Triển khai Đề tài độc lập cấp quốc gia nghiên cứu vai trò điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước

 241 lượt xem
BTĐKT - Sáng 12/1, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu vai trò điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn hiện nay”. Chủ trì hội nghị có TS Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài. 

 

Quang cảnh hội nghị

Đề tài “Nghiên cứu vai trò điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn hiện nay” (mã số ĐTĐL.XH-04/23) do TS Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm Chủ nhiệm, có 13 thành viên chính và 1 thư ký đề tài cùng tham gia.

Đề tài được triển khai thực hiện từ tháng 12/2023 đến tháng 12/2025 với mục tiêu chung là nghiên cứu, đề xuất quan điểm, nhiệm vụ và các giải pháp phát huy vai trò của điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các năm tiếp theo.

Để thực hiện được mục tiêu tổng quát, đề tài đưa ra các mục tiêu cụ thể: Nghiên cứu cơ sở lý luận, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương của Đảng về điển hình tiên tiến trong công tác thi đua, khen thưởng; những vấn đề thực tiễn trong quá trình phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các giai đoạn phát triển của đất nước, trên cơ sở đó luận giải rõ ràng các vấn đề lý luận và thực tiễn về điển hình tiên tiến trong công tác thi đua, khen thưởng. Nghiên cứu, đánh giá thực trạng về phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian qua (kết quả đạt được, những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, thách thức, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm...), đặc biệt từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 1/6/2014).

Trên cơ sở các vấn đề lý luận, thực tiễn và đánh giá thực trạng về phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, đề tài sẽ đề xuất quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp để phát huy vai trò điển hình tiên tiến trong đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tại hội nghị, các thành viên đã đóng góp ý kiến chủ yếu vào việc phối hợp trong triển khai các nhóm công việc cụ thể. Theo đó, để phục vụ nội dung nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài dự kiến tổ chức 3 cuộc hội thảo ở 3 miền Bắc - Trung - Nam với các chủ đề: “Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng và điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua”; “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến tại các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương”; "Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Ngoài ra, Ban chủ nhiệm đề tài và người đứng đầu các nhóm nghiên cứu, các chuyên gia sẽ tổ chức 10 cuộc hội thảo nhóm với quy mô vừa và nhỏ, đi vào từng lĩnh vực chuyên sâu theo các nhóm vấn đề đặt ra trong các nội dung nghiên cứu của đề tài.

Về điều tra, khảo sát thực tế trong nước, đề tài tập trung vào phương pháp phỏng vấn sâu, đối tượng là các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến đã được tôn vinh, nhân rộng trong thời gian qua để thu thập dữ liệu thông tin, từ đó góp phần đề xuất ra các giải pháp phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

Ngoài ra, dựa trên các nội dung nghiên cứu của đề tài, Ban chủ nhiệm dự kiến sẽ tổ chức điều tra, khảo sát thực tế tại 5 khối cơ quan, đơn vị theo nội dung nghiên cứu: Khối các cơ quan đảng; khối các cơ quan nhà nước; khối Mặt trận tổ quốc Việt nam và các tổ chức chính trị - xã hội; khối lực lượng vũ trang nhân dân; khối các doanh nghiệp. Tại mỗi khối cơ quan nêu trên, sẽ chọn từ 2 - 3 đơn vị tại các địa phương khác nhau; mỗi đơn vị điều tra 100 - 200 phiếu, tổng số là 2.800 phiếu.

Để đảm bảo tính khách quan, toàn diện trong việc điều tra chọn mẫu, Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tổ chức điều tra, khảo sát tại các các bộ, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau.

Về phương án hợp tác quốc tế, Ban chủ nhiệm dự kiến sẽ tổ chức đoàn 6 người đến Cộng hòa Séc trong 6 ngày (Dự kiến Quý IV năm 2024) để nghiên cứu khảo sát nhằm tìm hiểu kinh nghiệm Cộng hòa Séc về việc khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho phát triển đất nước. Đặc biệt là chế độ khen thưởng, quy trình khen thưởng, công tác tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích.

Phát biểu kết luận hội nghị, TS Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài đã đề nghị các thành viên chính triển khai các nội dung công việc trong kế hoạch phân công đúng với tiến độ thời gian đã đề ra. Đồng chí đặc biệt lưu ý hội thảo lần 3 cần đẩy nhanh tiến độ so với kế hoạch đề ra, dự kiến tổ chức vào tháng 10 hoặc 11/2024.

Phương Thanh

 
Ý kiến của bạn