Huyện Kim Sơn: Phát triển kinh tế nông thôn bền vững từ sản phẩm OCOP

 4056 lượt xem
BTĐKT - Thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đã tích cực phối hợp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, huyện đã lựa chọn những nông sản đặc trưng để xây dựng sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội liên kết tiêu thụ, phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững. 

 

mh1.jpg

Nếp hạt cau có năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao, được huyện Kim Sơn lựa chọn để xây dựng sản phẩm OCOP

Từ năm 2019, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai chương trình OCOP, trong đó chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội thực hiện hiệu quả chương trình, từ việc thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại các địa phương trên địa bàn huyện. Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện về tổ chức bộ máy của các tổ chức kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; hướng quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Đến nay, huyện Kim Sơn đã có 19 sản phẩm OCOP gồm 10 sản phẩm đạt 4 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao. Có thể kể đến một số sản phẩm đặc trưng của huyện như: Rượu, mật ong sú vẹt, cơm cháy, đồ thủ công mỹ nghệ từ cói và bèo bồng, tinh dầu...

Xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn đã lựa chọn cây đào cảnh - một sản phẩm đặc trưng của xã để hỗ trợ, xây dựng sản phẩm OCOP. Ông Phạm Văn Ty, Giám đốc HTX đào Hồi Ninh chia sẻ: “Diện tích sản xuất đào của HTX khoảng 5 ha với hơn 10 nghìn gốc đào. Để được công nhận là sản phẩm OCOP, chúng tôi hướng dẫn các thành viên thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, uốn tỉa để sản phẩm đưa ra thị trường có chất lượng đồng đều. Bên cạnh đó, nghiên cứu, tính toán phương pháp bao gói, bảo quản, gắn tem mác, để người tiêu dùng dễ nhận diện được thương hiệu sản phẩm”.

Bên cạnh cây đào cảnh, nếp hạt cau cũng là một trong những sản phẩm đặc trưng mà huyện Kim Sơn đưa vào xây dựng sản phẩm OCOP. Những năm gần đây, lúa nếp hạt cau được mở rộng diện tích ở các địa phương trong huyện, với thổ nhưỡng phù hợp nên chất lượng gạo thơm ngon. Do đã hoàn thiện quy trình sản xuất, nên huyện đăng ký xây dựng nếp hạt cau là sản phẩm OCOP trong năm 2023. Cùng với đó, các địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm, áp dụng phương pháp gieo mạ khay, cấy máy, sử dụng phân bón hữu cơ để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, góp phần khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm ngày càng vươn xa.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn, các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều chủ thể sản xuất khi tham gia vào chương trình đã chủ động học tập kinh nghiệm, đổi mới tư duy, phương pháp sản xuất, từ đó phát triển cơ sở quy mô, hiện đại với những sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng. Nhờ vậy, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, không ít trường hợp trước đây chỉ sản xuất, tiêu thụ ở quy mô nhỏ, nhờ được gắn "sao" OCOP đã mở rộng sản xuất, thị trường, thậm chí vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì số sản phẩm được công nhận OCOP vẫn chiếm tỷ lệ tương đối thấp. 

Huyện Kim Sơn xác định OCOP là một trong những chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, UBND huyện Kim Sơn đã và đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, đơn vị tư vấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và cách thức tổ chức thực hiện Chương trình OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện, phát triển, quản lý chất lượng sản phẩm; quảng bá, xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; phát triển liên kết chuỗi, cung ứng nguyên liệu… Qua đó, khơi dậy tiềm năng từ các sản phẩm truyền thống của địa phương, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng bền vững.

Hà Giang

 
Ý kiến của bạn