BTĐKT - Sáng 22/5, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội thảo "Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua". Hội thảo thuộc Đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu vai trò điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn hiện nay”.
TS. Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài dự và chủ trì hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
Cùng dự có các Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương: Phạm Đức Toàn, Phan Văn Hùng; các chuyên gia trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; các đồng chí trong Ban Chủ nhiệm đề tài; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
TS. Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, TS. Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết sức coi trọng khơi dậy, phát động phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Người coi đây là một trong những biện pháp căn bản để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người xác định: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực… Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Trong tư tưởng về thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh, Người rất quan tâm, coi trọng các điển hình tiên tiến và việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Khi nói về điển hình tiên tiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường diễn đạt dưới hình tượng cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ - gương “người tốt, việc tốt”, Người căn dặn: “Người tốt, việc tốt như hoa nở mùa xuân, nêu gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng” và “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau, là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Trong thời kỳ kháng chiến, kiến quốc, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, khi tổ chức triển khai các phong trào thi đua, Đảng, Nhà nước ta cũng rất quan tâm đến các điển hình tiên tiến, coi việc nêu gương điển hình tiên tiến là phương pháp thi đua quan trọng nhất trong các biện pháp và hình thức tổ chức vận động thi đua. Thông qua qua 10 kỳ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc (từ năm 1952 đến nay), Đảng, Nhà nước đã tuyên dương, tôn vinh hàng chục nghìn điển hình tiên tiến là Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, tập thể, cá nhân xuất sắc trên các lĩnh vực, tiêu biểu trong từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong thời gian qua cho thấy các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua, coi việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến là một trong những động lực tinh thần quan trọng để công tác thi đua, khen thưởng đi vào cuộc sống của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến còn có tồn tại, hạn chế, với nhiều nguyên nhân cả về khách quan và chủ quan, đã tác động không nhỏ tới việc triển khai, tổ chức các phong trào thi đua.
PGS.TS Đặng Quang Định, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn về thi đua, khen thưởng nói chung và công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến nói riêng, góp phần đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Thế Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến vào một số nội dung: Quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về thi đua và điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; vai trò của điển hình tiên tiến và công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trong đổi mới công tác thi dua, khen thưởng; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan, đơn vị.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các vị đại biểu tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng, góp phần nghiên cứu, đề xuất quan điểm, nhiệm vụ và các giải pháp phát huy vai trò của điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các năm tiếp theo.
Bùi Thủy