BTĐKT - Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), Tổng cục Hải quan đã thực hiện số hóa và áp dụng trong các lĩnh vực, mang lại hiệu quả cao.
Qua các giai đoạn xây dựng, công tác nghiệp vụ quản lý thuế của ngành Hải quan đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo đó, từ năm 1998, ngành Hải quan đã bắt tay vào quá trình số hóa công tác kế toán thuế và triển khai trên phạm vi toàn quốc bằng Hệ thống Kế toán thuế. Nếu như trước đây chỉ có cán bộ, công chức (CBCC) làm công tác kế toán được đào tạo chuyên sâu mới có thể cập nhật, khai thác thông tin kế toán thuế xuất nhập khẩu thì khi áp dụng hệ thống, công tác quản lý theo dõi nợ thuế với cơ chế tự động theo dõi số thuế phát sinh, số thuế đã nộp, số thuế còn nợ của doanh nghiệp (DN) chi tiết theo từng tờ khai; thực hiện cơ chế tự động hạch toán kế toán cho phép CBCC chỉ cần nhập các chỉ tiêu thông tin cơ bản của hồ sơ, hệ thống sẽ tự động định khoản kế toán.
Tổng cục Hải quan đã thực hiện số hóa và áp dụng trong các lĩnh vực, mang lại hiệu quả cao
Có thể nói, việc thực hiện số hóa và triển khai Hệ thống Kế toán thuế đã đem đến những hiệu quả rõ rệt, cụ thể là tăng mức độ chính xác trong công tác quản lý theo dõi nợ thuế; giảm khối lượng công việc (liên quan đến công tác kế toán) cho CBCC hải quan do hệ thống được thiết kế với cơ chế tự động hạch toán kế toán; giảm chi phí hành chính cho cơ quan hải quan.
Theo đánh giá, trước khi triển khai Hệ thống Kế toán thuế, CBCC Hải quan phải sử dụng khoảng 30.000 quyển sổ (sổ thanh toán đối tượng nộp thuế) để theo dõi nợ thuế của DN (mỗi DN có một quyển sổ) đó là chưa kể đến các loại sổ chi tiết, tổng hợp tài khoản các báo cáo kế toán bằng giấy. Tuy nhiên, sau khi triển khai hệ thống các sổ sách chứng từ đã được lưu giữ toàn bộ ở dạng điện tử; tăng tính chính xác, kịp thời trong việc cưỡng chế, giải tỏa cưỡng chế đối với các lô hàng nộp thuế quá thời hạn quy định.
Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ CNTT, từ năm 2007, Tổng cục Hải quan đã thực hiện số hoá với việc áp dụng Giấy nộp tiền điện tử thay cho Giấy nộp tiền giấy và thực hiện kết nối trao đổi thông tin giữa các cơ quan Thuế - Hải quan - Kho bạc - Tài chính về tình hình nộp thuế của DN xuất nhập khẩu (XNK). Đáng chú ý, từ năm 2012 đến năm 2017, ngành Hải quan đẩy mạnh chuẩn hoá quy trình thu thuế để phục vụ việc số hoá, thực hiện việc kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và các ngân hàng thương mại để thực hiện việc thanh toán điện tử. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện thanh toán điện tử, phối kết hợp với các ngân hàng thương mại trong việc xây dựng các quy trình nghiệp vụ và phát triển các ứng dụng trao đổi thông tin.
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, cơ quan hải quan đã triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Theo đó, mức độ số hoá và ứng dụng CNTT được đẩy cao hơn một bước. Với việc triển khai Đề án này, DN có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan.
Việc triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 cho thấy, quá trình số hoá công tác thu thuế đã tạo bước đột phá trong công tác thu nộp thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật đối với hoạt động XNK hàng hóa. Tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho DN XNK thực hiện nộp thuế, phí và lệ phí mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt và thay bằng đó là thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác, từ đó giúp giảm thời gian nộp thuế, giảm thời gian thông quan hàng hóa ngay sau khi DN hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Kết quả cho thấy, số thuế XNK thu bằng phương thức điện tử của giai đoạn 2016 - 2020 gấp hơn 1,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.
Tổng cục Hải quan xác định, hoạt động nghiệp vụ rất quan trọng và đòi hỏi nhiều nguồn lực, nên việc đẩy mạnh số hoá công tác quản lý thu thuế XNK được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan việc số hoá và triển khai các hệ thống phần mềm ứng dụng để phục vụ công tác quản lý theo dõi tình hình nợ thuế, nộp thuế của DN XNK chính xác, kịp thời trên phạm vi toàn quốc đặt ra những yêu cầu rất lớn cho cơ quan Hải quan.
Đến năm 2030, trong tiến trình nghiên cứu, xây dựng và thực hiện hệ thống Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh, ngành Hải quan đang từng bước nâng cấp, cập nhật và thiết kế mới nhiều mô hình, hệ thống ứng dụng triệt để công nghệ số, trí thông minh nhân tạo để nâng cao một bước hiệu quả trong công tác quản lý thuế.
Song Linh