê của cô Huyền đã gieo, rất nhiều học sinh sau này lên bậc THPT vẫn tiếp tục với môn Hóa học và đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Tình yêu nghề cháy bỏng

22 năm trong nghề, ngoài nhiệm vụ của giáo viên bộ môn, cô Huyền còn được tin tưởng giao thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Giáo viên chủ nhiệm lớp, tổ trưởng chuyên môn, nhóm trưởng bộ môn; tổ trưởng tổ cốt cán bộ môn Hóa học của Phòng Giáo dục và Đào tạo; thành viên của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; thành viên ban sát hạch kỳ tuyển dụng viên chức thành phố Bảo Lộc; thành viên ban giám khảo các cuộc thi giáo viên giỏi, nghiệp vụ sư phạm trẻ cấp thành phố và cấp tỉnh; thành viên ban giám khảo kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh hay kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường chuyên của tỉnh; thành viên ban giám khảo cuộc thi Ngày hội stem của tỉnh; thành viên đại diện cho Sở GD&ĐT tham gia tập huấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức để phổ biến lại cho giáo viên trong đơn vị, địa phương; trực tiếp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp cho đơn vị trường học và cho đội tuyển học sinh giỏi của phòng GD&ĐT thành phố Bảo Lộc tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền…

Dù trong bất kỳ vai trò, cương vị nào, cô Huyền luôn toàn tâm, toàn ý, toàn lực, có trách nhiệm cao với công việc; luôn gương mẫu, tiên phong, năng động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Chứng kiến vợ nhiều đêm chong đèn để thiết kế kế hoạch bài dạy, kỳ công chuẩn bị dụng cụ, mẫu vật rồi các hình ảnh, đoạn phim, trò chơi sinh động, hấp dẫn cho các bài học; biên soạn tài liệu chuyên đề môn học, tài liệu hướng dẫn (cho giáo viên và học sinh); tổ chức hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học cho học sinh, anh Trần Đình Thắng vô cùng trân trọng.

“Có nhiều hôm để hoàn thành những giải pháp chuyên đề các cấp, cô ấy làm đến 3 hoặc 4 giờ sáng mới ngủ. Nhất là trong các kỳ ôn luyện học sinh giỏi, cô ấy gần như quên đi tất thảy những ước mong rất đời thường của người con gái là được chăm sóc bản thân, được thong thả đi thể dục mỗi chiều… Thay vào đó, cô ấy lao vào làm việc bằng 200% sức lực, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, thậm chí ngay cả khi trở mệt, cô vẫn nỗ lực không ngừng. Cô ấy chỉ mong ước duy nhất là giúp các em học sinh nắm thật chắc kiến thức và giữ vững tinh thần để vượt qua kỳ thi thật tốt”, anh Thắng chia sẻ.

Cô Huyền cùng các học trò thân yêu chụp ảnh kỷ niệm

 Nhưng có lẽ không chỉ đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh và gia đình mà bất kể ai được làm việc cùng cô Huyền cũng cảm nhận thấy tình yêu nghề sâu sắc, cháy bỏng của cô. Ai cũng có thể cảm nhận thấy hạnh phúc trong người giáo viên ấy là được sống, được làm việc và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và được cô truyền năng lượng tích cực.

Với những nỗ lực, cống hiến cho nghề, nhiều năm liên tục cô Huyền đạt danh hiệu giáo viên giỏi các cấp; 9 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 1 lần được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; đặc biệt cô đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen xuất sắc trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; 2 lần được Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng tặng Giấy khen và được chọn là “Nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh nhân dịp Kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam”; 2 lần được Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc tặng Giấy khen “xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước”. Cô được Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng Bằng khen đảng viên đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm liền (2018 – 2022) và được tặng nhiều giấy khen khác của UBND thành phố, ngành GD&ĐT thành phố, Đảng bộ Phường 2…

Bằng khen, giấy khen nhiều vô kể, đó là sự ghi nhận của cấp trên cho những nỗ lực không mệt mỏi của một tấm gương nhà giáo luôn gương mẫu, tiên phong, năng động, sáng tạo, trách nhiệm cao với công việc và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhưng với cô, sự ghi nhận lớn nhất và cũng là điều hạnh phúc hơn chính là được chứng kiến sự trưởng thành của học sinh cả về đạo đức lẫn trí tuệ qua mỗi năm học; là những tình cảm đẹp chạm đến và đọng lại trong tim mỗi học trò.

43 năm tuổi đời, 22 năm tuổi nghề, sự nhiệt huyết với nghề “trồng người” vẫn như nguồn mạch sống, như ngọn lửa thắp sáng và bừng cháy cái tài, cái tâm của nữ giáo viên Nguyễn Thị Thu Huyền. Ngày ngày cô vẫn không ngừng học hỏi, sáng tạo, tự trau dồi, nâng tầm hiểu biết để luôn là tấm gương sáng, xứng đáng là “người dẫn đường tin cậy” của học sinh.

Mai Thị Thảo

 
Ý kiến của bạn